Thế giới

Hệ thống phòng thủ Nga vượt đối thủ 20 năm

Lực lượng Không quân-Vũ trụ (VKS) Nga vừa tiết lộ, lực lượng này đang hoàn thiện hệ thống phòng thủ mới có thể vượt trước đối thủ đến 20 năm.

Lực lượng Không quân-Vũ trụ (VKS) Nga vừa tiết lộ, lực lượng này đang hoàn thiện hệ thống phòng thủ mới có thể vượt trước đối thủ đến 20 năm.

Hiện nay các công đoạn này đang chuẩn bị hoàn tất và trong thời gian ngắn tới đây, Nga sẽ giới thiệu các siêu hệ thống phòng không mới. “Chúng tôi không dừng lại ở một chỗ. Chúng tôi hiểu rằng trang bị vũ khí cần được hoàn thiện và nền công nghiệp quốc phòng của chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực để cải tiến các hệ thống phòng không.

Trong những năm gần đây, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến trình đại cải tổ hệ thống phòng không cả về mặt thông tin và các thành phần tác chiến. Sắp tới, chúng tôi sẽ có hệ thống phòng không thực sự siêu hiện đại”- Đại tá Andrey Cheburin tuyên bố trước truyền thông.

Dù không nhắc đến vũ khí cụ thể nào nhưng Đại tá Andrey Cheburin tuyên bố rằng hệ thống phòng thủ này có thể vượt trước đối thủ từ 15 - 20 năm. Căn cứ vào tuyên bố này về kế hoạch trang bị từng được Nga công bố cho thấy, gần như chắc chắn đây chính là hệ thống phòng thủ S-500.

Hệ thống phòng thủ S-350 Vityaz.


Được biết, tuyên bố này cũng được Thiếu tướng Sergei Popov, Tư lệnh bộ đội tên lửa cao xạ quân chủng Không quân Nga đưa ra hồi cuối năm 2015. Ngoài ra, ông này còn khẳng định rằng ngoài việc đánh chặn phương tiện bay thông thường, S-500 còn có thể bắn hạ thiên thạch.

Thông tin trên được hãng Sputnik news đăng tải, theo đó hệ thống tên lửa phòng không S-500 Nga không chỉ sử dụng trong tác chiến phòng không mà nó còn là một “sát thủ” đáng gờm đối với tất cả các loại tên lửa đạn đạo và cả thiên thạch.

Với tính năng phòng không, phòng thủ tên lửa và phòng thủ không gian ưu việt của mình, S-500 sẽ trở thành hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa nòng cốt trong lực lượng phòng thủ không gian Nga.

Theo những gì được phía Nga công bố, S-500 có khả năng cùng lúc đánh chặn 10 quả tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 3500 km, cự ly đánh chặn lí tưởng khoảng 600km. S-500 còn có khả năng bắn hạ vệ tinh tầm thấp và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở đoạn cuối, thậm chí là đoạn giữa hành trình.

Tuy nhiên đến thời điểm này, loại đạn tên lửa nào trang bị cho hệ thống S-500 vẫn chưa được tiết lộ. Trong khi đó S-400 Triumph được trang bị các loại đạn tên lửa phòng không với tầm bắn khác nhau 48N6E, 48N6E2, các tên lửa mới 9M96E, 9M96E2 và tên lửa tầm siêu xa 40N6E.

Tất cả các loại tên lửa kể trên đều được gắn thiết bị điều khiển chiến đấu, giúp tăng độ chính xác tiêu diệt mục tiêu. Tuy nhiên theo đại diện quân đội Nga, về độ cao và vận tốc đánh chặn S-500 hơn hẳn S-400 và đứng đầu thế giới.

Nó có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay cao tới 200km, với vận tốc 7km/s, trong khi đó, hệ thống S-400 chỉ có khả năng tiêu diệt mục tiêu với tốc độ 5km m/s. Về cơ chế phóng, cả S-400 và S-500 đều được thiết kế để phóng tên lửa theo chiều thẳng đứng, tương tự như hệ thống S-300.

Sau khi phóng tên lửa bay theo hướng nghiêng phía mục tiêu định tiêu diệt, như vậy có thể đáp trả các đòn tấn công tập kích đường không của địch trên mọi hướng. Sử dụng phương pháp này là giải pháp tối ưu cơ cấu phóng tên lửa, đồng thời giảm được thời gian chuyển hướng bắn.

Hệ thống tên lửa phòng không S-500 có tính năng vượt trội so với “người tiền nhiệm” S-400 “Triumph”, không chỉ về chức năng phòng không và phòng thủ tên lửa, mà S-500 chỉ mất thời gian 3-4 giây để triển khai bắn tiếp mục tiêu khác trong khi S-400 mất 9-10 giây, hơn nữa S-500 nhỏ gọn và tính năng cơ động cao hơn các hệ thống S-300 và S-400 rất nhiều.

Hệ thống radar sục sạo và điều khiển hỏa lực của radar S-500 được xây dựng trên nòng cốt là radar mảng pha chủ động X-Band, cự li sục sạo của nó đã đạt tới 800-1000km.

Với tính năng siêu việt của mình, S-500 có thể thách thức mọi hệ thống tên lửa tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Theo kế hoạch, Nga sẽ chính thức công khai hình ảnh và sản xuất loạt S-500 vào năm 2017 và trang bị chậm nhất là vào năm 2018.

Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)