Thế giới

Lính Nga đầu tiên bị Ukraine xét xử, Kiev đề nghị G7 tịch thu tài sản Nga để tái thiết

Một binh sĩ 21 tuổi đã trở thành lính Nga đầu tiên bị Ukraine đưa ra xét xử tội ác chiến tranh tại một phiên tòa diễn ra ở thủ đô Kiev hôm nay 13/5.

Vadim Shishimarin phải ra hầu tòa trong vụ xét xử tội ác chiến tranh đầu tiên kể từ khi Nga mở chiến dịch tấn công Ukraine ngày 24/2. CNN trích dẫn thông cáo từ Văn phòng trưởng công tố Ukraine cho hay, binh sĩ này bị buộc tội giết hại một cụ ông 62 tuổi ở vùng Sumy.

Lính Nga đầu tiên bị Ukraine xét xử, Kiev đề nghị G7 tịch thu tài sản Nga để tái thiết
Binh sĩ Nga Vadim Shishimarin, 21 tuổi hầu tòa trong phiên xử tội ác chiến tranh đầu tiên ở Kiev, Ukraine ngày 13/5. Ảnh: Reuters

Cuộc điều tra của Kiev cáo buộc Shishimarin đã bắn chết người dân thường không vũ trang, đang đạp xe dọc theo một con đường ở làng Chupakhivka hôm 28/2. Theo công tố viên, binh lính Nga đã tiến vào làng trên một chiếc xe hơi ăn cắp bị thủng lốp, sau khi đoàn xe của họ bị các lực lượng Ukraine tấn công.

Khi nhóm lính Nga này nhìn thấy cụ ông vừa đạp xe vừa gọi điện thoại, một người trong nhóm đã ra lệnh cho Trung sĩ Shishimarin giết ông để ông không thể báo tin cho quân đội Ukraine. Các công tố viên nói, Shishimarin đã dùng một khẩu Kalashnikov bắn nhiều lần vào đầu cụ ông.

“Shishimarin đang bị giam giữ. Các công tố viên và điều tra viên thuộc Cục An ninh Ukraine đã thu thập đủ bằng chứng về việc anh ta liên quan đến hành vi vi phạm các luật và quy tắc chiến tranh, kết hợp với hành vi giết người có tính toán từ trước”, trích thông báo của Trưởng công tố Ukraine Iryna Venediktova trên Facebook.

Nếu bị kết tội, Shishimarin sẽ đối mặt với mức án từ 10 năm tù giam đến tù chung thân.

Khi được yêu cầu bình luận về vụ xét xử, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông không có thông tin về vụ việc. 

Ukraine đề nghị G7 tịch thu các tài sản Nga để tái thiết đất nước

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, nước này hôm 13/5 đã yêu cầu nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7) thu giữ các tài sản của Nga và giao chúng cho Kiev để giúp họ tái thiết sau nhiều tháng chiến tranh.

Lính Nga đầu tiên bị Ukraine xét xử, Kiev đề nghị G7 tịch thu tài sản Nga để tái thiết - 1
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: Reuters

Ông Kuleba đã đưa ra đề nghị trên trong khi phát biểu tại một cuộc họp của các ngoại trưởng G7 ở miền bắc Đức. "Chúng tôi đang nói về hàng trăm tỷ USD. Nga phải trả tiền", ông Kuleba nói với các phóng viên bên lề cuộc họp.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Ukraine cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy các kế hoạch trừng phạt diện rộng hơn đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ. Ông bay tỏ hy vọng Hungary sẽ từ bỏ việc phản đối kế hoạch này.

Theo Reuters, các ngoại trưởng G7 ủng hộ cung cấp thêm viện trợ và vũ khí cho Kiev. Đức mô tả điều này là "dấu hiệu đoàn kết mạnh mẽ" nhằm làm sâu sắc thêm việc cô lập Nga trên trường quốc tế.

Ông Kuleba xác nhận đã có nhiều cải thiện về các nguồn cung vũ khí cho Ukraine, nhưng Kiev vẫn cần nhiều hơn nữa, đặc biệt là các hệ thống phóng đa tên lửa, để có thể tiếp tục chống lại Moscow.

EU sẽ cung cấp gói viện trợ 521 triệu USD cho Kiev

Lính Nga đầu tiên bị Ukraine xét xử, Kiev đề nghị G7 tịch thu tài sản Nga để tái thiết - 2
Ông Josep Borrell trao đổi với các phóng viên bên lề cuộc họp của các ngoại trưởng G7 ở Weissenhaus, Đức ngày 13/5. Ảnh: Reuters

Trên đường tới dự họp cùng các ngoại trưởng G7 ở Weissenhaus, Đức, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell tiết lộ, liên minh sẽ cung cấp một gói viện trợ quân sự mới, trị giá 521 triệu USD cho Ukraine. 

Theo ông Borrell, G7 sẽ "gây nhiều sức ép hơn đối với Nga" xét về các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nhà ngoại giao này lạc quan về khả năng nhóm sẽ đạt được một thỏa thuận về một lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga. Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc các nước từ bỏ sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ xứ sở bạch dương.

Theo Tuấn Anh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/linh-nga-dau-tien-bi-ukraine-xet-xu-kiev-de-nghi-g7-tich-thu-tai-san-nga-de-tai-thiet-2019211.html