Thế giới

Iran đòi Trung Quốc bồi thường sau khi ông Tập thăm Ả-rập Xê-út

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã “nghiêm túc yêu cầu bồi thường” cho Iran vì hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với các lãnh đạo Ả-rập tại Riyadh vừa qua.

Iran đòi Trung Quốc bồi thường sau khi ông Tập thăm Ả-rập Xê-út
Ông Tập trong cuộc gặp các lãnh đạo GCC

Trong cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa tại Tehran ngày 13/12, ông Raisi nói rằng một số quan điểm được nêu ra tại hội nghị của ông Tập với các lãnh đạo Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gây ra “sự không hài lòng và phàn nàn trong chính phủ và dư luận” Iran.

Thông cáo từ văn phòng tổng thống Iran không nêu cụ thể yêu cầu “bồi thường” mà Iran muốn nhận được, cũng như không nhắc trực tiếp đến tuyên bố giữa Trung Quốc với GCC cuối tuần trước.

Tuy nhiên, “sự phật lòng” của Iran đối với tuyên bố chung được thể hiện rõ ràng trong cuộc gặp giữa Đại sứ Trung Quốc tại Tehran Chang Hua với Thứ trưởng ngoại giao Iran phụ trách châu Á – Thái Bình Dương ngày 10/12.

Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Tập và các lãnh đạo Ả-rập đồng ý bảo đảm chương trình hạt nhân của Iran vì mục đích hòa bình, và UAE – một thành viên của GCC – cần giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Iran ở Eo biển Hormuz thông qua đàm phán.

Iran kiểm soát các đảo Abu Musa, Greater và Lesser Tunbs từ năm1971, trước khi các lãnh thổ Vùng Vịnh độc lập khỏi Anh để lập nên UAE và các vương quốc khác.

Tehran vẫn giữ quan điểm rằng chủ quyền của họ đối với 3 đảo này không thể mang ra thương lượng, còn UAE cho rằng việc Iran kiểm soát các đảo này vi phạm luật quốc tế.

Ngày 11/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết chi tiết nội dung cuộc gặp với Đại sứ Chang. Phía Iran nói với Đại sứ Trung Quốc rằng “Cộng hòa Hồi giáo Iran coi bất kỳ yêu sách nào đối với các hòn đảo này là nhân tố gây bất ổn và là sự can thiệp vào vấn đề nội bộ và lãnh thổ của họ, vì vậy Tehran lên án mạnh mẽ”.

Theo người phát ngôn, Đại sứ Chang nói rằng ông Tập thăm Riyadh là để “đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực, và khẳng định những lợi ích của đối thoại như một công cụ giải quyết mâu thuẫn”.

Mâu thuẫn ngoại giao lần này cho thấy thế khó của Trung Quốc khi phải tránh những vấn đề căng thẳng địa chính trị lâu đời để có thể mở rộng dấu chân ở Trung Đông.

Hầu hết dầu mỏ mà Trung Quốc nhập khẩu đến từ khu vực này. Nguồn cung năng lượng ổn định là một trong những trụ cột chính trong chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Những công trình hạ tầng lớn, như Vành đai kinh tế Trung Quốc – Pakistan, là một phần của sáng kiến Vành đai con đường nhằm đưa hàng hóa Trung Quốc ra khắp thế giới và đưa dầu mỏ từ Trung Đông về Trung Quốc nhanh và rẻ hơn.

Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua không đề cập đến tuyên bố chung Trung Quốc – GCC trong bản tin về cuộc gặp của ông Hồ Xuân Hoa với Tổng thống Raisi.

Bản tin của Xinhua cho biết, ông Hồ Xuân Hoa khẳng định ủng hộ những nỗ lực của Iran nhằm đối phó với sự can thiệp từ bên ngoài, bảo vệ an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

“Trung Quốc nhìn quan hệ với Iran từ góc độ chiến lược và sẽ không dao động quyết tâm phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Iran”, Phó Thủ tướng Trung Quốc nói.

Cũng trong chuyến thăm, ông Hồ Xuân Hoa gặp bộ trưởng kinh tế và tài chính Iran để bàn về chương trình hợp tác khai thác dầu khí trong 25 năm và các lĩnh vực chiến lược khác, IRNA đưa tin.

Theo Bình Giang (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/iran-doi-trung-quoc-boi-thuong-sau-khi-ong-tap-tham-a-rap-xe-ut-post1495215.tpo