Thế giới

Lãnh đạo 57 nước Hồi giáo chỉ trích Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel

Các thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo cho rằng Mỹ vi phạm luật quốc tế khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Lãnh đạo 57 nước Hồi giáo chỉ trích Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel
Cờ Israel ở thành phố Jerusalem.

"Người dân Palestine có các quyền quốc gia bất khả xâm phạm, bao gồm quyền tự quyết và thành lập Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền", các lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nêu trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 bế mạc hôm nay ở Mecca, Arab Saudi.

Trong văn kiện, đại diện 57 thành viên OIC lên án việc Mỹ và một số nước công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, khẳng định hành động này "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và tính hợp pháp quốc tế". OIC cũng kêu gọi các nước thành viên có "biện pháp phù hợp" với những quốc gia quyết định chuyển đại sứ quán tới Jerusalem.

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12/2017, bất chấp sự phản đối của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế. Tháng 5/2018, Mỹ chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem. Guatemala sau đó cũng có động thái tương tự.

Palestine gọi hành động của Mỹ là "không thể chấp nhận được" và cho rằng Washington đã từ bỏ trách nhiệm làm trung gian cho tiến trình đàm phán hòa bình trong khu vực.

Jerusalem là nơi có nhiều khu vực linh thiêng của Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, đặc biệt là ở khu vực Đông Jerusalem. Sau khi chiếm được khu vực này trong chiến tranh Trung Đông năm 1967, Israel coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt, trong khi Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine.

Nghị quyết 181 của Liên Hợp Quốc đặt Jerusalem dưới sự quản lý quốc tế, không thuộc lãnh thổ Israel. Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel trên toàn thành phố Jerusalem, tin rằng tình trạng nên được giải quyết qua các cuộc đàm phán.

OIC là tổ chức quốc tế được thành lập vào năm 1969, gồm 57 quốc gia thành viên, có phái đoàn thường trực tại Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu. Tổ chức này được mô tả là "tiếng nói tập thể của thế giới Hồi giáo" và hoạt động nhằm "duy trì và bảo hộ lợi ích của thế giới Hồi giáo trên tinh thần xúc tiến hòa bình và hài hòa quốc tế".

Theo Mai Lâm (VnExpress.net)