Thế giới

Hé lộ về 'cổng tử thần' trong thảm họa dẫm đạp khiến 131 người chết ở Indonesia

Việc chậm trễ mở các cửa thoát ở sân vận động Kanjuruhan sau khi xô xát xảy ra giữa cảnh sát và cổ động viên đã góp phần gây ra tình trạng chen lấn dẫm đạp khiến ít nhất 131 người chết, Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) nói.

PSSI thông báo đã cấm hoạt động vĩnh viễn đối gới giám đốc điều hành và điều phối an ninh của đội chủ nhà Arema FC, do không đảm bảo an ninh và không mở cửa thoát kịp thời khi xô xát xảy ra trong sân.

PSSI cho biết nhiều cửa thoát vẫn bị khóa khi các CĐV hoảng loạn bỏ chạy do bị cảnh sát phóng lựu đạn hơi cay, dẫn tới tình trạng chen lấn xô đẩy làm nhiều người thiệt mạng.

Tuy vậy, cảnh sát Indonesia cho rằng các cửa vẫn được mở, nhưng lối thoát quá hẹp không đủ cho dòng người chen lấn rời sân an toàn. Lực lượng cảnh sát cũng chịu sức ép về cách xử lý đám đông của họ trong thảm họa trên sân Kanjuruhan, theo AP.

Hé lộ về 'cổng tử thần' trong thảm họa dẫm đạp khiến 131 người chết ở Indonesia
Cổng số 13 trong sân vận động Kanjuruhan, thành phố Malang (Indonesia) Ảnh: The Guardian/AP

Cảnh sát cho biết cuộc điều tra tận dụng video ghi lại được từ các camera an ninh ở 6/14 cửa, nơi hầu hết các nạn nhân thiệt mạng. Phát ngôn viên cảnh sát Dedi Prasetyo nói các cổng thoát trong sân đã được mở, nhưng chỉ đủ để hai người đi qua.

"Sáu cửa thoát đó không bị khóa, nhưng quá nhỏ. Cổng chỉ chứa được hai người, nhưng khi đó có hàng trăm người cố gắng đi qua. Chen lấn đã xảy ra ở đó,"  Dedi Prasetyo nói với các phóng viên, đồng thời bổ sung việc quản lý cửa thoát là trách nhiệm của ban tổ chức sân.

Hầu hết các trường hợp thiệt mạng xảy ra khi cảnh sát chống bạo động bắn lựu đạn hơi cay khiến các CĐV hoảng loạn bỏ chạy, gây ra tình trạng dẫm đạp và chen lấn. Động thái trên được cảnh sát thực hiện sau khi nhiều CĐV tràn xuống sân do tức giận vì Arema FC lần đầu để thua kình địch Persebaya Surabaya trên sân nhà sau 23 năm.

Hôm 03/10, cảnh sát thông báo đã cách chức một cảnh sát trưởng và 9 sĩ quan thuộc lực lượng cơ động tinh nhuệ. Ngoài ra, 18 cảnh sát khác cũng đang bị điều tra vì liên quan tới quyết định phóng lựu đạn hơi cay bên trong SVĐ.

Trái với thông tin từ phía cảnh sát, một số nạn nhân sống sót cho rằng các cửa thoát đã bị khóa, khiến họ không thể rời sân. Nhiều người nhắc tới cổng số 13.

Theo hướng dẫn của FIFA và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cửa thoát ở các sân vận động phải được mở liên tục trong thời gian trận đấu diễn ra, vì lý do an toàn. Bên cạnh đó, FIFA cũng khuyến cáo nhân viên an ninh và cảnh sát trong các SVĐ không sử dụng "hơi cay kiểm soát đám đông".

"Mọi người tìm cách tự cứu chính mình sau khi cảnh sát phóng hơi cay. Nhóm của chúng tôi đã lạc mất nhau," Prasetyo Pujiono, một CĐV 32 tuổi của đội chủ nhà nói.

"Mọi người đều không thể ở lại bên trong sân nữa. Chúng tôi muốn ra ngoài, nhưng cửa bị khóa. Đó là lý do vì sao nhiều người chết, họ bị dẫm đạp hoặc ngạt thở," Prasetyo Pujiono nói thêm. Các CĐV sau đó đã có thể thoát ra ngoài bằng cách phá vỡ bức tường cạnh cổng 13.

Pujiono cho biết anh đã hỗ trợ di chuyển 20 thi thể nằm rải rác xung quanh cổng 13.

"Tội nghiệp họ. Có rất nhiều thi thể nằm lại ở cổng 13. Nếu không di chuyển họ đi chỗ khác, chúng tôi không thể thoát ra ngoài, do đó tôi và các bạn đã đưa họ trở lại sân," anh nói.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)

 




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/he-lo-ve-cong-tu-than-trong-tham-hoa-dam-ap-khien-131-nguoi-chet-o-indonesia-a360859.html