Thế giới

Lợi ích Putin nhận được từ lời mời đến Nhà Trắng của Trump

Trump có thể đã trao cho Putin chiến thắng đối nội khi gửi lời mời gặp ông vào thời điểm Nga đang bị quốc tế lạnh nhạt vì vụ đầu độc cựu điệp viên.

Lợi ích Putin nhận được từ lời mời đến Nhà Trắng của Trump
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump gặp nhau tại Đức năm 2017. Ảnh: AP.

Yury Ushakov, trợ lý hàng đầu về chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Putin ngày 2/4 cho biết Trump đã đề xuất tổ chức cuộc gặp với Putin tại Nhà Trắng trong cuộc điện đàm ngày 20/3. Nhà Trắng xác nhận cuộc gặp nằm trong "một số tiềm năng đang được thảo luận".

Tuy nhiên, cuộc điện đàm nói trên diễn ra trước khi Nga và Mỹ trục xuất 60 nhân viên ngoại giao của nhau, trong loạt động thái ăn miếng trả miếng xoay quanh việc Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái. Skripal từng bị Nga buộc tội phản quốc vì bán bí mật cho Anh. Ông này đến Anh sống nhờ một thỏa thuận trao đổi gián điệp.

Nếu tổ chức cuộc gặp giữa hai lãnh đạo, điều đó sẽ mâu thuẫn với thái độ của nhóm chính sách đối ngoại Nhà Trắng, bao gồm Mike Pompeo, người được Trump đề cử làm tân ngoại trưởng và John R. Bolton, tân cố vấn an ninh quốc gia. Cả hai đều được coi là có quan điểm cứng rắn với Nga.

"Tôi lo rằng Trump gửi cho Putin tín hiệu tích cực hơn điều ông ấy đáng nhận được", Nicholas Burns, quan chức Bộ Ngoại giao dưới thời chính quyền Bush, bình luận, theo NYTimes.

Các nhà phân tích cho rằng những thảo luận về cuộc gặp giữa Trump và Putin có ích cho Putin trong đối nội, đặc biệt là vào thời điểm người Nga ngày càng cảm thấy họ bị cộng đồng quốc tế lạnh nhạt sau vụ đầu độc cựu điệp viên. "Họ sẽ nghĩ: thấy chưa, mọi chuyện chẳng quá tồi tệ, Putin vẫn được chào đón ở Mỹ", John R. Beyrle, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, nói.

"Việc Putin đứng ở Phòng Đông cùng với Tổng thống Mỹ tại một cuộc họp báo sẽ là mục tiêu lớn có tính biểu tượng cho lãnh đạo Nga", cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul, nói.

Lời mời của Trump cũng sẽ khiến các đồng minh thêm bối rối về chính sách không rõ ràng của Mỹ với Nga. Trump đã nhiều lần đưa ra hành động mạnh mẽ chống lại Nga nhưng ông thường tránh chỉ trích Putin. Trump cũng đã phớt lờ lời khuyên từ các cố vấn là không nên chúc mừng Putin tái đắc cử.

McFaul lo ngại Trump chỉ nghĩ đơn giản rằng tổ chức cuộc gặp với Putin là mục tiêu của chính sách đối ngoại với Nga. "Ông ấy không nên bao giờ coi đó là mục tiêu. Đó chỉ là phương tiện để đạt được những điều thật sự quan trọng với Mỹ", McFaul nói thêm.

Putin lần cuối cùng đến Nhà Trắng vào năm 2005, khi George W. Bush làm tổng thống. Obama không mời Putin đến Nhà Trắng trong suốt 8 năm cầm quyền. Trump và Putin từng gặp nhau ở Đức và Việt Nam bên lề các hội nghị quốc tế. Nhà Trắng nói rằng hai ông không có kế hoạch gặp nhau trước tháng 11, khi cả hai dự kiến tham dự cuộc họp G20 tại Argentina.

"Chỉ nên tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh nếu đạt được mục tiêu an ninh quốc gia cụ thể cho Mỹ", McFaul bình luận. "Không nên có một hội nghị thượng đỉnh chỉ để nói chuyện xuông mà không giải quyết được vấn đề gì".

"Theo truyền thống, các cuộc họp thượng đỉnh tại Nhà Trắng được dành riêng cho những sự kiện lớn khi Mỹ và Nga sắp đạt được kết quả khả quan. Hiện giờ, chưa rõ liệu Trump và Putin có làm việc với nhau để đạt được kết quả nào hay không. Vậy thì gặp để làm gì cơ chứ?", cựu đại sứ nói thêm.

Trong khi đó, tại một cuộc tranh luận trên truyền hình Nga cuối tuần trước, người tham gia Sergey Mikheev bày tỏ quan điểm tương tự với chính quyền Nga về Mỹ: Trump và Putin sẵn sàng gặp nhau càng sớm càng tốt để ổn định mối quan hệ nhưng bị ngăn cản bởi phe đối lập Mỹ.

"Không phải vì Putin chưa sẵn sàng, không phải vì Trump không muốn gặp Putin. Không có chuyện như thế. Thực tế, Trump còn sẵn sàng gặp cả Kim Jong-un", ông nói. "Những vấn đề chính trị nội bộ của Mỹ đã ngăn cản Trump gặp Putin".

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)