Thế giới

Khoảnh khắc cuối cùng trước họng súng kẻ thù của Che Guevara

50 năm trước, quân đội Bolivia quyết định xử tử Che Guevara rồi che đậy vụ việc bằng cách tuyên bố ông trúng đạn khi giao tranh.

50 năm trước, quân đội Bolivia quyết định xử tử Che Guevara rồi che đậy vụ việc bằng cách tuyên bố ông trúng đạn khi giao tranh.

khoanh-khac-cuoi-cung-truoc-hong-sung-ke-thu-cua-che-guevara

Người dân Cuba kỷ niệm 50 năm ngày mất của Che Guevara. Ảnh: Newsweek.

Cuba ngày 9/10 kỷ niệm 50 năm ngày mất của Ernesto "Che" Guevara, người anh hùng đã giúp đỡ lãnh tụ Fidel Castro lật đổ chế độ độc tài do Mỹ hậu thuẫn trong cuộc cách mạng giải phóng đất nước. Che Guevara bị sát hại ở Bolivia vào ngày 9/10/1967 trong một chiến dịch có sự tham gia của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), theo Newsweek.

Trong cuốn tiểu sử "Cái chết của nhà cách mạng: Nhiệm vụ cuối cùng của Che Guevara", tác giả Richard Harris cho biết trong ngày 8/10/1967, Che Guevara bị lính Bolivia săn đuổi và dồn vào thế đường cùng. Họ bắn súng máy và nã cối vào Che Guevara khi ông bỏ chạy, khiến ông bị thương ở chân và mảnh đạn khiến khẩu M2 ông mang theo bị hỏng.

"Đừng bắn! Tôi là Che Guevara và tôi có giá trị hơn với các anh nếu còn sống", ông hô lên khi lính Bolivia tiến đến. Gary Prado Salmon, một trong những binh sĩ Bolivia tham gia chiến dịch vây bắt Che Guevara, cho biết sau khi xem vết sẹo ở tay phải, ông xác nhận tù binh bị bắt chính là Che Guevara, dù gương mặt hốc hác của nhà cách mạng lúc này khác xa với trong ảnh.

"Tôi tịch thu mọi thứ trên người ông ta, gồm một ít tiền và sổ nhật ký. Che không hề chống cự. Ông ấy có mang một khẩu súng ngắn nhưng không có băng đạn, nên về cơ bản là ông ấy không vũ trang", Salmon kể.

Khi trời sẩm tối, Che Guevara cùng các tù binh khác bị dẫn tới một trường học ở thị trấn La Higuera, cách nơi ông bị bắt gần 6,5 km, theo Washington Post. Đến sáng hôm sau, đại tá Joaquin Zenteno, sư đoàn trưởng sư đoàn 8 cùng một sĩ quan tên là Felix Rodriguez ngồi trực thăng tới ngôi trường để tiếp nhận tù binh, trong đó có Che Guevara.

Rodriguez, một đặc vụ CIA người Mỹ gốc Cuba đóng giả là sĩ quan quân đội Bolivia, nhìn thấy Che Guevara nhuốm đầy bụi đất, tay chân bị trói, mái tóc bết lại, quần áo tả tơi bên trong trường học. CIA đã huấn luyện và cử người tham gia vào tiểu đoàn Bolivia đã thực hiện chiến dịch săn lùng Che Guevara, các tài liệu được giải mật của CIA lưu trữ tại Đại học George Washington cho thấy.

Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Rodriguez cho biết chính phủ Mỹ muốn Che Guevara còn sống để khai thác thông tin, nhưng các lãnh đạo quân đội Bolivia quyết định phải xử tử nhà cách mạng này, do lo sợ một phiên tòa công khai sẽ thu hút sự ủng hộ của dư luận đối với ông. Câu chuyện mà họ đưa ra để che đậy cho hành động này là Che Guevara thiệt mạng trong khi chiến đấu.

Theo một tài liệu giải mật, lệnh sát hại Che Guevara và các chiến sĩ cách mạng khác được đưa ra vào ngày 9/10. Dù tích cực tham gia vào chiến dịch truy lùng Che Guevara, Rodriguez vẫn thấy thương cảm cho nhà cách mạng này. Rodriguez bước vào và nói với Che Guevara rằng ông sắp bị xử tử.

"Tôi nhìn thẳng vào mặt ông ấy và nói ra điều đó… Ông ấy nhìn vào tôi và nói ‘Đó là cách tốt hơn. Lẽ ra tôi không nên bị bắt sống’", Rodriguez nhớ lại trong cuộc phỏng vấn hồi năm ngoái. Hai người sau đó bắt tay. "Ông ấy ôm tôi. Tôi ôm ông ấy", Rodriguez cho biết.

