Thế giới

Hậu trường 'quả bom' vô danh của New York Times

Hơn một tuần qua, truyền thông nước Mỹ đã bùng nổ, trong khi Nhà Trắng nỗ lực truy tìm nhân vật đứng sau bài viết bình phẩm về phong cách lãnh đạo của Tổng thống Trump trên NYT.

Tờ New York Times mới đây đã hé lộ câu chuyện hậu trường tạo nên cơn sốt này, đồng thời để ngỏ việc tiếp tục công bố những bài viết rúng động này trong tương lai. Một lần nữa dư luận không khỏi đặt câu hỏi về vai trò lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump cũng như nguy cơ nước Mỹ rơi vào khủng hoảng chính trị.

“Quả bom” vô danh chỉ chờ phát nổ tiếp theo

Trước khi bài báo gây chấn động được công bố, một quan chức cấp cao của chính quyền Trump đã liên lạc với biên tập viên Jim Dao của tờ New York Times thông qua trung gian. Qua quá trình liên lạc, quan chức cao cấp này thể hiện muốn viết một bài báo có khả năng làm bùng nổ truyền thông, miêu tả sự “chống đối” với Tổng thống Trump ở ngay trong lòng chính quyền, nhằm bảo vệ nước Mỹ khỏi những quyết sách sai lầm của tổng thống.

Sau khi được đăng trên New York Times, bài viết đã làm dấy lên những đồn đoán rằng nhân vật này thực sự là ai. Tuy nhiên, biên tập viên Jim Dao của New York Times đã không để lộ bất cứ thông tin nào của quan chức này, kể cả giới tính.

Hậu trường 'quả bom' vô danh của New York Times
Tổng thống Trump ngay lập tức công kích bài viết nặc danh là "hèn nhát". Ảnh: NYT.

Trong bài phỏng vấn mới nhất, biên tập viên Dao khẳng định bên người trung gian với tác giả là một nhân vật “rất đáng tin cậy và ông biết rõ từ lâu”. Sau khi đồng ý đăng bài của quan chức trên, ban lãnh đạo New York Time đã thảo luận về việc bảo vệ danh tính người viết, khi nhất trí miêu tả tác giả là “quan chức cấp cao trong chính quyền Trump”.

Ông Dao cũng từ chối tiết lộ quan chức này cấp cao đến mức nào, khẳng định với hãng tin CNN rằng hai người đã nói chuyện trực tiếp nhưng không đề cập bằng cách nào. Trên thực tế, có nhiều quan chức được xem là cấp cao trong chính quyền Mỹ dù không làm việc trực tiếp với tổng thống. Để bảo vệ người viết, có rất ít người trong ban lãnh đạo New York Times biết được danh tính tác giả và tên của họ cũng không được tiết lộ.

Biên tập viên Jim Dao khẳng định bài viết không hề bị biên tập lại để che giấu phong cách viết, mà chỉ điều chỉnh một số đoạn để làm rõ nội dung, và bám sát tiêu chuẩn một bài báo thông thường.

Giải thích về quyết định đăng một bài báo mà không đề tên, New York Times cho rằng đây là cách duy nhất để đưa đến góc nhìn quan trọng này đến với độc giả. New York Times tin rằng “bài viết này rất mạnh mẽ đến từ một người muốn nói ra điều quan trọng và lên tiếng từ lương tâm và đạo đức cá nhân. Đây mới là điều ý nghĩa.”

Hậu trường 'quả bom' vô danh của New York Times - 1
Biên tập viên Jim Dao của New York Times. Ảnh: New York Times.

Ông Dao cho biết không thể tiết lộ về quá trình kiểm tra thông tin, song tờ báo luôn nỗ lực để kiểm tra độ xác thực trong các chi tiết. Ông Dao cũng không loại trừ khả năng xuất bản thêm các bài viết của quan chức cấp cao trên trong tương lai.

Dù bài viết được đăng cùng thời điểm với cuốn sách "Fear" của Bob Woodward, song ông Jim Dao khẳng định đây chỉ là sự trùng hợp mà không có sự liên quan nào. Ông cũng không loại trừ khả năng tiếp tục đăng những bài viết tương tự trong tương lai.

Việc truyền thông Mỹ đối đầu trực diện với người đứng đầu Nhà Trắng không phải là mới mẻ, khi cơ quan "quyền lực thứ 4" này của nước Mỹ không hề e ngại công bố những thông tin bất lợi dành cho nhà lãnh đạo nước này cả về đời tư lẫn chính trị.

