Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Hàn Quốc tìm ra câu trả lời về bệnh nhân Covid-19 'dương tính trở lại'

Giới chức y tế Hàn Quốc tháng trước đã thông báo về hàng chục bệnh nhân dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 sau khi phục hồi.

Phát hiện này gây lo ngại về khả năng các bệnh nhân phục hồi Covid-19 nhưng vẫn nhiễm virus trở lại, mang tới nhiều khó khăn cho việc dỡ bỏ các biện pháp cách ly cũng như quá trình nghiên cứu, chế tạo vaccine.

Tuy vậy, sau nhiều tuần nghiên cứu, giới khoa học Hàn Quốc cho rằng các kết quả xét nghệm là "dương tính giả" gây ra bởi những tàn dư còn lại của virus, nhiều khả năng không thể lây bệnh cho người khác.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), nước này tới nay đã ghi nhận 350 trường hợp dương tính trở lại.

Sau khi các bệnh nhân Hàn Quốc được tuyên bố khỏi bệnh và xuất viện, nhà chức trách phát hiện một xu hướng đáng lo ngại. Nhiều bệnh nhân tuy được xác định đã phục hồi, nhưng khi xét nghiệm lại cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Các quan chức y tế sau đó đã xem xét một số khả năng để lý giải điều này, bao gồm việc bệnh nhân nhiễm bệnh trở lại, virus hoạt động lại... Tuy vậy, một nhóm chuyên gia do chính phủ Hàn Quốc thành lập tuần trước cho rằng lý giải phù hợp nhất là các xét nghiệm đã cho kết quả "âm tính giả".

Hàn Quốc tìm ra câu trả lời về bệnh nhân Covid-19 'dương tính trở lại'
Xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc (Ảnh: CNN)

Hàn Quốc sử dụng phương pháp RT-PCR để xét nghiệm SARS-Cov-2 dựa trên vật chất di truyền của virus. RT-PCR cho kết quả nhanh và được đánh giá là một trong những phương pháp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 chuẩn xác nhất.

Tuy vậy ở một số trường hợp, RT-PCR có thể phát hiện tàn dư của virus, dù chúng không còn là nguy cơ cho bệnh nhân hay người khác, theo Seol Dai-wu, chuyên gia chế tạo vaccine tại Đại học Chung-Ang, thành phố Seoul.

"Máy RT-PCR không thể phân biệt giữa hạt virus có khả năng lây nhiễm với hạt virus không lây nhiễm, xét nghiệm chỉ có thể phát hiện những thành phần của virus," Seol cho hay.

Theo KCDC, những kết quả "dương tính giả" này là lý do ngày càng nhiều bệnh nhân được cho là dương tính trở lại sau khi đã phục hồi.

Giám đốc KCDC Jeong Eun-kyeong cho biết nhà chức trách vẫn đang tìm kiếm bằng chứng về giả thuyết những hạt mà máy RT-PCR phát hiện ra là từ các tế bào virus "đã chết".

Các bệnh nhân được xét nghiệm lại khi họ có những triệu chứng hô hấp mới, hoặc được chỉ định bởi nhà chức trách.

Tính tới giữa tháng 04, chưa tới một nửa những trường hợp được xét nghiệm lại có triệu chứng, theo KCDC, tuy vậy hiện nhà chức trách cũng cho rằng những triệu chứng hô hấp nhiều khả năng không phải do virus gây ra.

Các bệnh nhân dương tính trở lại sau khi phục hồi dường như không lây bệnh cho người khác. Bà Jeong Eun-kyeong nói KCDC vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus từ bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi nhưng dương tính trở lại.

Khi xem xét các trường hợp có triệu chứng dù đã phục hồi, KCDC đã lấy mẫu nuôi cấy virus, một quá trình thường phải mất hai tuần trước khi có kết quả rõ ràng. 29 mẫu nuôi cấy đã cho kết quả âm tính, trong khi 79 mẫu khác vẫn đang được xử lý.

"Virus ở những ca dương tính trở lại có rất ít hoặc không có khả năng lây nhiễm," bà Jeong Eun-kyeong cho hay.

Oh Myoung-don, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, trưởng nhóm điều tra những ca nhiễm Covid-19 dương tính trở lại, cho rằng virus SARS-CoV-2 không xâm nhập nhân tế bào của bệnh nhân, không như virus viêm gan B hay HIV.

Điều này có nghĩa là SARS-CoV-2 không thể gây bệnh mạn tính, và khả năng virus hoạt động trở lại là rất thấp, ông Oh nói trong buổi họp báo tuần trước.

Giới chức Hàn Quốc hiện vẫn tiếp tục xét nghiệm để phát hiện kháng thể, đồng thời xét nghiệm, theo dõi những người tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính trở lại.

Tố Linh (Nguoiduatin.vn)