Thế giới >> Anh trai chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bị ám sát ở Malaysia

Hai năm xét xử Đoàn Thị Hương của tòa án Malaysia

Kim Chol nằm bất động sau khi bị tấn công tại sân bay Kuala Lumpur tháng 2/2017

Đoàn Thị Hương bị bắt ngày 15/2/2017 với cáo buộc giết người nhưng được hủy cáo trạng và hưởng mức án nhẹ hơn sau phiên tòa kéo dài hơn hai năm.

Ngày 13/2/2017, một người đàn ông Triều Tiên đến phàn nàn với các nhân viên sân bay ở Kuala Lumpur, Malaysia rằng ai đó đã tóm lấy ông từ phía sau và bôi chất lỏng lên mặt ông. Ông này được đưa đến phòng khám sân bay và tử vong trên đường đến bệnh viện.

Nạn nhân có tên trên hộ chiếu là Kim Chol. Cảnh sát Malaysia xác định hai phụ nữ bôi chất lỏng lên mặt Kim Chol là Đoàn Thị Hương, người Việt Nam và Siti Aishah, người Indonesia, bị bắt lần lượt vào ngày 15 và 16/2/2017.

Khám nghiệm tử thi cho thấy Kim Chol thiệt mạng vì tiếp xúc với chất độc thần kinh VX, hóa chất gây chết người bị cấm theo hiệp ước quốc tế và được Liên Hợp Quốc xếp vào loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ngày 18/2/2017, cảnh sát Malaysia bắt công dân Triều Tiên Ri Jong-chol, được cho là một chuyên gia hóa học. Các nhà điều tra cho biết họ muốn thẩm vấn các nhà ngoại giao và nhân viên hàng không từ Triều Tiên về vụ án nhưng tất cả đều ở trong đại sứ quán Triều Tiên, không đồng ý tiếp xúc hoặc đã rời khỏi đất nước.

Trong khi đó, Triều Tiên nói rằng việc kết luận chất độc VX được sử dụng trong vụ giết người này là vô lý. Họ cáo buộc Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành chiến dịch bôi nhọ chống lại nước này. Triều Tiên yêu cầu Malaysia trả lại thi thể của Kim Chol nhưng bị từ chối. Căng thẳng leo thang khi hai bên trục xuất đại sứ và ra lệnh cấm xuất cảnh với công dân của nước kia.

Ngày 1/3/2017, Hương và Siti Aishah ra tòa địa phương Sepang ở Malaysia. Hai người bị buộc tội giết người và có nguy cơ đối mặt án tử hình nếu bị kết tội. Sau khi đọc cáo trạng, chủ tọa hỏi các nghi phạm có hiểu hay không, Đoàn Thị Hương trả lời: "Tôi hiểu nhưng tôi không có tội". Cả hai khai mình bị dụ dỗ tham gia vào một trò chơi khăm trên truyền hình.

Malaysia cũng buộc tội giết người với 4 người đàn ông Triều Tiên, nhưng các nghi phạm này đã rời khỏi Malaysia để về nước ngay sau vụ sát hại. Luật sư của hai cô gái nói rằng 4 người này mới là kẻ chủ mưu.

Một ngày sau, Ri Jong-chol được thả và bị trục xuất khỏi Malaysia vì thiếu bằng chứng chứng minh ông ta liên quan đến vụ giết người. Cuối tháng 3/2017, căng thẳng Malaysia - Triều Tiên giảm nhiệt sau khi Kuala Lumpur bàn giao thi thể Kim Chol cho Triều Tiên và hai nước bỏ lệnh cấm xuất cảnh với công dân của nhau.

Ngày 2/10/2017, tòa thượng thẩm Shah Alam bắt đầu xử chung Aisyah và Hương. Cả hai đều không nhận tội và luật sư biện hộ nói rằng họ là chỉ là những con tốt trong vụ sát hại được dàn dựng bởi 4 nghi phạm Triều Tiên.

