Thế giới

Giải mã nguyên nhân căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vừa dẫn đầu một phái đoàn cấp cao của Mỹ tới Bắc Kinh ngày 3/5 để bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại leo thang giữa nước này với Trung Quốc.

Các cuộc thương lượng, diễn ra trong hai ngày 3 - 4/5, sẽ là các cuộc gặp cấp cao nhất giữa giới chức Mỹ và Trung Quốc, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố gói thuế trị giá 50 tỉ USD đánh vào các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hồi đầu tháng Tư, dẫn đến những đòn đáp trả ngay sau đó từ Bắc Kinh.

Giải mã nguyên nhân căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Cảng Dương Sơn ở Thượng Hải, một trong những điểm trung chuyển hàng hóa lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: AP

Mặc dù ông Trump nhất quyết đẩy lui thâm hụt thương mại của Mỹ so với Trung Quốc cũng như đe dọa áp thêm gói thuế quan trị giá 100 tỉ USD đối với các mặt hàng Trung Quốc, nhưng căng thẳng cho thấy, Washington ngày càng mất bình tĩnh trước các chính sách công nghiệp và sự giới hạn tiếp cận thị trường của Bắc Kinh.

Về phần mình, Trung Quốc ngày càng chứng tỏ sức mạnh kinh tế dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bắc Kinh bày tỏ sẵn sàng đàm phán và giảm thiểu các hạn chế tiếp cận một số lĩnh vực kinh tế của nước này, bao gồm cả công nghiệp xe hơi và tài chính. Song, Bắc Kinh được tin ít có khả năng từ bỏ việc nhà nước hỗ trợ mạnh cho các ngành công nghiệp then chốt như lâu nay.

Theo hãng thông tấn Reuters, nhiều nhà kinh tế, các quan chức ngoại giao và thương mại nhận định, ngay cả khi hai bên đạt được một thỏa thuận hòa hoãn hay nhất trí làm dịu căng thẳng, sự bất đồng sâu sắc giữa Washington và Bắc Kinh về chính sách công nghiệp của Trung Quốc sẽ vẫn tồn tại trong tương lai gần.

Giới quan sát đã chỉ ra 5 vấn đề then chốt, gây căng thẳng thương mại Mỹ - Trung như sau:

Thâm thủng thương mại

Chính quyền ông Trump đòi Trung Quốc phải ngay lập tức cắt giảm 100 tỉ USD khỏi tổng cộng 375 tỉ USD thặng dư thương mại với Mỹ. Bắc Kinh đáp trả rằng, Mỹ cần phải tự tăng các hoạt động xuất khẩu. Bắc Kinh cũng nêu ví dụ, thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất cao đối với các hàng hóa công nghệ cao của Mỹ, nhưng Washington lại áp đặt nhiều rào cản xuất khẩu đối với những mặt hàng này.

Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ mới đây cảnh báo Tổng thống Trump không nên quá chú trọng vào vấn đề thâm hụt thương mại. Thay vào đó, họ cho rằng ông nên tập trung vào việc mở rộng sự tiếp cận thị trường Trung Quốc của các công ty Mỹ. Theo nhiều nhà kinh tế, những biện pháp tăng thuế mới của Washington, vốn chắc chắn dẫn tới các đòn "ăn miếng, trả miếng" của Bắc Kinh, sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ, đồng thời có thể không làm thay đổi cán cân thương mại hiện tại.

Bản quyền và sự chuyển giao công nghệ bắt buộc

Các than phiền của Mỹ về tình trạng quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc là cốt lõi của căng thẳng thương mại giữa hai nước. Chính quyền Trump quả quyết, hàng năm, các công ty Mỹ đã mất hàng tỉ USD vì việc ăn cắp bí mật thương mại của Trung Quốc.

Washington đổ lỗi cho sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ yếu kém của các tòa án Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh công khai yêu cầu thay thế công nghệ của nước ngoài bằng các giải pháp tự phát triển trong nước.

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cũng cáo buộc Bắc Kinh thường xuyên can thiệp vào các thị trường trọng yếu của Trung Quốc bằng những thỏa thuận ngầm rằng, các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ và những quyền sở hữu trí tuệ khác cho đối tác Trung Quốc. Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.