Sau đó Rodriguez bước ra ngoài, ra lệnh cho một binh sĩ thực thi lệnh xử tử, yêu cầu anh ta bắn vào dưới cổ, vì vết thương như vậy sẽ khớp với câu chuyện ông bị trúng đạn trên chiến trường. Tuy nhiên, người lính đầu tiên đã "không thể thi hành được mệnh lệnh", nên nó được giao lại cho một binh sĩ Bolivia khác, người "phải lấy can đảm bằng vài chai bia".

Tài liệu giải mật cho thấy Che Guevara đã không chịu ngồi xuống theo lệnh của trung sĩ Jaime Teran, người thực hiện lệnh hành quyết. "Tôi biết anh tới đây để giết tôi", ông nói. "Bắn đi, anh chỉ sắp giết một người mà thôi", nhà báo Jon Lee Anderson thuật lại lời nói cuối cùng của Che Guevara trong cuốn tiểu sử "Che Guevara: Cuộc đời cách mạng".

Teran dùng khẩu súng trường M2 bắn nhiều phát vào tay, chân và ngực Che Guevara, khiến ông ngã ngửa ra bức tường đằng sau. Nhà lãnh đạo du kích được hàng triệu người trên thế giới yêu mến qua đời ở tuổi 39.

Trước khi bí mật đưa ông đến chôn ở một ngôi mộ tập thể, lính Bolivia đem thi thể ông tới làng Vallegrande, đặt trên bệ xi măng tại phòng giặt là của một bệnh viện để các phóng viên quốc tế tới chụp ảnh. Đại tá Zenteno cũng ra lệnh chặt cả hai tay của Che Guevara để lăn dấu vân tay chứng minh rằng ông đã chết.

khoanh-khac-cuoi-cung-truoc-hong-sung-ke-thu-cua-che-guevara-1

Thi thể Che Guevara đặt trên bệ xi măng sau khi ông bị sát hại.

Thi thể của Che Guevara sau đó được chôn trong một ngôi mộ tập thể không được đánh dấu cùng hai đồng đội. Ngôi mộ này chỉ được phát hiện vào năm 1997 và thi hài của Che Guevara sau đó được đưa về Cuba.

Theo cuốn tiểu sử của Harris, thông tin về cái chết của Che Guevara chỉ tới Mỹ vài ngày sau đó. Trong một bản ghi nhớ, cố vấn an ninh quốc gia Walt Whitman Rostow coi mệnh lệnh giết hại Che Guevara của tướng Alfredo Ovando Candia, chỉ huy quân đội Bolivia, là "ngu ngốc", nhưng cho rằng điều này "là có thể hiểu được từ quan điểm của người Bolivia".

Ngày 12/10/1967, Bộ Ngoại giao Mỹ ra báo cáo có tựa đề "Cái chết của Guevara và ý nghĩa với châu Mỹ Latin", trong đó mô tả Che Guevara là "chiến thuật gia tiên phong của chiến lược cách mạng Cuba", người "sẽ được tôn vinh như một nhà cách mạng mẫu mực có cái chết anh hùng". Tiên đoán này trở thành hiện thực một tuần sau đó, khi Chủ tịch Cuba Castro ca ngợi Che Guevara trước hàng triệu người tuần hành ở thủ đô Havana.

"Chúng đã nhầm khi cho rằng cái chết của Che Guevara là sự thất bại trong lý tưởng, chiến thuật và khái niệm du kích của ông", Castro nói, ám chỉ tới Mỹ.

Trong 50 năm qua, Che Guevara đã trở thành một biểu tượng đầy lãng mạn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khu rừng nơi ông bị bắt và ngôi trường nơi ông bị giết hại trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch. Bệ xi măng nơi đặt thi thể ông trở thành đài tưởng niệm. Bên dưới bức tượng của ông ở La Higuera là dòng chữ "Tấm gương của ông thắp sáng bình minh mới".

Gương mặt của Che Guevara, với mái tóc dày, đám râu rậm và chiếc mũ beret quen thuộc đã xuất hiện trên những chiếc áo phông, biểu ngữ và những bức tường tưởng niệm khắp thế giới.

"Những kẻ bắt Che Guevara không quan tâm đến phẩm giá và phép tắc xứng đáng với một huyền thoại cách mạng như ông và ông đã bị giết hại một cách tàn bạo. Nhưng lịch sử chỉ ghi nhận sự hèn nhát của những kẻ sát nhân đó, trong khi tấm gương vĩ đại của Che sẽ sống mãi", Phó chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel phát biểu trong lễ tưởng niệm hôm chủ nhật.

Với hàng triệu người, Che Guevara vẫn luôn là một biểu tượng của cách mạng và thay đổi. "Che không chết như những kẻ giết ông mong muốn, hình tượng của ông vẫn lớn mãi theo thời gian khi những thế hệ người Cuba lớn lên dưới tấm gương và di sản của ông tiếp tục khám phá, ghi nhận và tiếp nối hình mẫu nhà cách mạng của ông", Diaz-Canel tuyên bố.

Theo Trí Dũng (VnExpress.net)