Từ khi lên cầm quyền, ông Trump thường xuyên chỉ trích giới truyền thông chỉ tập trung vào những tin tức tiêu cực về chính quyền ông. Ông đã gọi nhiều hãng tin và tờ báo như CNN và New York Times là "tin giả". Từ chuyên cơ Không lực 1, ông Trump một lần nữa nói rằng các quy định về tội phỉ báng của Mỹ cần phải được tăng cường.

Khi còn chạy đua vào Nhà Trắng hồi tháng 10/2016, ông Trump đã dọa kiện tờ New York Times vì một bài báo cho rằng ông có hành vi thiếu đứng đắn với phụ nữ trong quá khứ. New York Times quyết tâm bảo vệ bài báo của mình, đồng thời bác bỏ đề nghị gỡ bài báo mà luật sư của ông Trump đưa ra. Sau đó, ông Trump cũng không kiện New York Times như đã dọa.

Sóng ngầm nổi lên

Chính trường Mỹ quả thật bắt đầu chao đảo khi bài báo mang tựa đề “Tôi là một phần trong thế lực đối kháng bên trong chính quyền Trump” được đăng trên tờ New York Times. Ngay sau những tiết lộ chấn động, một loạt quan chức cấp cao trong chính quyền đã bị đưa vào tầm ngắm, song tất cả đều phủ nhận là tác giả bài viết.

Vô cùng giận dữ trước nội dung bài báo, Tổng thống Donald Trump ngày 7/9 kêu gọi Bộ Tư pháp Mỹ mở một cuộc điều tra nhằm vào New York Times, đồng thời cân nhắc có hành động nhằm vào tờ báo này. Cổ phiếu của tờ báo này đã giảm nhẹ trong thời gian ngắn sau khi những tuyên bố này của ông Trump được đưa ra.

Không tỏ ra e sợ trước lời đe dọa của ông Trump, New York Times ra một tuyên bố nói rằng tờ báo tin tưởng Bộ Tư pháp Mỹ "sẽ không tham gia vào một hành động lạm dụng quyền lực chính phủ rõ rành rành như vậy".

Tuyên bố nhấn mạnh “Những lời đe dọa của Tổng thống vừa cho thấy lý do vì sao chúng tôi cần phải bảo vệ danh tính của tác giả bài viết chuyên mục này, vừa nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của báo chí tự do và độc lập đối với nền dân chủ của nước Mỹ”.

Quay trở lại bài viết, những tiết lộ gây sốc về nội bộ chính quyền Tổng thống Trump đang khiến người dân Mỹ đang trên bờ vực sợ hãi sau. Tại sao tác giả lại chọn thời điểm này để tiết lộ việc tham gia vào ý tưởng "đảo chính" của nội các? 

Người viết tiết lộ Nội các của ông Trump từng nghĩ tới sử dụng Tu chính án 25 để lật đổ ông, song họ không muốn khơi mào một cuộc khủng hoảng Hiến pháp. Theo bài viết, các thành viên Nhà Trắng đều ý thức được điều gì đang xảy ra và nỗ lực làm những điều đúng đắn dù tổng thống không đồng ý.

Động cơ này có thể nhằm trấn an người dân nước Mỹ rằng các thế lực ngầm bên trong Nhà Trắng đang cố gắng lèo lái con thuyền chính phủ một cách ổn định kể cả khi người thuyền trưởng đang gây rối tình hình. Theo tác giả, các quan chức trong chính quyền đều nhận thức được tình hình, và nỗ lực làm điều đúng đắn kể cả khi tổng thống không làm được điều này.

Hậu trường 'quả bom' vô danh của New York Times - 2
Một số quan chức trong chính quyền Mỹ phủ nhận là tác giả bài viết. Ảnh: Axios.

Tuy nhiên, sự đảm bảo rằng quyền lực chính phủ đang nằm trong những bàn tay an toàn là một suy nghĩ sai lầm. Cử tri nước Mỹ không bầu ra thế lực đối kháng nội bộ trong chính quyền này để thực hiện nhiệm vụ “cứu rỗi” những quyết sách sai lầm của tổng thống. Mặc dù ý tưởng này rất cao cả, song các thành viên nội các không có quyền lực để phớt lờ, hủy bỏ hoặc lật ngược các sắc lệnh của tổng thống.

