Thế giới

Giải cứu đội bóng Thái: Niềm vui phải đánh đổi bằng sinh mạng

Mô phỏng hành trình rời khỏi hang ngập nước của đội bóng nhí Thái Lan

Việc 12 cậu bé và huấn luyện viên bóng đá được đưa ra khỏi hang động sau 18 ngày mắc kẹt là niềm vui chung của cả nước Thái, nhưng để có được nó, một người đã mãi mãi ra đi.

Sau 18 ngày mắc kẹt, 12 cầu thủ và huấn luyện viên của đội bóng Thái Lan đã được giải cứu thành công, mang lại niềm vui lớn cho người thân và những ai theo dõi chiến dịch.

Bên trong khuôn viên một nhà tang lễ cũ ở huyện Mae Sai phía bắc Thái Lan, khoảng hai mươi phóng viên địa phương lẫn quốc tế theo dõi tin tức về chiến dịch cứu hộ các nam sinh thuộc một đội bóng. Cậu bé thứ mười hai cùng huấn luyện viên của các em đã được đưa ra ngoài sau hơn hai tuần mắc kẹt trong hang động cách đó khoảng 5 km đường bộ.

"Tất cả đều an toàn", dòng chữ trên Facebook lực lượng Seal thuộc Hải quân Thái Lan là khoảnh khắc được trông đợi nhất kể từ khi đội bóng Moo Pa (tức "Lợn Rừng") mất tích khi thám hiểm hang Tham Luang hôm 23/6. Cả nước Thái gần như đã quên các trận đấu trong vòng chung kết World Cup, được cho là hấp dẫn nhất trước nay đang diễn ra tại Nga. Bản tin trên trang nhất các báo mỗi sáng đều đưa về chiến dịch tìm kiếm cứu hộ được ví von là "cuộc chiến với nước và thời gian".

Nhưng đó không hoàn toàn là câu chuyện của niềm vui. Saman Kunan, cựu thành viên của lực lượng đặc nhiệm "Seal" thuộc Hải quân Thái Lan, đã thiệt mạng vì thiếu oxy khi lặn trong hang động bị ngập nước để giải cứu các nam sinh. Anh qua đời hôm 6/7, hai ngày trước khi bốn 4 thành viên đầu tiên của đội bóng thiếu niên được đưa ra ngoài.

Giải cứu đội bóng Thái: Niềm vui phải đánh đổi bằng sinh mạng
12 nam sinh của đội bóng Moo Pa. Ảnh: Guardian tổng hợp.

Nhiệm vụ bất khả thi đã hoàn thành

"Chúng tôi không chắc đây là kỳ tích, là khoa học hay là gì nữa. Tất cả mười ba chú Lợn Rừng giờ đã được đưa ra khỏi hang", lực lượng Seal Thái Lan viết trên Facebook lúc 20h giờ ngày 10/7, đề cập đến tên đội bóng thiếu niên và cũng là cách người Thái gọi các em trong những ngày qua.

Tám cậu bé đã được đội ngũ gồm các thợ lặn Thái Lan và quốc tế giải cứu hôm 8 và 9/7. Ngày 10/7, 4 cậu bé cuối cùng được đưa ra khỏi hang Tham Luang cùng với huấn luyện viên. Ba lính Seal và 1 bác sĩ, vốn đã ở cùng với các nam sinh trong hang những ngày qua, là những người cuối cùng bước ra, khép lại chiến dịch giải cứu đầy thách thức.

"Hôm nay người Thái, nước Thái đã hoàn thành nhiệm vụ bất khả thi", ông Narongsak Osotthanakorn, cựu tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai, người chỉ huy chiến dịch, nói trong cuộc họp báo bị ngắt quãng bởi những tràng pháo tay liên tục.

Có lẽ kể từ khi nhà vua Bhumibol Adulyadej băng hà hồi năm 2016, người Thái mới lại có một dịp mà gần như mọi trái tim đều cùng chung một nhịp đập như vậy. 18 ngày, những người Thái vốn bị chia rẽ sâu sắc vì sóng gió chính trị liên tiếp trong hơn một thập kỷ qua, đã cùng nhìn về một hướng, nơi có những cậu bé mà họ xem như chính con cái của mình.

Bà Wattana Thoprasit, một tình nguyện viên từ Pattaya làm công việc dọn dẹp tại trung tâm báo chí ở Mae Sai, nói bất cứ ai biết tin này đều sẽ cảm thấy vui mừng, bất kể họ ở Thái Lan, Việt Nam hay là bất cứ nước nào.

