Thế giới

Khủng hoảng Kênh đào Suez và hàng loạt tai nạn bất thường ở Ai Cập, nghi vấn 'Lời nguyền Pharaoh'

Quá trình di dời 22 xác ướp Hoàng gia tại Ai Cập xảy ra cùng lúc với nhiều sự kiện lạ lùng trong tuần trước khiến nhiều người dùng mạng xã hội nước này đặt câu hỏi về cái gọi là "lời nguyền của các Pharaoh".

Giới chức Ai Cập có kế hoạch chuyển các xác ướp từ Bảo tàng Ai Cập tại Quảng trường Tahrir tới Bảo tàng Quốc gia Văn minh Ai Cập ở Fustat hôm 03/04, bao gồm xác ướp Vua Ramses II và Hoàng hậu Ahmose-Nefertari.

Thông tin về đợt di chuyển này trùng hợp với hàng loạt tai nạn và hiện tượng lạ, bao gồm tàu container khổng lồ Ever Given chắn ngang Kênh đào Suez, tai nạn tàu hỏa chết người và nhiều vụ hỏa hoạn trên khắp Ai Cập.

Người dùng mạng xã hội Ai Cập cho rằng những sự kiện kể trên có thể liên quan tới "Lời nguyền Pharaoh," theo đó cho rằng thảm họa sẽ xảy ra với những ai phá vỡ sự yên bình của các vị vua.

Các nhà khảo cổ đã nhanh chóng bác bỏ những giả thuyết này, khẳng định các ngôi mộ cổ đại không hề bị hư hại trong quá trình khai quật, và rằng "việc xảy ra các tai nạn hiện nay chỉ là định mệnh".

Ai Cập đã chứng kiến nhiều tai nạn nghiêm trọng xảy ra chỉ trong một tuần, theo Arab News.

Ngoài chiếc tàu khổng lồ chắn ngang Kênh đào Suez, nước này còn chứng kiến một vụ tai nạn tàu hỏa chết người ở Sohag, một tòa nhà 10 tầng đổ sập ở Cầu Suez, và một cột bê tông lớn bị đổ tại công trường xây dựng một chiếc cầu ở Mariotia.

Khủng hoảng Kênh đào Suez và hàng loạt tai nạn bất thường ở Ai Cập, nghi vấn 'Lời nguyền Pharaoh'
Tàu Ever Given chắn ngang Kênh đào Suez (Ảnh: Maxar)

Dù người dùng Twitter ở Ai Cập bàn tán rất sôi nổi về lời nguyền của các Pharaoh, nhà Ai Cập học nổi tiếng Zahi Hawass khẳng định những lời nguyền này "không có thật".

Trên kênh truyền hình Al-Arabiya, Hawass cũng giải thích cái chết của những nhà khảo cổ trong quá trình khai quật mộ là do vi khẩn tại các khu vực khảo cổ.

Quá trình di chuyển 22 xác ướp Hoàng gia, bao gồm xác ướp Vua Ramses II, Vua Seknen Ra, and Vua Tuthmosis III, Vua Seti Đệ Nhất, Nữ hoàng Hatshepsut và Vương hậu Merit Amun, diễn ra hôm 04/03 sẽ là cơ hội lớn để Ai Cập thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, theo Hawass.

"Toàn thế giới sẽ hướng về Ai Cập với sự tôn kính lớn lao trong quá trình di chuyển các xác ướp Hoàng gia kéo dài 40 phút," Hawass nói.

Nhà sử học Ai Cập Bassam El-Shammaa cũng bác bỏ tin đồn về lời nguyền của các Pharaoh, cho rằng những câu chữ khắc trên tường tại các đền thờ đơn giản chỉ phản ánh trí tưởng tượng của người Ai Cập cổ đại.

Ông cho rằng vi khuẩn trong các xác ướp cổ đại có thể tấn công hệ hô hấp của các nhà khảo cổ, dẫn tới tử vong.

Bên cạnh đó, amoniac có thể rò rỉ từ các quan tài, dẫn tới các chứng bệnh mắt, mũi và hô hấp khi tiếp xúc, có thể tử vong. Phân dơi trong một số lăng mộ cũng có nấm dễ gây ra bệnh hô hấp tương tự như cúm, El-Shammaa cho hay.

"Lời nguyền của các Pharaoh" được truyền thông thế giới thập niên 1920 đăng tải sau cái chết của hơn 20 người tham gia quá trình khai quật lăng mộ Tutankhamun.

Nhà khảo cổ Howard Carter - làm việc cho George Herbert, Bá tước xứ Carnarvon  - đã pahst hiện lăng mộ Vua Tutankhamun hồi năm 1922, dẫn tới cơn sốt Ai Cập cổ đại.

Việc phát hiện lăng mộ cũng làm lan truyền tin đồn cho rằng Carter đã vô tình khởi đầu lời nguyền mà những người liên quan tới quá trình khảo cổ tại lăng mộ Vua Tutankhamun là nạn nhân.

Một loạt các sự kiện lạ lùng khiến giới truyền thông thời điểm đó xôn xao về cái gọi là "Lời nguyền của các Pharaoh". Đầu tiên, một con rắn hổ mang, biểu tượng của Hoàng gia Ai Cập cổ đại, cắn chết chim hoàng yến của Carter. Sau đó, Herbert cũng qua đời do dao cạo cắt vào da gây nhiễm trùng máu.

Sir Arthur Conan Doyle cho rằng cái chết của Herbert là do "các yếu tố" mà các tư tế của Tutankhamun tạo ra để bảo vệ lăng mộ, tuy vậy giả thuyết này nhanh chóng bị Howard Carter bác bỏ.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)