Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Giám đốc Pfizer: Cuộc sống trở lại bình thường vào năm mới, có thể cần tiêm vaccine hàng năm

Giám đốc điều hành kiêm chủ tịch Pfizer Albert Bourla dự đoán cuộc sống sẽ trở lại bình thường vào năm tới, tuy vậy có thể cần tiêm vaccine ngừa Covid-19 hàng năm.

"Tôi nghĩ chúng ta có thể quay lại cuộc sống bình thường trong một năm," Bourla nói trong cuộc phỏng vấn với chương trình "This Week" của đài ABC.

Tuy vậy, Bourla không cho rằng con người có thể trở lại cuộc sống bình thường mà không cần vaccine.

Giám đốc Pfizer: Cuộc sống trở lại bình thường vào năm mới, có thể cần tiêm vaccine hàng năm

"Tôi không cho rằng điều này nghĩa là các biến chủng sẽ không tiếp tục xuất hiện, và cũng không cho rằng diều này nghĩa là chúng ta có thể tiếp tục cuộc sống bình thường mà không cần vaccine. Tuy vậy, đây vẫn là điều cần xem xét," giám đốc Pfizer nói thêm.

Giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel cũng có dự đoán tương tự.

"Thời điểm này, có lẽ là một năm tới, tôi cho là như vậy," Bancel trả lời phỏng vấn trên tờ Neue Zuercher Zeitung về việc khi nào con người có thể trở về cuộc sống bình thường.

Bourla cho rằng con người sẽ cần tiêm vaccine ngừa Covid-19 hàng năm.

"Tôi cho rằng kịch bản dễ xảy ra nhất là chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều biến thể mới, bởi virus đã lây lan toàn cầu. Chúng ta sẽ có những vaccine có hiệu lực tối thiểu một năm, tôi cho rằng kịch bản dễ xảy ra nhất là tiêm chủng hàng năm, tuy vậy chúng ta chưa thể biết được điều đó, chúng ta cần chờ xem xét các dữ liệu," Bourla cho hay.

Hôm 24/09, giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky ký quyết định cấp phép cho vaccine Pfizer-BioNTech liều bổ sung đối với người cao tuổi và người có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao, ngược lại với khuyến nghị trước đó của một ban cố vấn.

WHO phản đối mạnh mẽ việc tiến hành tiêm chủng liều bổ sung, cho rằng các nước giàu nên chia sẻ vaccine dư thừa với các nước đang có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Bourla cho rằng "sẽ là không đúng nếu quyết định phê duyệt liều bổ sung" dựa trên bất kỳ tiêu chí nào khác hơn là "việc tiêm liều bổ sung có cần thiết hay không".

Cựu giám đốc CDC Mỹ Tom Frieden trước đó cũng chỉ trích Moderna và Pfizer không chia sẻ sở hữu trí tuệ vaccine để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng toàn cầu.

"Monderna và Pfizer tập trung bán vaccine đắt tiền cho các nước giàu, hầu như không làm gì để rút ngắn khoảng cách về nguồn cung vaccien toàn cầu. Thật đáng xấu hổ," Frieden viết trên Twitter.

Tuy vậy, Bourla cho rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ không phải là ý tưởng hay.

"Sở hữu trí tuệ là thứ đã tạo nên các ngành khoa học sự sống sẵn sàng phản ứng khi dịch bệnh xuất hiện. Không có điều đó, chúng ta sẽ không thể ngồi đây để thảo luận bởi chúng ta không có vaccine... Chúng tôi rất tự hào về những thành tựu đã đạt được. Chúng tôi đã cứu hàng triệu sinh mạng," Bourla nói.

Bourla cũng chỉ ra rằng Pfizer chịu lỗ bán vaccine với giá rẻ cho các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, hãng đã chịu lỗ khi bán 1 tỷ liều cho chính quyền Mỹ, để chính quyền Mỹ tặng lại cho các nước nghèo.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)