Thế giới

Huawei muốn Mỹ 'nương tay' dưới thời Biden

Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi kêu gọi thiết lập lại quan hệ với Mỹ dưới thời Biden, sau khi chịu hàng loạt trừng phạt từ chính quyền Trump.

"Công ty của chúng tôi không đủ sức để tham gia vào vòng xoáy chính trị này. Chúng tôi chỉ cố gắng tạo ra những sản phẩm tốt. Chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Mỹ có thể có chính sách cởi mở hơn vì lợi ích của các công ty cũng như sự phát triển của nền kinh tế Mỹ", giám đốc điều hành và cũng là người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cho biết trong cuộc họp báo ở tỉnh Sơn Tây hôm nay.

Đây là lần đầu ông Nhậm xuất hiện trước báo giới sau một năm và cũng đánh dấu phát biểu công khai đầu tiên của ông kể từ sau khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Huawei muốn Mỹ 'nương tay' dưới thời Biden
Ông Nhậm Chính Phi trong cuộc họp báo ở Sơn Tây hôm nay. Ảnh: SCMP.

Giám đốc điều hành Huawei còn đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt nhằm vào gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đối với lợi ích của Mỹ.

"Liệu sự cấm cản của Mỹ hôm nay có dẫn đến kết quả bất ngờ mai sau hay không?", ông Nhậm nói, sau khi cho rằng chính những áp lực Anh gây ra với Mỹ trong thế kỷ 18 đã thúc đẩy sự trỗi dậy của Washington.

Ông chủ Huawei cũng thể hiện sự mềm mỏng với Washington khi nhắc lại đề nghị sẵn sàng chia sẻ công nghệ 5G cho các công ty Mỹ. Theo ông Nhậm, Huawei sẵn sàng chuyển giao toàn bộ công nghệ 5G, không chỉ bao gồm quyền phát triển, mà còn có cả các chương trình và mã nguồn.

"Nếu Mỹ cần công nghệ chip của chúng tôi, chúng tôi cũng có thể chuyển giao. Lời nói của chúng tôi là chân thành, nhưng đến nay vẫn chưa có công ty nào đàm phán với chúng tôi", ông Nhậm khẳng định.

Huawei từng là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông và cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, trước khi bị những áp lực từ chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump "bóp nghẹt" hoạt động kinh doanh.

Đòn trừng phạt từ Mỹ cùng các đồng minh đã gạt Huawei khỏi các hợp đồng về thiết bị mạng 5G và gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này cũng không có quyền sử dụng các chip phức tạp cũng như dịch vụ của Google. Từ quý 3-4 năm ngoái, Huawei đã tụt từ vị trí thứ hai xuống thứ năm trong danh sách các nhà cung cấp điện thoại thông minh toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Nhậm Chính Phi không tỏ ra nao núng trước điều này. Ông nhận định sự gia tăng của mạng 5G ở Trung Quốc và các nơi khác sẽ khẳng định giá trị công nghệ của Huawei.

"Tôi ngày càng tin tưởng vào khả năng tồn tại của Huawei. Chúng tôi rất tin tưởng vào khách hàng của mình", ông Nhậm nhấn mạnh.

Bên cạnh những thách thức kinh doanh do các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu và cũng là con gái lớn của ông Nhậm, vẫn đấu tranh ở Canada trước yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Mạnh Vãn Chu bị cảnh sát Canada bắt ở Vancouver từ tháng 12/2018 theo yêu cầu từ Mỹ vì tội gian lận, điều mà bà luôn phủ nhận.

"Trường hợp của Mạnh Vãn Chu là một âm mưu chính trị từ phía Mỹ. Có một số vấn đề về cách Canada thực hiện điều đó. Chúng tôi vẫn tin tưởng vào quy trình pháp lý của Canada", ông Nhậm cho biết.

Dưới thời chính quyền Trump, Huawei phải chịu các lệnh hạn chế của Mỹ, ngăn công ty này mua chip hoặc các sản phẩm và dịch vụ được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ.

Một số nhà lập pháp Mỹ đã thúc giục chính quyền Biden tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt với Huawei. Gina Raimondo, người được Biden đề cử chức Bộ trưởng Thương mại, tuần trước cho biết "không có lý do nào" để đưa Huawei và các công ty Trung Quốc khác khỏi danh sách hạn chế.

Huawei đã tạo ra hơn 671 tỷ nhân dân tệ (104 tỷ USD) doanh thu trong 9 tháng đầu năm ngoái, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cho biết hiệu suất của họ "về cơ bản đáp ứng kỳ vọng" trong bối cảnh đại dịch toàn cầu và phải chịu áp lực từ các lệnh hạn chế.

Theo Ngọc Ánh (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/huawei-muon-my-nuong-tay-duoi-thoi-biden-4233940.html