Thế giới

Gia đình nạn nhân Lion Air phẫn nộ vì Boeing 737 MAX không bị cấm bay sớm

Máy bay của hãng Ethiopian Airlines mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu chỉ 6 phút sau khi cất cánh hôm 10/3. Vụ tai nạn khiến toàn bộ 157 người trên khoang thiệt mạng.

Nhiều người yêu cầu đình chỉ hoạt động của dòng 737 Max sau tai nạn ở Indoneisa, nhưng không được đáp ứng cho đến khi thảm kịch ở Ethiopia diễn ra.

Gia đình nạn nhân Lion Air phẫn nộ vì Boeing 737 MAX không bị cấm bay sớm
Thân nhân hành khách trên máy bay Lion Air gặp nạn chờ đợi tin tức trong đau khổ tại sân bay Pangkal Pinan hồi tháng 10/2018. Ảnh: Sky News.

Khi Anton Sahadi nghe tin chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Ethiopian Airlines rơi ngay sau khi cất cánh và không ai sống sót, anh rất buồn và phẫn nộ. Sahadi, 29 tuổi, là anh họ của Ravi Andrian và Riyan Aryandi, hai nạn nhân thiệt mạng trên cùng mẫu máy bay Boeing do hãng hàng không Lion Air vận hành rơi xuống biển Java hôm 29/10 năm ngoái, khiến toàn bộ 189 người tử vong, theo SCMP.

Thời điểm đó, thân nhân của người gặp nạn đều đặt câu hỏi có nên đình chỉ bay mẫu 737 MAX mới đưa vào sử dụng năm 2017 vì chưa đảm bảo an toàn hay không, nhưng chính phủ Indonesia nói rằng nhà khai thác chỉ cần kiểm tra lại các máy bay đang vận hành là đủ.

Yêu cầu của họ không nhận được câu trả lời thỏa đáng cho đến khi tai nạn tiếp theo xảy ra ở Ethiopia. Sau thảm kịch hôm 10/3, Cục Hàng không Indonesia ban đầu chỉ ra lệnh cho các hãng hàng không nội địa đình chỉ bay Boeing MAX 8 trong một tuần, nhưng sau khi Cục hàng không Liên bang Mỹ ban hành lệnh cấm bay khẩn cấp với dòng máy bay này, chính phủ Indonesia đã làm theo trong vòng 24 giờ. Lion Air vận hành 10 máy bay MAX 8, còn hãng Garuda Indonesia có một chiếc.

"Tôi cảm thấy đau lòng vô cùng khi nghe tin vụ rơi máy bay ở Ethiopia là máy bay cùng loại với tai nạn ở Indonesia", Sahadi giận dữ nói. "Có vẻ như chính phủ đã lờ đi yêu cầu của chúng tôi, họ phải quyết đoán hơn. Họ hành động quá muộn, tại sao không ra lệnh đình chỉ toàn bộ dòng máy bay này sau tai nạn của Lion Air?"

Sahadi là một trong số hơn 20 thân nhân người thiệt mạng trong tai nạn Lion Air khởi kiện Boeing tại Chicago, nơi đặt trụ sở tập đoàn. Anh cho biết thi thể Andrian được tìm thấy 7 ngày sau tai nạn, nhưng Aryandi vẫn chưa được tìm thấy. Cả hai đến Jakarta xem đội tuyển quốc gia thi đấu bóng đá và đang bay trở lại Pangkal Pinan thì máy bay lao xuống biển 13 phút sau cất cánh. 64 hành khách nữa vẫn chưa được tìm thấy.

Bố mẹ của Aryandi vẫn hy vọng sẽ có ngày tìm được xác con trai. Khi được thông báo đã tìm thấy thi thể Andrian, gia đình anh cho biết họ không muốn nhìn, bởi điều đó sẽ giúp họ dễ dàng "chấp nhận sự thật cậu ấy đã ra đi", Sahadi cho biết.

"Chúng tôi không muốn nhìn thấy xác cậu ấy, nhưng chúng tôi được kể lại rằng tất cả đều dập nát cả", anh nói.

Sau thảm họa Ethiopian Airlines, toàn bộ dòng máy bay bán chạy nhất 737 MAX của Boeing bị ngừng bàn giao, cổ phiếu công ty giảm 13%, vốn hóa thị trường giảm 32 tỷ USD.

Một người Indonesia khác là Harina Hafitz nằm trong số 19 nhân viên Liên Hợp Quốc trên máy bay thiệt mạng. Gia đình cho biết cô sẽ được mai táng ở Italy, nơi cô đang sống. 

"Những gì chúng tôi đang muốn hỏi là Boeing sẽ chịu trách nhiệm vấn đề này như thế nào? Chúng ta không thể để nhiều mạng người như thế biến thành chuột thí nghiệm", Sahadi nói. 

