Thế giới

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ 'mạnh bằng 32 quả bom nguyên tử'

Trận động đất 7,8 độ xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 4.700 người thiệt mạng được cho là mạnh bằng 32 quả bom nguyên tử, hay giải phóng đủ năng lượng cho toàn thành phố New York dùng trong bốn ngày.

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ 'mạnh bằng 32 quả bom nguyên tử'
Hiện trường vụ động đất ở Diyarbakir (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 06/02 (Ảnh: Sertac Kayar/Reuters)

Động đất xảy ra lúc 4 giờ 17 phút sáng 07/02, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), đạt 7,8 độ. Những trận động đất có thể mạnh hơn nhiều trên thang đo cường độ, nhưng điều quan trọng hơn là cường độ kết hợp với địa điểm, chẳng hạn động đất có xảy ra ở nơi đông dân cư hay không, và độ sâu tâm chấn, càng nông thì càng ảnh hưởng tới một khu vực rộng lớn.

Trong báo cáo xuất bản 30 phút sau động đất, chuyên gia tại USGS đánh giá có 34% khả năng số người thiệt mạng từ 100 tới 1.000, và 31% khả năng số người thiệt mạng từ 1.000 tới 10.000. Số liệu tính đến hiện tại là 4.700 người thiệt mạng.

"Thiệt hại diện rộng có thể xảy ra, thảm họa nhiều khả năng sẽ trải rộng", báo cáo lưu ý, đồng thời đánh giá thiệt hại kinh tế có thể lên tới 1% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà địa chấn học Januka Attanayake thuộc Đại học Melbourne (Australia) cho rằng năng lượng động đất giải phóng tương đương 32 petajoule, tức là đủ cho toàn bộ thành phố New York sử dụng trong hơn bốn ngày.

"Về mặt năng lượng giải phóng, động đất 7,8 độ mạnh hơn động đất 5,9 độ tới 708 lần," ông Januka Attanayake  giải thích, lấy ví dụ về một trận động đất xảy ra ở Melbourne hồi năm 2021 để so sánh.

Cường độ của động đất được đo bằng thang gọi là thang cường độ địa phương. Phiên bản trước đây của thang này gọi là thang độ Richter. Đây là một thang độ khuếch đại: cứ tăng một độ, năng lượng mà động đất giải phóng sẽ tăng khoảng 32 lần.

Tuy vậy, khả năng gây thiệt hại của động đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ cường độ. Động đất xảy ra ở khu vực dân cư đông đúc, tâm chấn nông sẽ gây thiệt hại rất lớn. Trận động đất 7,8 độ hôm 07/02 có tâm chấn sâu khoảng hơn 17km.

Một yếu tố quan trọng khác là chấn lượng xây dựng của các công trình trong khu vực bị ảnh hưởng. "Dân số khu vực này sống trong các cấu trúc rất dễ thiệt hại khi động đất xảy ra, dù cũng có một số cấu trúc chống động đất," báo cáo của USGS lưu ý.

Trên Twitter, nhà địa chấn học Susan Hough thuộc USGS cho rằng trận động đất tuy không phải mạnh nhất mà thế giới từng chứng kiến trong những thập niên gần đây, nhưng có nguy cơ rất nguy hiểm do vị trí địa lý và tâm chấn nông.

Ở cấp thấp nhất, động đất 1 độ là rung lắc rất nhỏ mà con người không cảm nhận được. Tuy vậy, động đất 7 độ được giới địa chấn học mô tả là "có năng lượng bằng 32 quả bom nguyên tử ở Hiroshima", theo Renato Solidum, giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn Philippines.

Động đất 7,8 độ ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 06/02 được coi là "động đất lớn". Các trận động đất khác có cường độ tương đương xảy ra ở Pakistan hồi 2013, khiến 825 người thiệt mạng, và tại Nepal tháng 04/2015, khiến gần 9.000 người thiệt mạng.

Linh Giang (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ong-at-o-tho-nhi-ky-manh-bang-32-qua-bom-nguyen-tu-a368198.html