Thế giới

Hàn Quốc từng 'hối lộ' nửa tỉ USD để tổ chức thượng đỉnh liên Triều đầu tiên?

Ông Kim Jong Un bước qua biên giới liên Triều.

Năm 2003, Hàn Quốc từng phải mở cuộc điều tra liên quan đến gói tiền lên đến 500 triệu USD hỗ trợ cho Triều Tiên nhằm đảm bảo Hội nghị Thượng đỉnh năm 2000 diễn ra suôn sẻ.

Hàn Quốc từng 'hối lộ' nửa tỉ USD để tổ chức thượng đỉnh liên Triều đầu tiên?
Tổng thống Kim Dae Jung (trái) và Chủ tịch Kim Jong Il tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều năm 2000

Ba năm sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất, nhiều quan chức cấp cao của Hàn Quốc, trong đó có cựu tổng thống Kim Dae Jung phải đối mặt trước hàng loạt chỉ trích về gói tiền 500 triệu USD bí mật gửi cho Bình Nhưỡng.

Điều tra viên Song Doo Hwan đã mở một cuộc điều tra độc lập về số tiền 500 triệu USD được chính quyền Seoul chuyển cho Triều Tiên trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lịnh sử năm 2000.

Cuộc điều tra được tiến hành dựa theo sự chỉ đạo của Tổng thống đương nhiệm khi đó là Roh Moo Hyun.

Cựu tổng thống Kim Dae Jung - người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2000 nhờ đóng góp của ông trong "Chính sách Ánh dương" góp phần tạo điều kiện cho Hội nghị lịch sử được diễn ra - phải đưa ra lời xin lỗi trước toàn dân vì vụ bê bối này.

"Tôi thực sự xin lỗi vì đã gây nên mối quan ngại sâu sắc cho người dân Hàn Quốc vì những tranh cãi hiện nay", cựu tổng thống Kim Dae Jung phát biểu trên truyền hình quốc gia.

Hàn Quốc từng 'hối lộ' nửa tỉ USD để tổ chức thượng đỉnh liên Triều đầu tiên? - 1
Tổng thống Kim Dae Jung (phải) nhận giải Nobel Hòa bình năm 2000 nhờ “Chính sách Ánh dương” của ông - Ảnh: AP

Theo kết quả điều tra của ông Song Doo Hwan, có số tiền của Hàn Quốc gửi cho Bình Nhưỡng với 100 triệu USD từ chính phủ Hàn Quốc, và 400 triệu USD còn lại là sự đóng góp từ tập đoàn Hyundai.

Theo giải thích từ phía Hyundai, khoản tiền mà tập đoàn ô tô này chi cho Triều Tiên nhằm mục đích giành độc quyền du lịch tại quốc gia được xếp vào hàng kín đáo và bí mật nhất thế giới này (và đương nhiên cũng là hấp dẫn nhất trong mắt nhiều du khách).

Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy rằng ông Chung Mong Hun - chủ tịch tập đoàn Hyundai, con trai thứ 5 của Chung Ju Yung, nhà sáng lập Hyundai - đã giả mạo các giấy tờ tài chính nhằm che đậy cho hành vi cung cấp tiền cho Bình Nhưỡng nhằm xúc tiến hội nghị diễn ra.

Dưới áp lực chỉ trích, chủ tịch Chung Mong Hun đã nhảy lầu tự tử từ tầng 12 của tòa nhà Hyundai.

Khi được hỏi về chuyện chi tiền của Hyundai, cựu tổng thống Kim Dae Jung trả lời với báo giới rằng chính phủ của ông "nhận thức được" việc Hyundai đã chuyển tiền cho Bình Nhưỡng, nhưng cho rằng đó chỉ là một giao dịch kinh doanh thông thường.

Cựu tổng thống Kim sẵn sàng lãnh trách nhiệm vụ bê bối này nhưng cũng hy vọng người dân thấu hiểu, xem đó là vì lợi ích quốc gia và hòa bình thịnh vượng của bán đảo Triều Tiên.

Khi ông Kim Dae Jung mất vào tháng 8-2009, Thủ tướng Han Seung Soo từng ngợi ca ông Kim Dae Jung "là một nhà lãnh đạo vĩ đại của lịch sử hiện đại, được công nhận không chỉ ở Hàn Quốc mà còn cả thế giới". Còn Tổng thống Lee Myung Bak đương nhiệm cũng ca ngợi ông Kim là "một lãnh đạo chính trị vĩ đại" và sẽ sống mãi trong lòng người dân Hàn Quốc như một tấm gương đấu tranh cho dân chủ và hòa hợp dân tộc.

Theo Thùy Trang (Tuổi Trẻ)