Nếu như lời tác giả nói là sự thật, chính những người bất đồng với Tổng thống Trump cũng không nắm chắc được rằng liệu nội các, quốc hội và một bộ tư pháp dưới sự lãnh đạo của Tổng thống được bổ nhiệm Mike Pence có thể đánh bại một thế lực tương tự để nắm quyền điều hành chính phủ hay không.

Giải pháp nào cho rối ren hiện nay

Trong cuốn sách mới cũng tiết lộ về các chia rẽ trong Nhà Trắng, nhà báo kỳ cựu Bob Woodward đã nêu ra hai trường hợp đáng báo động liên quan đến quyết sách ngoại giao của tổng thống.

Trong một tình huống, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã phải thuyết phục Tổng thống Trump rằng việc ám sát nhà lãnh đạo Syria là một ý tưởng tồi bởi điều này không chỉ là bất hợp pháp mà còn dẫn đến cuộc đối đầu nguy hiểm với Nga. Còn cựu cố vấn kinh tế Gary Cohn đã phải ngăn ông Trump rút khỏi hiệp định thương mại tự do với Anh khi đánh cắp lá thư ra lệnh rút khỏi hiệp định này, bởi chính sách này có thể hủy hoại liên minh và các doanh nghiệp Mỹ.

Qua diễn biến này có thể thấy, tác giả bài viết trên New York Times không hề nói dối khi nước Mỹ có thể sẽ đối mặt với những hậu quả tồi tệ hơn rất nhiều nếu như quyết định sai lầm của tổng thống không được ngăn cản kịp thời.

Tuy nhiên, không phải mọi chính sách bị xem là sai lầm của ông có thể bị ngăn chặn như việc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, lệnh cấm nhập cảnh hay chia tách gia đình nhập cư. Việc đưa ra bằng chứng để kích hoạt Tu chính án 25, hoặc luận tội tổng thống, hay một Quốc hội đảng Dân chủ chiếm đa số là bước đi quan trọng đầu tiên để đạt được kết quả này. Tuy nhiên, điều gì mới có thể thuyết phục được các nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ luận tội tổng thống.

Ngay cả việc thực hiện Tu chính án 25, quy định trong Hiến pháp cho phép phế truất tổng thống, cũng vô cùng khó khăn. Tiến trình này đòi hỏi phó tổng thống và đa số thành viên nội các quyết định rằng tổng thống không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Đáp lại, Tổng thống Trump có quyền không chấp nhận kết quả. Trong trường hợp này, sẽ cần có có đủ hai phần ba số phiếu trong Quốc hội đang do đảng Cộng hòa kiểm soát để thông qua việc bãi nhiệm tổng thống. Đây không phải là một quá trình đơn giản.

Một số nhà quan sát lo lắng rằng việc lật đổ tổng thống sẽ là mối đe dọa đến nền dân chủ của nước Mỹ. Nếu các phó tướng có thể âm thầm lật đổ người chỉ huy thì thực ra nhà lãnh đạo Mỹ không hề có thực quyền, điều này mới thực sự là đe dọa với nền dân chủ. Như vậy, việc sử dụng Tu chính án 25 không phải là phương án khả thi tại thời điểm này. Do đó, việc công khai mâu thuẫn trong chính quyền sẽ ảnh hưởng đến thế lực ngầm đang chống tổng thống.

Điều này sẽ khiến người đứng đầu Nhà Trắng càng nổi cơn thịnh nộ và dẫn đến cuộc truy tìm tung tích “kẻ giấu mặt”, qua đó khiến nhiều người có năng lực bị thay thế bởi các nhân vật trung thành với tổng thống. Bài viết đã khiến dư luận tập trung vào câu hỏi âm ỉ tại Washington trong suốt một năm qua: Liệu ông Trump có thực sự nắm quyền và một ban lãnh đạo chia rẽ như vậy đang gây nên mối nguy hiểm gì cho đất nước.

Biên tập viên Jim Dao cũng tuyên bố không loại trừ khả năng đăng tiếp những bài viết của quan chức ẩn danh trên. Trước những cơn sóng gió chính trị liên tiếp bủa vây từ truyền thông cho đến nội bộ chính quyền lục đục, việc ông Trump có thể đứng vững cho đến cuối nhiệm kỳ hay không sẽ là câu hỏi còn để ngỏ?

Theo Minh Nguyệt (Tri Thức Trực Tuyến)