"Vì vậy, một lần nữa, tôi yêu cầu các nhà chức trách cần phải cấm bay vĩnh viễn loại máy bay này. Tôi đã tự hỏi sau tai nạn ở Ethiopia, vụ rơi MAX 8 tiếp theo sẽ diễn ra ở đâu?"

Vini Wulandari, em gái của một trong hai phi công trên chiếc máy bay xấu số của Lion Air, nói rằng tai nạn ở Ethiopia xác nhận nghi ngờ của cô và người nhà của nhiều nạn nhân khác rằng MAX 8 là "sản phẩm lỗi".

"Trời cao có mắt. Chúng tôi đã nói ngay từ đầu, sau vụ Lion Air, chúng ta không nên sử dụng Boeing 737 MAX nữa, nếu không chúng ta sẽ tiếp tục là nạn nhân của tai nạn hàng không", Wulandari nói. Cô cũng đã đệ đơn kiện Boeing.

"Tai nạn ở Ethiopia cho thấy 737 MAX 8 là thất bại ngay từ khâu sản xuất ban đầu. Khi nghe tin về vụ rơi máy bay Ethiopian Airlines, tôi đã rất buồn, vì tôi từng trải qua nỗi đau ấy, tôi hiểu gia đình các nạn nhân cảm thấy thế nào . Tôi cũng buồn vì đáng lẽ 737 MAX 8 phải bị cấm bay sau tai nạn của Lion Air", cô nói. "Có thể vì mới có một tai nạn, nên nhiều người nghĩ rằng không cần phải hành động ngay".

Hành trình của máy bay Ethiopian Airlines trước khi lao xuống đất. 

Wulandari cho biết cô mắc bệnh sợ bay sau khi anh trai thiệt mạng, hy vọng thảm kịch mới sẽ khiến Boeing phải trả giá.

"Họ suốt ngày nói 737 MAX 8 là máy bay sản xuất tinh vi, nhưng thực tế ra sao? Nó đã đâm xuống biển", cô nói. "Họ đáng lẽ phải nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm sau tai nạn của Lion Air".

Harvino, anh trai của Wulandari, ra đi để lại con nhỏ 18 tháng tuổi, hai đứa con nữa mới 5 và 8 tuổi. Đứa 5 tuổi giờ vẫn hy vọng bố sẽ quay về nhà.

"Tôi bảo với thằng bé rằng bố nó đã qua đời, nhưng nó không tin bởi chưa nhìn thấy mộ bố", cô tâm sự.

Các nhà điều tra chưa xác định được nguyên nhân tai nạn Ethiopian Airlines, nhưng các chuyên gia hàng không ghi nhận nhiều điểm tương đồng giữa vụ tai nạn này và thảm kịch Lion Air. Cả hai máy bay đều mất liên lạc với tháp điều khiển không lưu trong vòng vài phút sau khi cất cánh và các phi công đều yêu cầu quay đầu hạ cánh.

"Thường máy bay sẽ ngóc đầu lên cao sau khi cất cánh, nhưng trong cả hai trường hợp, máy bay đều gặp trục trặc, nó cứ ngóc lên rồi chúi xuống", Gerry Soejatman, chuyên gia hàng không ở Jakarta, nhận định dựa trên dữ liệu bay của hai chiếc phi cơ.

"Hai vụ tai nạn có nhiều điểm tương đồng, bao gồm tốc độ bay bất ổn. Dù chưa thể kết luận hai vụ tai nạn có cùng nguyên nhân, chúng ta không thể phủ nhận những điểm giống nhau và những điểm này thật đáng lo ngại", Soejatman nói.

Cuộc điều tra sơ bộ về tai nạn Lion Air do ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia công bố cho thấy cảm biến góc tấn có vấn đề đã kích hoạt hệ thống kiểm soát bay mới được lắp đặt trong 737 MAX nhằm đẩy mũi máy bay chúc xuống đất để ngăn hiện tượng thất tốc.

Hôm qua, Boeing đã dừng bay toàn bộ dòng 737 MAX trên toàn cầu, dự kiến sẽ cung cấp bản sửa lỗi phần mềm trong vài tuần tới. Nhiều quốc gia đã đình chỉ bay 737 MAX, bao gồm Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, không có cách nào để thuyết phục người nhà các nạn nhân tiếp tục sử dụng loại máy bay này. "Nói thật, tới giờ tôi vẫn sợ bay", Wulandari nói. "10 ngày sau tai nạn Lion Air, tôi định bay tới Hàn Quốc nhưng cuối cùng, tôi đã hủy chuyến đi và từ đó chưa từng bay lần nào nữa".

Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)