Thế giới

Động cơ tàu Nga mới bắn lên Sao hỏa cực nhanh

Với thế hệ động cơ nguyên tử dành cho tàu vũ trụ, Nga khẳng định sẽ bay đến Sao hỏa chỉ trong vòng 6 tuần.

Với thế hệ động cơ nguyên tử dành cho tàu vũ trụ, Nga khẳng định sẽ bay đến Sao hỏa chỉ trong vòng 6 tuần.

Giám đốc Rosatom, ông Sergei Kirienko phát biểu trước Hội đồng Liên bang Nga, các công nghệ hiện có chỉ có thể chế tạo được phi thuyền không gian "cập bến" Sao Hỏa trong vòng khoảng 18 tháng.

Tuy vậy đó sẽ là chuyến đi 1 chiều, cộng với việc chiếc tàu vũ trụ sẽ không thể thay đổi đường bay một khi đã được phóng.

Nga phóng tàu vũ trụ Soyuz TMA-18M.

Ông Kirienko nhấn mạnh: "Sử dụng một động cơ hạt nhân sẽ giúp tàu vũ trụ có thể tới Sao Hỏa trong vòng một tháng rưỡi và sau đó có thể từ Sao Hỏa quay trở về Trái đất, cộng với khả năng thay đổi đường bay linh hoạt".

Ngoài động cơ nguyên tử, hiện nay Nga cũng đang phát triển thế hệ động mới khác được biết đến là động cơ lượng tử. Theo Tiến sĩ Vladimir Semenovich Leonov, hiệu suất hoạt động của động cơ lượng tử Nga đang phát triển sẽ hơn động cơ thông thường 900%.

Tiến sĩ V.S.Leonov cho biết, để loại bỏ những hoài nghi về động cơ lượng tử, chúng tôi đã cố gắng chế tạo ra một chiếc động cơ không có “yếu tố vòng bi”.

Năm 2009, chúng tôi đã bước đầu thành công, tuy nhiên tháng 6/2014, chúng tôi lại cho thử nghiệm loại động cơ cùng loại nhưng được cải tiến nhiều hơn so với “người anh em” trước đây của nó vào 5 năm trước.

Đó là một động cơ có trọng lượng 54kg nhưng nó có thể tạo ra lực đẩy theo phương thẳng đứng với xung lực có cường độ lên tới từ 500 - 700kg lực nhưng năng lượng chỉ tiêu thụ hết khoảng 1KW.

Với động cơ này, một thiết bị bay có thể chuyển động với gia tốc lớn hơn từ 10-12 lần so với gia tốc trọng trường (gia tốc của chuyển động rơi tự do), điều đó có nghĩa nó nhanh hơn 10-12 lần tốc độ rơi tự do của các vật thể trên bề mặt Trái đất.

Nói về hiệu suất hoạt động của động cơ lượng tử, Tiến sĩ V.S.Leonov cho biết các động cơ tên lửa thông thường hiện nay đều đã đạt tới khả năng giới hạn của kỹ thuật.

"Cụ thể, động cơ tên lửa thông thường nếu có trọng lượng khoảng 100 tấn thì chỉ mang theo được khoảng 5 tấn vào không gian, nhưng động cơ lượng tử có trọng lượng tương đương có thể mang theo được 90 tấn, hiệu suất tăng hẳn 900%.

Đó là điều không tưởng! Kể từ Thế chiến thứ hai (sau hơn 50 năm phát triển), xung lực của động cơ tên lửa chỉ có thể tăng từ 220 giây (tên lửa Faw-2 của Đức) lên tới 450 giây (tên lửa Proton của Nga), còn xung lực của động cơ lượng tử có thể đạt tới hàng chục triệu giây.

Riêng về mặt tốc độ của động cơ lượng tử, nó có thể đưa thiết bị bay chuyển động với tốc độ 1.000km/s trong thời gian khởi động, trong khi tốc độ của tên lửa thông thường khoảng 18km/s.

Tôi cũng hy vọng điều này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành công nghiệp không gian. Thậm chí, trong tương lai, con người có thể du hành tới các vì sao", Tiến sĩ V.S.Leonov đầy lạc quan cho biết.

Theo Tuấn Hưng (Đất Việt)