Thế giới

Đòn ngầm của Trung Quốc dùng để chiến tranh với Mỹ

Ngày 3.7, Trung Quốc tuyên bố đã chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang ngày càng gia tăng giữa hai nước.

Trả lời báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết nước này đã "chuẩn bị đầy đủ một gói các biện pháp cần thiết" để bảo vệ các lợi ích quốc gia.

Dự kiến, ngày 6.7, Mỹ sẽ chính thức áp thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 34 tỷ USD, và Bắc Kinh dự kiến cũng sẽ có hành động đáp trả tương đương.

Giới chuyên gia cho rằng khó có khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được một bước đột phá vào tuần này trước khi Washington bắt đầu áp đặt thuế.

Theo đánh giá, các công ty Mỹ có thể sẽ chịu tác động mạnh trước các biện pháp đáp trả thương mại của Trung Quốc. Trong khi đó, các công ty lớn của Trung Quốc cũng sẽ không tránh được ảnh hưởng từ các căng thẳng thương mại.

Đòn ngầm của Trung Quốc dùng để chiến tranh với Mỹ
Ai sẽ thắng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?

Giới chuyên gia phân tích, Bắc Kinh rất có thể sẽ sử dụng đòn ngầm để đánh lại Mỹ. Lý do là hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ nhiều hơn gấp bội so với hàng Mỹ nhập vào Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh không thể áp dụng kiểu đánh trả một đối một bằng thuế quan như từng chủ trương cho đến nay mà phải viện đến nhiều biện pháp phi thuế quan khác đã từng chứng tỏ hiệu quả khi Trung Quốc muốn bắt chẹt các nước khác. Các biện pháp phi thuế quan này được coi là những đòn ngầm vì không thể hiện qua những số liệu cụ thể.

Hãng tin Reuters trước đó phân tích, một trong những đòn hiểm mà Bắc Kinh rất thiện nghệ là dùng thủ tục hành chính để gây tắc nghẽn đường vào thị trường Trung Quốc của hàng nhập khẩu từ Mỹ, từ việc tăng cường kiểm tra cho đến việc cấp phép hoạt động.

Ngay từ tháng 5 vừa qua, theo Reuters, Bắc Kinh có dấu hiệu là đã bắt đầu dùng chiêu này đối với các mặt hàng Mỹ nằm trong danh sách sản phẩm sẽ bị trả đũa nếu chiến tranh thương mại nổ ra. Cũng theo cơ quan thông tấn của Mỹ, khối lượng các cuộc kiểm tra hàng hóa đến từ Mỹ đã gia tăng đáng kể so với các kiểm tra ngẫu nhiên trong quá khứ.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể bày ra các quy định mới về các sản phẩm Mỹ được bán trên thị trường, cũng như đối với công ty Mỹ để hạn chế sự hiện diện, thậm chí cấm các công ty này tại Trung Quốc. Đây là điều đã từng xảy ra với Facebook, Google, và có nguy cơ xảy ra với các tập đoàn khác.

Thêm vào đó, Trung Quốc cũng có thể tuyên truyền, hướng người tiêu thụ trong nước tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Mỹ như đã từng làm với hàng hoá Hàn Quốc vào năm ngoái.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn một “bài” nữa là đánh vào ngành du lịch Mỹ bằng cách khuyên các công ty lữ hành của họ giảm các tour đi Mỹ. Hiện nay, có khoảng 3 triệu lượt du khách Trung Quốc đi thăm Mỹ mỗi năm, chi ra hàng chục tỉ USD cho các dịch vụ du lịch, thương mại, hàng hóa cao cấp của các công ty, doanh nghiệp Mỹ.

Trong khi âm thầm áp dụng các đòn ngầm kể trên để đánh Mỹ, Bắc Kinh cũng không ngần ngại công khai gây áp lực lên Liên minh châu Âu để đưa ra một tuyên bố chung mạnh mẽ chống lại chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cũng theo Reuters, trong các cuộc họp ở Brussels, các quan chức cấp cao Trung Quốc, bao gồm Phó Thủ tướng Liễu Hoà và nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất một liên minh giữa hai cường quốc kinh tế nhằm chống lại Mỹ tại WTO.

Nhưng EU - khối thương mại lớn nhất thế giới - đã từ chối ý tưởng này, năm quan chức EU và các nhà ngoại giao nói với Reuters trước thềm hội nghị thượng đỉnh Trung-Âu tại Bắc Kinh vào ngày 16-17.7.

Thay vào đó, hội nghị thượng đỉnh được kỳ vọng sẽ khẳng định cam kết của cả hai bên đối với hệ thống thương mại đa phương và hứa hẹn thành lập một nhóm công tác hiện đại hóa WTO, các quan chức EU cho biết.

Theo Thanh Minh (Dân Việt)