Thế giới

Hành trình đau đớn và tủi nhục để trở thành Hoạn quan trong các triều đại phong kiến Trung Quốc

Hoạn quan hay Thái giám là một thành phần không thể thiếu trong Hoàng cung của bất kì triều đại Vua Trung Quốc nào nhưng lại thường bị người đời xem thường, chế riễu, chịu nhiều đớn đau tủi nhục ở cả thể xác lẫn tinh thần…

Trong lịch sử Trung Quốc cổ xưa, từ thời Tây Chu (440 TCN) đã có hoạn quan. "Hoạn quan" khi đó là danh xưng chỉ chung những quan viên phục dịch, hầu hạ hoàng đế và hoàng tộc trong cung. Cho đến đầu đời Đông Hán mới ban lệnh hoạn quan tất yếu phải là người đàn ông bị thiến. Từ ngữ "thái giám" xuất hiện sớm nhất vào đời Đường Cao Tông Lý Trị khoảng năm 662.

Hành trình đau đớn và tủi nhục để trở thành Hoạn quan trong các triều đại phong kiến Trung Quốc
Thái giám thời Mãn Thanh Trung Quốc

Nhiệm vụ của hoạn quan là làm đủ thứ việc trong nội cung, như trà nước, xe kiệu, chợ búa, hầu hạ hoàng đế, thái hậu, phi tần, truyền mệnh lệnh vua, liên lạc thông tin và canh phòng, bảo vệ an ninh các cung điện. Thái giám hầu cận bên vua bao giờ cũng được tuyển chọn rất kỹ lưỡng.

Thái giám là một hệ thống nội quan chỉ phục vụ công việc hàng ngày trong cấm cung, không có quyền can dự chính sự. Nhưng là người hầu cận thường ngày hoàng đế, được hoàng đế tin dùng, nên có khả năng lộng quyền, nắm được đại quyền chính trị, thậm chí có thể phế lập hoàng đế. Dưới các triều Đông Hán, Đường, Minh đều từng xảy ra những việc hoạn quan chuyên quyền làm bậy.

Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc hoạn quan ở Trung Quốc có ba nguyên nhân chủ yếu sau đây: Hoạn quan là những tội phạm, tù binh hoặc phản nghịch bị cắt sinh thực khí; Hoạn quan là cống phẩm của địa phương tiến cống vào cung đình; Tự nguyện xin thiến làm hoạn quan để mưu cầu phú quý.

Loại trừ những người đã khiếm khuyết khi sinh ra, một người muốn trở thành hoạn quan phải qua một công đoạn hết sức đau đớn tủi nhục, gọi là "yêm cát", "cung hình","hủ hình" hay "âm hình", hiểu đơn giản là… “bị thiến”. Theo Nam tinh thái giám khốc hình thì có 4 phương pháp để thiến con trai: Cắt toàn bộ âm kinh và dịch hoàn; Chỉ cắt bỏ dịch hoàn; Đè cho vỡ nát dịch hoàn; Cắt bỏ ống dẫn tinh.

Hành trình đau đớn và tủi nhục để trở thành Hoạn quan trong các triều đại phong kiến Trung Quốc - 1
Quá trình "yêm cát - thiến" một người con trai thành hoạn quan

Quá trình yêm cát (thiến) ở Trung Hoa cuối đời Mãn Thanh có ghi chép cụ thể như sau:

Trước khi cát thể, người có ý định trở thành thái giám đặt nằm nghiêng trên một cái giường thấp và được “đao tử tượng” – tức người làm công việc “thiến” - hỏi lần cuối cùng là có hối hận gì khi bị thiến hay không. Nếu người đó trả lời Không thì quá trình “cát thể” sẽ chính thức bắt đầu. Công việc này đòi hỏi có ít nhất 3 người.

Theo đó, một người dùng tay giữ chặt 2 chân, hai người còn lại giữ tay và đặt tay ép chặt lên bụng. Băng vải được quấn chặt ở bụng dưới và hai đùi và bệnh nhân được cho uống một thang thuốc mê (ma phế thang) có tác dụng gây tê giảm đau, bộ phận sinh dục của y được chà xát bằng nước ngâm ớt. Cả dương vật lẫn dịch hoàn được “đao tử tượng” dùng “yêm đao” cắt phăng sát tận đáy, chỉ bằng một nhát dao.

Một nút bằng kim loại cắm ngay vào lỗ sinh thực khí (ống dẫn tiểu/dẫn tinh) và vết thương được băng chặt bằng giấy bản, bên ngoài quấn vải thật chặt. Người thái giám lập tức được dìu đi quanh phòng trong hai ba giờ liền trước khi được quyền nằm nghỉ. Người đó vừa đau đớn, vừa khát nước nhưng không được ăn uống và tiểu tiện trong ba ngày.

Sau ba ngày, vải băng được cởi bỏ và nút kim loạt được rút ra. Nếu người bị thiến có thể đi tiểu được ngay thì cuộc giải phẫu thành công và qua được thời kỳ nguy hiểm. Nếu thái giám không tiểu tiện được có nghĩa là đường sinh thực khí đã bị thu hẹp hay bịt kín, khi đó họ chỉ còn nước chờ chết.

Hành trình đau đớn và tủi nhục để trở thành Hoạn quan trong các triều đại phong kiến Trung Quốc - 2
Bộ phân sinh dục bị cắt bỏ của Hoạn quan - gọi là "bảo cụ" được bảo quản vô cùng cẩn thận

Sau khi đã cắt bỏ bộ phận sinh dục, âm nang, âm hành của họ gọi chung là “bảo cụ” sẽ được bảo tồn cẩn thận như một món đồ quý. Trước hết “bảo cụ” được tẩm vôi bột để hút hết những máu mủ còn trong đó, giữ cho khô ráo tránh thối. Sau đó dùng vải hay giấy bản lau sạch rồi mới đem ướp “bảo cụ” trong hương liệu để cho dầu thấm vào. “Bảo cụ” được đặt trong bao lụa, cất trong hộp gỗ rồi hàn kín lại.

