Thế giới

Động thái đáng chú ý đầu tiên của Iran sau khi Mỹ đưa máy bay ném bom B-52 đến Trung Đông

Tướng phòng không Iran tuyên bố sẽ phản ứng "dữ dội" với hành vi xâm phạm không phận, sau khi oanh tạc cơ B-52 Mỹ bay qua Trung Đông.

Biên đội hai oanh tạc cơ chiến lược B-52H hôm 10/12 xuất phát từ căn cứ Barksdale, bang Louisiana, đến Trung Đông rồi quay về Mỹ. Chuyến bay liên tục không nghỉ này nhằm mục đích "răn đe những hoạt động hung hăng" và thể hiện cam kết của quân đội Mỹ với các nước trong khu vực, theo thông cáo từ Bộ chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) quân đội Mỹ.

"Không phận quốc gia là một trong những lằn ranh đỏ của chúng tôi. Như kẻ thù từng nếm mùi trong quá khứ, hành động vi phạm nhỏ nhất sẽ phải đối mặt với sự đáp trả dữ dội và dồn dập của lực lượng phòng không", chuẩn tướng Qader Rahimzadeh, phó chỉ huy căn cứ phòng không Khatam al-Anbia, nói trên truyền hình Iran ngày 12/11.

Động thái đáng chú ý đầu tiên của Iran sau khi Mỹ đưa máy bay ném bom B-52 đến Trung Đông
Tổ hợp phòng không S-300 của quân đội Iran. Ảnh: AP

Tướng Rahimzadeh khẳng định Iran đủ năng lực để giám sát "mọi di biến động" của bất cứ lực lượng không quân nào trong khu vực, bao gồm các oanh tạc cơ B-52H được Mỹ triển khai cách biên giới nước này 150 km gần đây.

Tướng Rahimzadeh khẳng định các hoạt động trên vùng trời gần Iran đều được giám sát liên tục để đề phòng bất cứ hành vi thù địch nào. "Lực lượng phòng không Iran theo dõi hoạt động của họ mọi lúc", Rahimzadeh nói. "Lực lượng phòng không phân tích các động thái này, nhận định về mục tiêu tiềm năng và hành vi của đối thủ để đề ra và thực hiện các kế hoạch tương xứng".

Iran tự chế tạo nhiều loại radar có thể phát hiện máy bay đối phương ở khoảng cách 400-800 km. Vệ tinh quân sự Noor của Iran gần đây chụp ảnh với độ phân giải cao về căn cứ ai Al-Udeid của Mỹ tại Qatar, sau khi quan chức Lầu Năm Góc gọi đây chỉ là "webcam trong không gian".

Quan chức cho biết quân đội Mỹ lo ngại Tehran có thể hành động trong giai đoạn chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng và kỷ niệm một năm vụ hạ sát tướng Qassem Soleimani, cũng như tận dụng lợi thế khi Mỹ rút quân khỏi Iraq và Afghanistan.

Căng thẳng gần đây gia tăng tại Trung Đông sau khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát tại Tehran. Các quan chức Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ sát hại với sự cho phép từ Mỹ, làm tăng lo ngại Tehran hoặc lực lượng ủy nhiệm có thể trả đũa các mục tiêu phương Tây trong khu vực.

Đức Minh (nguoiduatin.vn)