Ngày 18/8/2018, thẩm phán yêu cầu hai cô tham gia bào chữa sau khi cho rằng có đủ bằng chứng để suy luận họ đã tham gia vào "âm mưu được lên kế hoạch rõ ràng" với 4 nghi phạm đã bỏ trốn.

Hai năm xét xử Đoàn Thị Hương của tòa án Malaysia
Siti Aishah được phóng thích sau phiên tòa ở Malaysia ngày 11/3

Trong phiên tòa nhằm nghe biện hộ của hai nghi phạm ngày 11/3, các công tố viên rút cáo buộc giết người đối với Aisyah mà không nêu lý do. Cô lập tức được phóng thích và trở về Indonesia ngay sau đó.

Các quan chức Indonesia cho biết việc Aisyah được phóng thích là kết quả vận động hành lang cấp cao liên tục của Jakarta. Bộ Ngoại giao Indonesia nói rằng trường hợp của Siti được nêu trong "mọi cuộc họp song phương Indonesia - Malaysia ở cấp tổng thống, phó tổng thống, các cuộc họp thường kỳ của ngoại trưởng và các bộ trưởng khác của hai nước".

Một yếu tố đóng vai trò mấu chốt là lá thư Bộ trưởng Luật và Nhân quyền Indonesia Yasonna Laoly gửi cho Bộ trưởng Tư pháp Malaysia Tommy Thomas. Lá thư nhấn mạnh các luận điểm rằng Aisyah bị dụ dỗ nên không thực sự có ý định giết người và cô không thu được lợi ích hay lợi nhuận từ hành động này.

Sau  khi Siti được phóng thích, luật sư của Đoàn Thị Hương yêu cầu hoãn phiên tòa và đề nghị công tố viên cũng rút lại cáo buộc giết người đối với cô.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 12/3 gọi điện cho Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah, đề nghị Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, trả tự do cho Đoàn Thị Hương. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long gửi thư cho người đồng nghiệm Tommy Thomas, đề nghị nước này xem xét trả tự do Đoàn Thị Hương trên cơ sở đối xử công bằng và phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

"Cả Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah đều bị lợi dụng, lôi kéo vào vụ việc mà không biết hành động của mình có thể dẫn đến hậu quả chết người", thư viết. 

Trong phiên tòa ngày 14/3, công tố viên Malaysia thông báo quyết định của Bộ trưởng Tư pháp nước này là tiếp tục vụ án và không phóng thích Hương. Tuy nhiên, thẩm phán nói rằng Hương không đủ điều kiện thể chất và tinh thần để tiếp tục phiên tòa nên thủ tục tố tụng bị hoãn đến ngày 1/4.

Hai năm xét xử Đoàn Thị Hương của tòa án Malaysia - 1
Đoàn Thị Hương rời tòa ở Malaysia ngày 1/4

Tại phiên tòa sáng nay, công tố viên Malaysia đã hủy cáo trạng giết người đối với Đoàn Thị Hương, đề nghị truy tố cô với tội danh "cố ý gây thương tích bằng hung khí hoặc cách thức nguy hiểm" có khung hình phạt thấp hơn rất nhiều. Công tố viên đưa ra quyết định trên sau khi nhận được đơn yêu cầu của đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia và đoàn luật sư bào chữa cho Hương.

Thẩm phán Azmin Ariffin tuyên bố mức án cho Đoàn Thị Hương là 3 năm 4 tháng tù. Theo đó, cô sẽ được thả vào tháng 6/2020 nếu trừ thời gian Hương bị giam khi xét xử tại Malaysia từ 15/2/2017. Tuy nhiên, luật sư của Hương cho biết cô nhiều khả năng sẽ được trả tự do vào đầu tháng tới do được giảm án vì có hành vi tốt.

"Tôi rất vui, đây là một bản án công bằng, phán quyết công bằng. Tôi cảm ơn chính phủ Việt Nam và chính phủ Malaysia", Hương nói sau khi phiên tòa kết thúc.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)