Người ta chọn ngày lành tháng tốt cung kính đưa chiếc hộp đó đến từ đường họ người bị thiến, treo chiếc hộp đó trên xà nhà. Việc gìn giữ "bảo cụ" có hai lý do. Thứ nhất, mỗi khi được thăng thưởng thái giám trong cung đình đều phải trình cho thượng quan xem "bảo cụ" để chứng minh rằng quả thực mình đã được tĩnh thân toàn vẹn.

Lý do thứ hai, là khi thái giám chết đi, lúc tẩm liệm sẽ hạ “bảo cụ” trên xà nhà xuống may dính lại chỗ cũ của người đó. Còn “tự nguyện yêm cát thư - đơn tình nguyện xin cắt bỏ bộ phận sinh dục” sẽ được đốt trước linh sàng để người chết được khôi phục nguyên trạng ngõ hầu dưới cửu tuyền còn mặt mũi mà nhìn cha mẹ tổ tiên và nếu có đầu thai thì kiếp sau cũng được toàn vẹn thân thể.

Về phần ngoại mạo, người đã bị yêm cát thay đổi rất nhiều. Trở nên có nhiều nữ tính, không mọc râu, không lộ hầu, ngực nhô lên, mông nở, giọng nói the thé, hành động yểu điệu, da dẻ cũng nhẵn nhụi hơn. Trông chẳng khác gì đàn bà giả đàn ông. Vì hạ thể nở nang (đùi và chân to ra) nên thái giám thường đi chân chữ bát, bước ngắn mà nhanh.

Hành trình đau đớn và tủi nhục để trở thành Hoạn quan trong các triều đại phong kiến Trung Quốc - 3
Hoạn quan thời nhà Minh trong tranh cổ Trung Quốc

Thái giám cũng dễ trở nên phì nộn, mặc dầu da thịt thường nhão nhoẹt nhưng đến già lại teo đi nên những thái giám có tuổi da dẻ nhăn nheo hơn người thường. Ngoài ra, thái giám vì bị khiếm khuyết các cơ ở hạ bộ nên thường hay bị són nước tiểu, thành thử cơ thể luôn nặng mùi.

Thái giám sống rất đầy đủ, sung sướng về mặt vật chất, nhưng lại thiếu thốn, đau khổ về mặt tinh thần. Đời xưa vốn rất coi trọng nhiệm vụ truyền giống nên kết tội rất nặng những kẻ tuyệt chủng “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (có ba điều bất hiếu, lớn nhất là không có con nối dõi tông đường). Vì thế, Hoạn quan thường bị người đời coi thường, khinh rẻ.

Sống với mặc cảm ấy, nên Thái giám luôn bị dằn vặt chịu nhiều đau khổ, nhất là đối với những người bất đắc dĩ vướng vào cái nghiệp oan trái này. Đối với tổ tiên, cha mẹ, họ tự coi mình là tội nhân bất hiếu. Đối với bản thân, họ không thoát khỏi cái cảnh trăm năm cô đơn, luôn sống trong nỗi ám ảnh đến khi nhắm mắt, sẽ trở thành loài ma lang thang không nơi nương tựa.

Người bị thiến ngoài những thay đổi thể chất, tinh thần cũng ảnh hưởng nặng nề và chính vì thế họ trở nên độc ác, nhỏ nhen, tàn nhẫn khác với người thường. Thái giám thường là đề tài để người đời diễu cợt, châm chọc, coi thường, hạ nhục lắm khi rất tàn nhẫn.

Hành trình đau đớn và tủi nhục để trở thành Hoạn quan trong các triều đại phong kiến Trung Quốc - 4
Tạo hình Hoạn quan (Trần Khôn thủ vai) trong phim điện ảnh Long Môn Phi Giáp

Hầu như tất thảy Thái giám nổi tiếng nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Trung Hoa đều là kẻ lắm thủ đoạn, lũng đoạn triều chính, tàn độc khét tiếng như Triệu Cao (nhà Tần), Thập thường thị (thời Tam Quốc), Ngụy Trung Hiền (nhà Minh)… âu một phần cũng bởi thân thể không toàn vẹn và tinh thần chất chứa đầy khổ đau oán hận vậy!

Việc tĩnh thân để thành thái giám không phải chỉ bao gồm thủ thuật yêm cát-cắt bỏ bộ phận sinh dục. Bởi có nhiều gia đình sớm chuẩn bị cho con trai mình tương lai sẽ làm thái giám từ khi còn nhỏ. Theo đó, một bảo mẫu được thuê để đặc biệt “chăm sóc” cho đứa trẻ ngay khi còn nằm trong nôi. Bà vú này có một thủ thuật riêng, mỗi ngày ba lần nắn bóp dịch hoàn đứa trẻ khiến đứa bé đau đến khóc thét lên.

Lực bóp cũng tăng thêm và cơ quan sinh dục của đứa bé dần dần bị hủy hoại. Khi lớn lên không những mất khả năng sinh dục mà dương vật còn teo dần khiến đứa trẻ có nhiều nữ tính, không có yết hầu, hai vú nhô cao, mông nở, giọng nói lanh lảnh, dáng điệu ẻo lả và trở thành "ái nam, ái nữ", thuận đường nhập cung làm thái giám.

TẦM HOAN (SHTT)