Nhà chức trách Trung Quốc hiện đã đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Song, theo những người chỉ trích, phần lớn các tiến bộ chỉ tập trung ở mảng bản quyền tác giả và nhãn hiệu, trong khi tình trạng bắt buộc chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghiệp then chốt vẫn còn tràn lan.

Hàng hóa "made in China" năm 2025

Trung Quốc đang tìm mọi cách bắt kịp các đối thủ như Mỹ và Đức trong lĩnh vực công nghệ cao, bằng cách rót hàng tỉ USD vào chiến lược "made in China năm 2025", giúp tạo động lực phát triển 10 ngành trọng yếu, bao gồm cả robot học, hàng không vũ trụ và xe hơi dùng năng lượng sạch.

Chiến lược này đóng vai trò cốt lõi trong việc đưa Trung Quốc trở thành một nền kinh tế tiên tiến, ít phụ thuộc hơn vào việc nhập khẩu các công nghệ then chốt từ các đối thủ. Vì vậy, đây ít có khả năng là lĩnh vực Bắc Kinh sẽ nhượng bộ các nhà đàm phán Mỹ.

Robert Lighthizer, Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Tổng thống Trump ngày 1/5 từng tiết lộ, ông không tìm cách thương lượng về các thay đổi đối với hệ thống kinh tế nhà nước của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông mong muốn Trung Quốc mở rộng cửa đón nhận sự cạnh tranh lớn hơn từ nước ngoài.

Các giới hạn đầu tư

Cả hai nước đều giới hạn đầu tư vào các ngành then chốt. Cụ thể, Washington đã thông qua Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), một ủy ban liên ngành do Bộ Tài chính lãnh đạo, để ngăn cản các thực thể ngoại quốc mua lại các công ty nước này. Chính quyền ông Trump cũng lên kế hoạch tiếp tục ngăn chặn người Trung Quốc tiếp cận một số ngành công nghiệp nhất định của Mỹ.

Trong khi đó, các đối tác thương mại của Trung Quốc, bao gồm cả một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo, việc Mỹ và EU tăng cường giám sát các khoản đầu tư nước ngoài của Trung Quốc là phản ứng tất yếu trước việc Bắc Kinh không trao cho các công ty nước ngoài quyền tiếp cận thị trường của họ một cách tương xứng.

Ông Tập Cận Bình đã cam kết nới lỏng giới hạn chủ sở hữu nước ngoài trong các lĩnh vực xe hơi, đóng tàu và máy bay "càng sớm càng tốt". Chủ tịch Trung Quốc cũng hứa thúc đẩy các biện pháp công bố trước đây nhằm mở cửa lĩnh vực tài chính của nước này.

Washington tỏ ra hoài nghi trước các cam kết như trên, với lí do lãnh đạo Bắc Kinh trước đây từng đưa ra "những hứa hẹn mơ hồ và không được thực thi". Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đánh giá các cải cách như lời hứa của ông Tập được triển khai quá lâu và có thể là quá muộn. Theo họ, các đối thủ cạnh tranh bên trong Trung Quốc đã tận dụng hàng thập niên được nhà nước bảo hộ để thiết lập vị thế thống trị thị trường nội địa, đồng thời mở rộng ra nước ngoài.

Tiền tệ

Tháng trước, Tổng thống Trump cáo buộc Nga và Trung Quốc đã phá giá đồng nội tệ trong khi Mỹ tăng lãi suất tiền gửi, động thái được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin sau đó mô tả là "phát súng cảnh cáo". Thực tế, đồng USD đã suy yếu đáng kể so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Một lợi thế khác là Trung Quốc đang nắm giữ tới hơn 1.000 tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Nếu Trung Quốc đột nhiên bán ra một phần trái phiếu này hoặc thậm chí phát tín hiệu về ý định mua ít trái phiếu chính phủ Mỹ hơn trong tương lai, điều đó có thể khiến lãi suất dài hạn ở Mỹ tăng cao, ít nhất trong thời gian ngắn. Chính phủ liên bang hay những cá nhân mua nhà ở Mỹ sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực do phí vay tăng.

Tất nhiên, khi áp dụng chiêu trên, bản thân Trung Quốc cũng có thể bị "gậy ông đập lưng ông", làm giảm giá trị danh mục đầu tư, đẩy giá đồng nội tệ và khiến hàng hóa xuất khẩu của họ trở nên đắt đỏ hơn.

Theo Tuấn Anh (VietNamNet)