Thế giới

Giới chức ở Malaysia cải trang đi bắt người 'không nhịn ăn' trong tháng Ramadan

Giới chức Segamat tìm cách phát hiện người vi phạm trong tháng lễ linh thiêng của người Hồi giáo dù vấp phải nhiều ý kiến phản đối.

Giới chức ở Malaysia cải trang đi bắt người 'không nhịn ăn' trong tháng Ramadan
Người Hồi giáo Malaysia nghỉ ngơi và ăn nhanh tại quảng trường Merdeka ở Kuala Lumpur trong tháng lễ Ramadan 2018. Ảnh: Xinhua.

Hơn 30 nhân viên thực thi luật pháp huyện Segamat, bang Johor, Malaysia đã cải trang thành đầu bếp hoặc bồi bàn trong các nhà hàng nhằm bắt những người Hồi giáo không thực hiện nhịn ăn một cách  nghiêm túc trong tháng Ramadan, một tổ chức nhân quyền hôm 23/5 cho hay.

"Chúng tôi có những nhân viên được lựa chọn đặc biệt, những người có làn da ngăm đen cho một công việc bí mật", Mohamad Masni Wakiman, chủ tịch Segamat nói. Ông Wakiman cho biết thêm, việc cải trang tỏ ra thuyết phục khi các quan chức nói bằng tiếng Indonesia và Pakistan khiến khách không nghi ngờ, bởi nhiều nhân viên tại các nhà hàng Malaysia là người nhập cư.

Nếu những người Hồi giáo được nhìn thấy gọi món ăn vào ban ngày, những nhân viên bí mật này sẽ chụp ảnh họ và gửi tới các cơ quan tôn giáo địa phương để xử lý. Malaysia hiện có hai hệ thống pháp lý tồn tại song song, trong đó người Hồi giáo sẽ phải tuân theo những quy tắc riêng tại một số khu vực nhất định. Ở bang Johor, những người Hồi giáo không nhịn ăn vào ban ngày trong tháng Ramadan có thể bị phạt tù tới 6 tháng hoặc phạt tiền 240 USD, hoặc cả hai.

Ramadan là tên gọi tháng thứ 9 của lịch âm Arab, không có ngày thống nhất và thay đổi theo từng năm, cũng được xem là tháng linh thiêng nhất đối với các tín đồ Hồi giáo. Năm nay, Ramadan tại các nước Đông Nam Á theo đạo Hồi bắt đầu từ 6/5. Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ Hồi giáo phải thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc..., không được đưa bất kể thứ gì vào miệng và không sinh hoạt tình dục trong khoảng thời gian ban ngày, từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn. Các trường hợp ngoại lệ là phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi và người ốm.

"Sisters in Islam", một nhóm thúc đẩy quyền phụ nữ Hồi giáo ở Malaysia cho rằng hành động trên của giới chức Segamat là "đáng xấu hổ và gây ra ấn tượng không đẹp về Hồi giáo trong mắt những tín đồ đạo Hồi và cả các tôn giáo khác", đồng thời yêu cầu chấm dứt hành động này.

Hơn 60% trong tổng số 32 triệu dân Malaysia là người Hồi giáo. Nước này cũng là nơi sinh sống của các cộng đồng người Hoa, Ấn.

Theo Mai Lâm (VnExpress.net)