Thế giới

Loạt bí ẩn bao trùm vương quốc 3.000 năm tuổi mới phát hiện kho báu ở Trung Quốc

Kho báu cổ được khai quận tại di chỉ Tam Tinh Đôi ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) cho thấy miền Tây Nam nước này từng có một nền văn hóa tinh xảo cách đây ít nhất 3.000 năm.

Từ 2020, các nhà khảo cổ đã khai quật khoảng 13.000 cổ vật từ di chỉ Tam Tinh Đôi, trong đó có 3.155 cổ vật có thể coi là hoàn chỉnh. Tuy vậy, vẫn còn nhiều bí ẩn liên quan tới di chỉ này và nền văn hóa từng tồn tại ở đây.

Lei Yu, giám tuyển Bảo tàng Tam Tinh Đôi, cho rằng có ba câu hỏi lớn mà các nhà khảo cổ nghiên cứu di chỉ này chưa thể tìm ra câu trả lời.

Câu hỏi lớn thứ nhất là liệu những người cổ đại này có chữ viết hay không.

"Nếu có chữ viết thì có thể được viết trên lụa, gỗ, tre hoặc ngọc. Tôi không tin một nền văn minh phát triển cao như vậy lại không có chữ viết," Lei nói.

Tam Tinh Đôi được coi là trung tâm của vương quốc Cổ Thục, tồn tại cách đây khoảng 4.800 năm. Vương quốc này bị nhà Tần thâu tóm vào năm 316 trước công nguyên, theo SCMP.

Loạt bí ẩn bao trùm vương quốc 3.000 năm tuổi mới phát hiện kho báu ở Trung Quốc
Các nhà khảo cổ Trung Quốc làm việc tại di chỉ Tam Tinh Đôi (Ảnh: SCMP)

Nền văn minh ở Tam Tinh Đôi tồn tại song song với nhà Thương, trung tâm ở vùng Bình nguyên Hoa Bắc và là triều đại đầu tiên của Trung Quốc có ghi chép lịch sử.

Một cổ vật mà giới chuyên gia hy vọng có chữ viết là chiếc hộp bằng đồng chứa một viên ngọc bích. Chiếc hộp được khai quật tại một bãi hiến tế hồi tháng trước. Lúc này, chiếc hộp vẫn đang trong quá trình xử lý tại một phòng thí nghiệm và các nhà khảo cổ hy vọng có thể tìm thấy chữ viết khắc trên viên ngọc.

Câu hỏi lớn thứ hai cho các nhà khảo cổ là những cổ vật bằng đồng được chế tác ở đâu?

Đồng được sử dụng rộng rãi thời nhà Thương, từ vò rượu cho các nghi thức hiến tế hay làm vũ khí, nhạc cụ. Các cổ vật bằng đồng ở Tam Tinh Đôi có chất lượng và độ tinh xảo không kém gì những cổ vật được tìm thấy tại các nơi khác ở Trung Quốc.

"Chúng tôi muốn biết liệu những cổ vật bằng đồng có phải được sản xuất tại đây hay không, và nếu đúng vậy thì xưởng sản xuất ở đâu?", Lei nói, bổ sung thêm rằng nếu có thể xác định đồng được sản xuất trong khu vực, đó sẽ là bằng chứng mới cho thấy sự phát triển của nền văn minh này.

"Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của các cổ vật bằng đồng ở Tam Tinh Đôi, nhưng tôi tin hầu hết các cổ vật được sản xuất tại địa phương," Lei cho biết.

Câu hỏi lớn thứ ba, theo Lei, là các vị vua Cổ Thục được chôn cất ở đâu?

"Nếu Tam Tinh Đôi là kinh đô của vương quốc, các hoàng đế hẳn phải sống tại đây. Nhưng chúng tôi chưa tìm thấy các ngôi mộ cấp cao," Lei nói.

Khu vực hiến tế tại Tam Tinh Đôi gồm hai hố được khai quật vào năm 1986 và sáu hố khác được phát hiện trong khoảng từ 2020-2022. Lei cho biết các nhà khảo cổ sẽ tiếp tục tìm kiếm trong khu vực, bởi các cổ vật ở tám hố đều không hoàn chỉnh.

Zhao Hao, phó giáo sư Đại học Bắc Kinh và là người đứng đầu cuộc khai quật của một hố hiến tế khác cho biết các hố mới được tìm thấy là những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất trong 30 năm qua.

Tam Tinh Đôi từng được coi là phát hiện khảo cổ quan trọng nhất của thế kỷ 20, bởi trước đây các nhà khảo cổ đã khai quật hơn 1.700 cổ vật. Tuy vậy, số lượng cổ vật được khai quật từ năm 2020 lớn hơn nhiều.

"Giống như trước đây chúng tôi chỉ thấy phần nổi của tảng băng, giờ đây chúng tôi đã thấy rõ ràng hơn," Zhao nói.

"Phát hiện kể trên thay đổi đáng kể hiểu biết của chúng tôi về các đặc tính văn hóa của những khu vực khác nhau trong xã hội Trung Quốc cách đây 3.000 năm," Zhao cho biết thêm.

Hà An (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/loat-bi-an-bao-trum-vuong-quoc-3000-nam-tuoi-moi-phat-hien-kho-bau-o-trung-quoc-tintuc833821