"Cảm giác này thực sự tôi không thể nói thành lời. Những đứa bé đó, chúng còn quá nhỏ anh biết đấy", bà nói với Zing.vn. "Đó thực sự là một kỳ tích".

Đó là kỳ tích, không chỉ nằm ở những nỗ lực cứu hộ, mà còn được nhìn thấy qua chính bản thân 13 người mất tích. Ai có thể kiên cường hơn 12 chú "lợn rừng" ở Mae Sai và thầy của các em? 10 ngày ở trong bóng tối và nghĩ rằng mình sẽ chết. 18 ngày từ hy vọng chuyển sang thất vọng, thậm chí tuyệt vọng, rồi lại hy vọng xen lẫn sợ hãi. Đó là những điều mà một đứa trẻ vị thành niên không nên trải qua.

Giải cứu đội bóng Thái: Niềm vui phải đánh đổi bằng sinh mạng - 1
Ông Narongsak trong vòng vây của báo giới tối 10/7. Ảnh: AP.

Chính sự kiên cường đó cũng là điều khiến các em được nể phục, được yêu thương và khiến hàng trăm phóng viên tìm về Mae Sai, huyện cực bắc của Thái Lan, để tác nghiệp tại "trung tâm báo chí" được dựng lên trên bãi đất trống bùn ngập hơn mắt cá chân.

Khi nhìn thấy những chiếc máy bay cuối cùng bay từ hang Tham Luang về bệnh viện ở Chiang Rai chiều tối 10/7, rất nhiều phóng viên và tình nguyện viên đã đồng loạt vỗ tay hoan hô. "Cuộc chiến với nước và thời gian", cách mà người ta ví von chiến dịch cứu hộ, đã khép lại thành công.

Lời nguyện cầu được hồi đáp

"Kể từ ngày các em mất tích, tôi đã xem tin tức trên tivi cả ngày, cho đến 3, 4 ngày trước thì tôi nói với mình rằng không thể cứ ngồi đợi như vậy, tôi phải đến đó", bà Wattana chia sẻ. "Mỗi đêm trước khi đi ngủ, tôi đều cầu nguyện cho tất cả đều được an toàn".

12 nam sinh và huấn luyện viên đã mắc kẹt trong hang Tham Luang, hệ thống hang động dài hơn 10 km nằm dọc biên giới Thái - Myanmar, sau khi mưa lớn bất ngờ gây ngập hang. Họ được các chuyên gia hang động kiêm thợ lặn từ Anh tìm thấy 10 ngày sau đó, tại một nơi khô ráo cách cửa hang chừng 5 km.

Đó là điều kỳ diệu vì các em, lớn nhất 16 tuổi còn nhỏ nhất mới 11 tuổi, đã sống sót nhờ nước từ hang động cùng ít thức ăn mang theo. Khó có thể nói hết sự xúc động khi xem đoạn băng quay lại cảnh một cậu bé cúi đầu nói "cảm ơn" đội cứu hộ trong khi một số em khác hỏi "chúng cháu ở đây bao lâu rồi" và "bao giờ thì chúng cháu được ra".

Giải cứu đội bóng Thái: Niềm vui phải đánh đổi bằng sinh mạng - 2
Đặc nhiệm Seal thuộc Hải quân Thái Lan là những người cuối cùng ra khỏi hang Tham Luang hôm 10/7. Ảnh: AP.

"Ngày nào chúng em cũng nói về các bạn, ngày nào cũng trường cũng tổ chức cho chúng em cầu nguyện để các bạn an toàn và sớm ra khỏi hang", em Nawaporn Chaiwong, học sinh trường Ban Pa Muat, nơi 6 thành viên trong đội bóng Lợn Rừng theo học, nói với Zing.vn.

"Em cảm thấy vui mừng và có thể thở phào nhẹ nhõm, vì chúng em đều chờ đợi ngày này", Nawaporn nói khi đứng cạnh cậu bạn Yuthawat Khamfu, người cho biết cả hai đều muốn lập tức đến thăm các bạn của mình tại bệnh viện.

Cuộc giải cứu hôm 10/7 là phần khó khăn nhất với sự tham gia của khoảng 100 người vì cần phải đưa ra ngoài những nam sinh yếu nhất và nhỏ tuổi nhất. Tuy nhiên, không khí tại Mae Sai thể hiện rõ sự lạc quan sau hai cuộc giải cứu thành công trước đó.

Trên khoảng sân của trụ sở một cơ quan chính quyền bên cạnh nhà tang lễ, các phóng viên quốc tế đứng xếp hàng chờ ăn món gà nướng được phục vụ miễn phí trong khi các tình nguyện viên dường như cười đùa rôm rả hơn thường ngày. Họ dõi theo mỗi chiếc trực thăng bay qua đầu, mỗi chiếc xe cấp cứu chạy qua đường với ánh mắt tràn đầy sự tin tưởng.

