Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Gần 317.000 người chết vì nCoV toàn cầu

Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 18/5, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 4.795.7521 trường hợp, trong đó 316.401 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 1.849.400 trường hợp.

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 18.363 ca mắc và 818 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.526.136 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 90.931 trường hợp.

Hầu hết 50 bang tại Mỹ đã bắt đầu cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại và người dân được di chuyển tự do, tuy nhiên, chỉ duy nhất 14 bang đáp ứng được các chỉ dẫn liên bang về gỡ bỏ các giới hạn nhằm hạn chế sự lây lan của virus.

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar cho biết các ca mắc Covid-19 vẫn chưa tăng tại các bang đang mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ông Azar cũng cảnh báo hiện còn quá sớm để xác định xu hướng dịch bệnh tại những nơi này sẽ ra sao. Theo ông, một trong những yếu tố quan trọng của việc tái mở cửa là giám sát các hội chứng giống cúm trong cộng đồng cũng như số liệu về các ca nhập viện và xét nghiệm đối với những người không có triệu chứng.

Nga đã vượt Tây Ban Nha trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới sau khi ghi nhận thêm 9.709 ca mắc và 94 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 281.752 trường hợp, trong đó 2.631 trường hợp tử vong.

Nhiều người hoài nghi về tỷ lệ tử vong thấp mà Nga công bố, cáo buộc chính phủ đang báo cáo số người chết vì dịch bệnh không đúng với thực tế nhằm làm giảm quy mô cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, giới chức y tế Nga cho rằng một trong những lý do khiến tỷ lệ tử vong thấp là việc số liệu chỉ tính những trường hợp chết trực tiếp do virus. Bên cạnh đó, dịch bệnh tấn công Nga muộn hơn so với các nước khác nên nước này có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị giường bệnh cũng như xét nghiệm diện rộng.

Gần 317.000 người chết vì nCoV toàn cầu
Nga trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới

Tại Tây Ban Nha, tổng số ca mắc Covid-19 hiện tại là 277.719 sau khi ghi nhận thêm 1.214 trường hợp. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 3 thế giới. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 27.650 sau khi ghi nhận thêm 87 trường hợp trong ngày 17/5. Đây là lần đầu tiên sau hai tháng, Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 dưới 100 trong bối cảnh nhiều khu vực chuẩn bị nới phong tỏa.

Tuy nhiên, Fernando Simon, người phụ trách chiến dịch chống Covid-19 của Tây Ban Nha, cảnh báo số ca tử vong thấp ngày 17/5 có thể do sự chậm trễ trong khâu báo cáo dịp cuối tuần. Tại một cuộc họp báo, khi được hỏi liệu giới chức y tế có đủ nguồn lực để đối phó với mức độ bệnh nhân hiện nay không, ông Simon cho biết Bộ Y tế “đang tích cực tập hợp các nguồn dự trữ nhưng lượng vật tư y tế vẫn đủ dùng với nhu cầu hiện tại”.

Anh ghi nhận thêm 3.534 ca mắc và 170 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 17/5. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 243.695 trường hợp, trong đó có 34.636 ca tử vong. Anh vẫn là nước có số ca tử vong vì Covid-19 nhiều nhất châu Âu.

Italy ghi nhận thêm 675 ca nhiễm và 145 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 225.435 và 31.908.

Các cửa hàng mở cửa, nhà hàng, tiệm làm tóc hoạt động trở lại từ ngày 18/5, tuy nhiên chỉ các thành viên trong cùng gia đình được phép ngồi gần nhau tại nhà hàng. Chính quyền sẽ cho phép tự do đi lại lại từ ngày 3/6, đánh dấu sự nới lỏng hạn chế lớn sau khi Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3.

Pháp báo cáo thêm 204 ca nhiễm, nâng tổng số lên 179.569, trong đó 28.108 người chết, tăng 483 ca.

Chính quyền đã nới lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài gần 8 tuần từ 11/5. Tuy nhiên, giới chức nhấn mạnh họ sẵn sàng tái siết chặt hạn chế nếu cần thiết. Tại chợ bán buôn lớn ở Rungis gần Paris, người bán hàng và mua hàng bắt buộc phải đeo khẩu trang, khách hàng không được phép chạm vào sản phẩm. 

Đức ghi nhận thêm 381 ca nhiễm và 28 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 176.625 và 8.048. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các vùng dịch khác trong khu vực cũng như toàn cầu.

