Thế giới

Lũ lụt tàn phá đồng bằng sông Trường Giang, Trung Quốc huy động 1,2 triệu quân ứng phó

Sáng 19/08, Wang Nianyin đang ngủ trên tầng hai quán cà phê Lulu Cat do ông làm chủ thì bất ngờ nước tràn vào con đường đá trước cửa.

Trùng Khánh là nơi sông Gia Lăng đổ về sông Trường Giang, mỗi năm mưa Hè luôn khiến mực nước dâng cao, nhưng chưa bao giờ cao như thế này.

Tới trưa, Wang và nhiều cửa hàng khác tại địa phương đã phải sơ tán. Buổi chiều, nhiều khu vực ở cổ trấn Từ Khí Khẩu nơi họ sinh sống đã ngập nước. Các xa lộ ven sông biến mất, những đợt sóng đe dọa đường sắt.

Trung Quốc đã bước vào tháng thứ ba của mùa lũ, thiệt hại to lớn đã được ghi nhận tại khu vực các tỉnh miền Trung cho tới thượng nguồn Trường Giang - bao gồm Trùng Khánh, thành phố 30 triệu dân - và tỉnh Tứ Xuyên. Tính tới hiện tại, 63 triệu người đã bị ảnh hưởng, 15 triệu acre đất trồng hoa màu bị tàn phá.

Trong các thông báo chính thức, giới chức Trung Quốc đánh giá mức độ thiệt hại của lũ lụt ngang với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đầu tuần, đài truyền hình trung ương Trung Quốc phát hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó và đưa ra các chỉ đạo trước khả năng đợt lũ thứ sáu sẽ diễn ra. Giới chức Trùng Khánh cảnh báo đợt lũ thứ sáu có thể xảy ra vào tháng 09 nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài.

Lũ lụt tàn phá đồng bằng sông Trường Giang, Trung Quốc huy động 1,2 triệu quân ứng phó
Sông Trường Giang đoạn chảy qua thành phố Trùng Khánh (Ành: Bloomberg)

Dù quân đội Trung Quốc thường cứu trợ thiên tai như lũ lụt, động đát, nhưng phát biểu của ông Tập Cận Bình gọi tình hình là tồi tệ, và việc huy động quy mô lớn cho thấy mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng và tình trạng cấp bách của việc triển khai ứng phó tập thể.

Quân đội Trung Quốc đã huy động 1,2 triệu binh lính từ 17 tỉnh thành để sơ tán 170.000 người dân, củng cố đê điều, đường xá, theo truyền thông nhà nước. Hôm 20/08, mực nước sông Trường Giang tại Trùng Khánh đạt ngưỡng kỷ lục, lượng nước đổ về hồ chứa đập Tam Hiệp cũng cao chưa từng thấy, khiến công ty vận hành đập cam kết sẽ hoạt động "như thời chiến".

"Trận chiến chống lũ lụt là bài kiểm tra thực tế đối với khả năng lãnh đạo và hệ thống chỉ huy của quân đội Trung Quốc, cũng như tính sẵn sàng chiến đấu và khả năng thực hiện các nhiệm vụ của quân đội," ông Tập Cập Bình nói với các quan chức tại tỉnh An Huy hôm 20/08.

Tại Trùng Khánh, Wang và nhiều người dân khác cho biết tới 21/08, Từ Khí Khẩu vẫn ngập trong nước lũ, cả khu vực chưa có điện.

Wang nói anh không thể trở về quán cà phê để kiểm tra thiệt hại. Gần đó, chủ nhà hàng Wangjianglou, vốn thường xuyên quảng bá cơ sở của mình có khung cảnh tuyệt vời nhìn ra sông Gia Lăng, cho biết tầng trệt nhà hàng vẫn còn ngập nước. Chủ nhà hàng nói anh không thể làm gì để cứu vãn cơ sở của mình.

"Chuyển đồ ra ngoài chẳng giải quyết được vấn đề gì. Đường phố cũng ngập nước rồi," anh bực bội nói.

Zhang Faxing, nhà thủy văn học tại Đại học Tứ Xuyên, cho biết tỉnh vốn quen với mùa lũ, nhưng thảm họa tới mức độ này, và mưa lớn vẫn còn kéo dài tới gần hết tháng 08 như năm nay là rất hiếm.

"Chúng ta cần cảnh giác với lũ lụt ở thượng nguồn và trung lưu sông Trường Giang cho tới giữa tháng 09. Thời tiết cực đoan khiến người dân sinh sống dọc các con sông ở miền Nam rơi vào bất định, tuy vậy khả năng mưa lớn kéo dài tại Trung Quốc đại lục là khá nhỏ," Zhang nói.

Quan chức Trung Quốc cảnh báo thời tiết cực đoan và lũ lụt sẽ ngày càng tồi tệ cùng với thay đổi khí hậu. Năm 2015, báo cáo do một số bộ của Trung Quốc ban hành cho biết nước này dễ bị ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt và mực nước biển dâng. Một số nghiên cứu của Trung Quốc, bao gồm báo cáo thường niên của Ủy ban Khí tượng nước này, lưu ý rằng tần suất mưa lớn xảy ra đã tăng trong 60 năm qua.

Các chuyên gia cho rằng việc cải tạo đất và phát triển đất ngập dọc sông Trường Giang đã khiến khu vực đồng bằng mất khả năng chống lũ.

Anders Levermann, nhà khoa học khí hậu thuộc Viện Nghiên cứu Tác động Thời tiết Postdam cho biết ông ước tính thiệt hại kinh tế vì lũ lụt tại Trung Quốc sẽ tăng 80% trong những thập kỷ tới, do mưa lớn cực đoan gây ra bởi biến đổi khí hậu.

Xảy ra ngay sau đại dịch Covid-19, lũ lụt đã khiến kinh tế Trung Quốc tiếp tục gián đoạn. Trường Giang chảy qua Thượng Hải, Vũ hán và Trùng Khánh, lưu vực sông chiếm tới 45% sản lượng kinh tế Trung Quốc và một phần ba số dân nước này.

Chính phủ Trung Quốc cho rằng các biện pháp kiểm soát lũ lụt đã tiến bộ hơn nhiều so với 5 năm trước và đưa ra dự đoán thiệt hại trực tiếp là 15 tỷ USD. Tuy vậy, con số này đã trên thực tế liên tục tăng trong những tuần gần đây.

Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, các công ty liên tục đưa ra thông báo với cổ đông, cho thấy mức độ thiệt hại ở miền Nam tỉnh Tứ Xuyên. Công ty sản xuất đất hiếm Lạc Sơn Thịnh Hòa, công ty sản xuất silicon Đồng Vĩ và một nhàn sản xuất pin mặt trời đều nói việc các xí nghiệp bị ngập đã khiến sản lượng của họ bị đình trệ.

Linh Giang (Nguoiduatin.vn)