Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Giới khoa học tuyên bố phát hiện người đầu tiên tái nhiễm Covid-19

Các nhà khoa học báo cáo về trường hợp đầu tiên tái nhiễm virus SARS-CoV-2, một phát hiện được đánh giá sẽ mang lại nhiều thách thức cho quá trình phát triển vaccine.

Các nhà nghiên cứu tại khoa vi sinh Đại học Hong Kong cho biết giải mã trình tự bộ gene của virus cho thấy một bệnh nhân đã nhiễm hai chủng virus khác nhau trong vòng vài tháng.

Theo nghiên cứu, bệnh nhân là nam giới, 33 tuổi, sức khỏe tốt. Khi nhiễm virus lần đầu, anh bị ho, đau họng, sốt và đau đầu trong ba ngày. Anh được xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid-19, nhập viện hôm 29/03.

Tới 14/04, anh được xuất viện sau hai lần xét nghiệm âm tính.

Bốn tháng sau, anh trở về Hong Kong từ Tây Ban Nha, ngoài ra đã từng tới Anh trong chuyến đi này. Xét nghiệm Covid-19 tại sân bay hôm 15/08 cho thấy anh dương tính với Covid-19. Anh lại phải nhập viện, nhưng không có triệu chứng bệnh.

Giới khoa học tuyên bố phát hiện người đầu tiên tái nhiễm Covid-19

Các chuyên gia thừa nhận phát hiện về bệnh nhân này gây ra không ít lo ngại, dù họ cảnh báo không nên kết luận vội vàng chỉ dựa trên một trường hợp duy nhất.

"Một bệnh nhân trẻ tuổi, khỏe mạnh nhiễm Covid-19 lần thứ hai, bốn tháng rưỡi sau khi đã khỏi bệnh," các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong viết trong báo cáo đăng tải trên tuần san Bệnh truyền nhiễm Lâm sàng.

"Trường hợp này cho thấy hiện tượng nhiễm bệnh trở lại có thể xảy ra vài tháng sau khi đã khỏi bệnh. Phát hiện của chúng tôi cho thấy SARS-CoV-2 có thể sẽ tồn tại lâu dài trên con người, giống như các bệnh cảm cúm thông thường có liên quan tới virus corona ở người, ngay cả khi các bệnh nhân đã có miễn dịch sau khi nhiễm bệnh," báo cáo có đoạn.

"Do miễn dịch có thể không kéo dài sau khi nhiễm bệnh, những người đã khỏi bệnh vẫn cần được xem xét sử dụng vaccine. Các bệnh nhân từng mắc Covid-19 cũng cần tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch tễ, bao gồm đeo khẩu trang và giãn cách xã hội," các nhà nghiên cứu cho biết thêm.

Nếu nghiên cứu nói trên là chính xác, vaccine Covid-19 có thể sẽ không tạo ra miễn dịch lâu dài, và con người cũng không thể dựa vào miễn dịch sau khi đã khỏi bệnh, theo The Independent.

"Đây là một phát hiện đáng lo ngại vì nhiều lý do. Thứ nhất, như báo cáo đã nêu, phát hiện này cho thấy việc nhiễm bệnh không tạo ra miễn dịch lâu dài. Thứ hai, nghiên cứu cho thấy khả năng vaccine có thể không mang lại điều mà chúng ta mong muốn," giáo sư David Strain thuộc Đại học Exeter nói.

Trước đó đã có một số báo cáo cho thấy các bệnh nhân nhiễm virus trở lại, nhưng đều dựa trên đặc tính lâm sàng của Covid-19. Tuy vậy, trogn trường hợp này, các nhà khoa học đã giải mã bộ gene để xác định các chủng virus khác nhau.

Bác sĩ Jeffrey Barrett thuộc viện Wellcome Sanger kêu gọi thận trọng trước phát hiện này, cho rằng sẽ rất khó đưa ra kết luận cho tới khi nghiên cứu được công bố trọn vẹn.

"Đây là bằng chứng mạnh mẽ hơn về việc nhiễm bệnh trở lại so với các trường hợp trước đây, bởi nhóm nghiên cứu đã giải mã trình tự bộ gene xác định hai chủng virus khác nhau. Rất có thể bệnh nhân này đã hai lần nhiễm bệnh, không phải nhiễm một lần và sau đó tái phát bệnh," ông Barrett nói.

"Điều quan trọng về trường hợp này, không được nhắc tới trong thông cáo báo chí, là bệnh nhân không có triệu chứng trong lần nhiễm bệnh thứ hai. Anh ta được xác định dương tính khi kiểm tra sức khỏe ở sân bay, và không có triệu chứng trong suốt thời gian nhiễm bệnh thứ hai," ông cho biết thêm.

Ông Barrett cho rằng với việc thế giới đã ghi nhận hơn 5,7 triệu ca Covid-19, việc một bệnh nhân nhiễm bệnh lần thứ hai không phải là bất ngờ, và cho rằng những kết luận có thể đưa ra từ nghiên cứu này là "rất rộng", do nó chỉ dựa trên một trường hợp duy nhất.

"Điều này có thể rất hiếm khi xảy ra, và có thể việc nhiễm bệnh lần thứ hai không nghiêm trọng, dù chúng ta không biết bệnh nhân có thể lây bệnh cho người khác trong lần nhiễm bệnh thứ hai không," ông nói thêm.

Linh Giang (Nguoiduatin.vn)