Chính phủ đã nới nhiều biện pháp hạn chế, cho phép các cửa hàng hoạt động trở lại, miễn là tuân thủ quy định vệ sinh và giãn cách. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Đức nới lỏng quy tắc kiểm dịch với người đến từ các nước EU và Anh. Giới chức chỉ yêu cầu người nhập cảnh cách ly nếu họ đến từ các quốc gia có số ca nhiễm cao. Người đi từ các nước ngoài EU vẫn phải cách ly bắt buộc hai tuần.

Tại khu vực Mỹ Latinh, Brazil vẫn là vùng dịch lớn nhất với 239.483 ca nhiễm và 16.062 ca tử vong, tăng lần lượt 6.341 và 429 trường hợp. Nước này là vùng dịch lớn thứ năm thế giới.

Một cuộc thăm dò trong tuần trước cho thấy 2/3 người Brazil đồng ý cần "cách biệt cộng đồng", điều các thống đốc và chuyên gia y tế ủng hộ. Trong khi đó, Tổng thống Jair Bolsonaro cố gắng mở lại phòng gym, tiệm làm tóc và các hoạt động kinh doanh khác.

Mexico báo cáo 47.144 ca nhiễm và 5.045 ca tử vong, tăng lần lượt 2.112 và 278. Chính quyền cho phép mở một số nhà máy ôtô từ ngày 18/5 sau nhiều lời kêu gọi từ các hãng xe Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng người Mexico có nguy cơ tử vong vì nCoV lớn hơn nhiều nước vì mắc các bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì.

Tại Trung Đông, Iran báo cáo thêm 1.806 ca nhiễm và 51 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 120.198 và 6.988.

Iran đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại liên tỉnh và cho phép trung tâm thương mại nối lại hoạt động. Hai tuần trước, các buổi tụ họp cầu nguyện đã được nối lại tại 180 thành phố và thị trấn Iran được coi là có nguy cơ lây nhiễm thấp. Trường học trên cả nước mở cửa trở lại vào tuần này.

Arab Saudi ghi nhận thêm 2.736 ca nhiễm và 10 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 54.752 và 312.

Arab Saudi sẽ phong tỏa toàn quốc trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr từ 23/5 đến 27/5 để ngăn virus lây lan. Cho đến lúc đó, các hoạt động kinh doanh vẫn được duy trì và mọi người có thể di chuyển tự do trong khoảng thời gian từ 9 giờ cho đến 17h, ngoại trừ ở Mecca, nơi vẫn bị áp lệnh giới nghiêm 24 giờ.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 731 ca nhiễm và 4 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 23.358 và 220. UAE từ cuối tháng trước đã nới lỏng các hạn chế được áp đặt kể từ giữa tháng ba. Dubai, trung tâm kinh doanh của UAE, cho phép các trung tâm thương mại, nhà hàng và quán cà phê mở cửa trở lại từ ngày 23/4 nhưng phải tuân thủ quy định phòng dịch.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 82.947 trường hợp, trong đó có 4.633 ca tử vong. Các con số này tại Nhật Bản là 16.237 và 725, tại Hàn Quốc là 11.050 và 262.

Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 95.698 ca nhiễm và 3.025 ca tử vong, tăng lần lượt 5.050 và 154. Chính quyền kéo dài lệnh phong tỏa cho đến ngày 31/5. Trường học, trung tâm thương mại và các địa điểm công cộng khác sẽ vẫn đóng cửa, mặc dù các quy tắc sẽ được nới lỏng ở những khu vực báo cáo ca nhiễm thấp.

Các cuộc tụ họp lớn vẫn bị cấm. Tuy nhiên, tại những nơi không phải điểm nóng dịch, tất cả hoạt động khác sẽ được cho phép, có khả năng giúp thương mại và công nghiệp mở cửa trở lại trên khắp đất nước.

Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 28.038 ca nhiễm, tăng 682 trường hợp so với hôm trước. Số ca tử vong duy trì ở 22. Nước này đang nỗ lực tăng cường xét nghiệm bằng cách tuyển mộ thêm người lấy mẫu bệnh phẩm ở những nơi như ký túc xá của lao động nhập cư với hứa hẹn trả lương cao.

Indonesia xếp thứ hai với 17.514 ca nhiễm và 1.148 người chết, tăng lần lượt 489 và 59 ca. Các nhân viên y tế nước này vẫn phàn nàn về quy trình chậm trễ, một tháng sau khi Tổng thống Joko Widodo hứa tăng cường số xét nghiệm. Indonesia là nước duy nhất trong khu vực ghi nhận ca tử vong vượt 1.000.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

HP (Nguoiduatin.vn)