"Tôi biết các em có thể làm được. Không phải ai cũng vượt qua được 10 ngày trong bóng tối và sự cô đơn", bà Wattana nói.

Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra mắt, mức độ dưỡng chất và sức khỏe tâm thần của các em, trong khi mẫu máu được đưa đến Bangkok để xét nghiệm bệnh truyền nhiễm. Các em sẽ được gặp người thân qua một lớp kính hoặc ở khoảng cách 2 mét nếu cha mẹ các em mặc đồ y tế, đeo khẩu trang và chụp đầu.

Lời cảm ơn từ đáy lòng

Thái Lan chưa từng tiến hành một chiến dịch cứu hộ phức tạp như chiến dịch tại Tham Luang, "điều chưa từng xảy ra trên hành tinh", theo lời ông Narongsak, người chỉ huy chiến dịch.

Đơn vị Tấn công Phá hủy Dưới nước, biệt danh là "Seal" (hải cẩu), của hải quân Thái Lan là thành phần chính trong đội cứu hộ. Tuy nhiên, theo lời ông Narongsak, đóng vai trò dẫn dắt là lực lượng nước ngoài, bao gồm các binh sĩ Mỹ tại Thái Bình Dương cũng như các thợ lặn hang động chuyên nghiệp từ Anh. Không có con số chính thức nhưng ước tính lực lượng cứu hộ có thể lên đến cả 1.000 người.

Những thách thức mà chiến dịch đặt ra là không thể xem thường. Do đang trong mùa mưa, khu vực hang Tham Luang liên tục có mưa lớn khiến lượng nước trong hang không giảm trong suốt nhiều ngày, bất chấp các nỗ lực tháo nước. Địa hình trong hang cũng phức tạp với nhiều khe hẹp ngập nước mà ngay cả những thợ lặn chuyên nghiệp cũng e dè.

Saman Kunan, một cựu "hải cẩu", đã kiệt sức khi lặn qua những khe hẹp đó để đặt bình oxy tiếp tế dọc theo quãng đường dẫn tới nơi trú ngụ của đội bóng Lợn Rừng. Anh thiệt mạng trên đường lặn trở ra sau khi hoàn thành nhiệm vụ, và là tổn thất về người đầu tiên và duy nhất trong chiến dịch.

Cựu quân nhân 38 tuổi rời lực lượng "Seal" vào năm 2006 và sau đó làm nhân viên cứu hộ khẩn cấp tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok. Khi nghe tin về đội bóng mất tích, anh đã tình nguyện đến Chiang Rai hỗ trợ chiến dịch giải cứu.

"Xin cảm ơn, từ tận đáy lòng tôi", nhà báo người Thái Tulsathit Taptim, làm việc cho Nation (một trong hai báo tiếng Anh lớn nhất Thái Lan), viết về cựu quân nhân "Seal" trên Twitter hôm 10/7.

"Những gì anh định làm đã được hoàn thành. Cả thế giới tự hào về anh và sẽ không bao giờ quên mục đích và sự hy sinh của anh".

Giải cứu đội bóng Thái: Niềm vui phải đánh đổi bằng sinh mạng - 3
Cựu lính Seal Thái Lan Saman Kunan thiệt mạng trong chiến dịch ở hang Tham Luang. Ảnh: Facebook.

Sau sự ra đi của anh Saman, đội cứu hộ dường như thêm quyết tâm đưa các nam sinh ra ngay lập tức, chưa kể vì trời có thể mưa nếu để lâu hơn.

"Chúng tôi sẽ không để cho sự hy sinh của anh là vô ích. Chúng tôi sẽ tiếp tục. Chúng tôi vẫn có niềm tin để tiếp tục công việc", chỉ huy Seal Apakorn Yuukongkaew nói với phóng viên ngày 6/7.

Những ngày này, khi cha mẹ các cậu bé Lợn Rừng sắp được gặp lại con sau gần 3 tuần xa cách thì ở Roi Et, quê nhà của anh Saman, nơi cách Mae Sai gần 1.000 km, người thân của anh Saman đang chuẩn bị để tiễn biệt anh lần cuối.

Song có lẽ sự hy sinh của anh đã thực sự không vô ích. Và giữa những tiếng "Hooyah" mà các tình nguyện viên hô vang tại trung tâm báo chí dã chiến tối 10/7, người ta không quên dành một lời cho vị anh hùng.

Theo Vũ Mạnh (Tri Thức Trực Tuyến)