Thế giới

Đội cận vệ người dân tộc của vị Quốc vương giàu có

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC đến Việt Nam tham dự hội nghị APEC đều có máy bay đưa đón. Riêng Quốc vương Brunei thường thích tự lái máy bay riêng. Ông còn được bảo vệ bởi đội cận vệ người Gurkha thiện chiến.

Đội cận vệ người dân tộc của vị Quốc vương giàu có
Quốc vương Brunei (mặc đồ lính, bên phải) thăm đội cận vệ Gurkha ngày 15-3-2017 - Ảnh: Gurkha Brigade Association

Nếu người nào đó nói không sợ chết, người đó chỉ có thể là người nói dối hoặc chính là người Gurkha

Thống chế Sam Manekshaw (nguyên tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ)

Trong khi đó, ở tuổi "thất thập cổ lai hi", Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah lại thích tự lái máy bay công du. Chiều 9-11-2017, máy bay riêng của ông đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Máy bay đắt thứ ba thế giới

Lái máy bay đi dự hội nghị quốc tế không phải là chuyện hiếm hoi đối với quốc vương Brunei. Bảy tháng trước, ngày 26-4-2017, ông đã tự lái máy bay đến Manila (Philippines) dự hội nghị cấp cao ASEAN lần 30. Trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN lần 16 ngày 8-4-2010 tại Hà Nội, ông cũng đã lái chiếc Airbus A340-212 đến Việt Nam.

Quốc vương có nhiều máy bay để lựa chọn trong các chuyến công du trong và ngoài nước. Kho máy bay và trực thăng của ông gồm đủ loại.Trong số này có ba máy bay riêng Boeing 747-400, Airbus 340-200 và Boeing 767-200ER. Trong ba chiếc này ông thường lái Boeing 747-400 hơn.

Theo kết quả xếp hạng 10 máy bay tư nhân đắt nhất thế giới công bố đầu năm 2017, chiếc Boeing 747-400 trị giá 230 triệu USD của quốc vương Brunei đứng hạng ba. Chưa kể nội thất sang trọng, máy bay còn có bồn rửa mặt trong phòng tắm bằng vàng khối. Hạng nhất dành cho chiếc Airbus A380 giá nửa tỉ USD của hoàng tử Al Waleed ở Saudi Arabia. Còn hạng nhì thuộc về chiếc Airbus A340 giá 400 triệu USD của tỉ phú người Nga Alisher Usmanov. Máy bay Boeing 757 của Tổng thống Mỹ Donald Trump trị giá 100 triệu USD phải chịu lép vế đứng hạng tám.

Một trong những phi công của quốc vương Brunei là Stephan Poppe người Đức. Sau 13 năm làm phi công phụ, ông trở thành phi công chính năm 35 tuổi. Đọc quảng cáo thấy Brunei tuyển phi công lái cho quốc vương, ông bỏ Hãng Lufthansa sang Brunei và được Bộ Hàng không Brunei ký hợp đồng tuyển dụng dài hạn. Ông cho biết lái máy bay riêng cho quốc vương Brunei cực hơn lái máy bay dân dụng rất nhiều vì phi công phải tự lo liệu mọi thứ.

Stephan Poppe kể lại năm 2013, quốc vương Brunei đến Washington D.C. để hội đàm với Tổng thống Obama. Lúc đó ông Obama có nói: "Tôi rất vui mừng chào đón chuyến thăm của quốc vương. Quốc vương đến hôm qua và tự lái chiếc máy bay 747 riêng của ngài. Tôi cho rằng quốc vương có lẽ là nguyên thủ quốc gia duy nhất trên thế giới tự lái máy bay 747. Nếu các phi công chuyên cơ Air Force One có vấn đề, chúng tôi đã biết phải tham khảo ý kiến của ai".

Quốc vương Brunei là một trong những người giàu nhất thế giới. Ngoài nguồn thu nhập từ dầu mỏ, ông đã đầu tư vào nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, đặc biệt là bất động sản. Cung điện hoàng gia Brunei trị giá 1,4 tỉ USD nổi tiếng là cung điện rộng nhất thế giới (200.000m2) với 1.788 phòng và 257 phòng tắm. Một ngày nọ, các phóng viên hỏi ông về tài sản kếch sù của ông, ông trả lời: "Tiền à? Nếu các bạn có tiền thì tại sao không tiêu?". Bởi thế ngoài máy bay, ông còn tậu một dàn xe sang thuộc loại xịn nhất thế giới.

Đội cận vệ thuê người Gurkha

Quốc vương Hassanal Bolkiah từng theo học tại Học viện Quân sự hoàng gia Anh. Năm 1967, ông về nước nối ngôi vua cha trở thành quốc vương thứ 29 của Brunei. Sau khi Brunei tuyên bố độc lập năm 1984, ông kiêm nhiệm nhiều chức vụ gồm quốc vương, thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao và thương mại, bộ trưởng tài chính, tổng tư lệnh quân đội, tổng thanh tra cảnh sát hoàng gia. Ông ban bố luật Hồi giáo có hiệu lực ở Brunei từ ngày 1-5-2014.

Dù giàu nứt đố đổ vách nhưng quốc vương Brunei lại là nhà lãnh đạo quốc gia gần dân nhất và ông lại hoàn toàn không có đội cận vệ riêng. Lực lượng phụ trách bảo vệ quốc vương và hoàng gia không phải là dân Brunei mà là người dân tộc thiểu số Gurkha gốc Nepal thuộc biên chế Đơn vị dự bị người Gurkha. Đơn vị được thành lập vào năm 1974, hiện trực thuộc Bộ Nội vụ với quân số khoảng 2.000 người. Toàn bộ đều là cựu binh người Gurkha từng kinh qua chiến đấu trong quân đội Anh. Đơn vị này do quốc vương trực tiếp chỉ huy.

Nguồn gốc của Đơn vị dự bị người Gurkha xuất phát từ lịch sử Brunei. Người Gurkha thuộc bộ tộc Khas Rajput ở miền bắc Ấn Độ, sau này mới di dân sang Nepal. Có khoảng 200.000 người Gurkha đã chiến đấu ở hàng ngũ quân đội Anh trong hai cuộc chiến tranh thế giới.

Người Gurkha nổi tiếng là các binh sĩ thiện chiến, can đảm, trung thành tuyệt đối, đặc biệt sử dụng rất thành thạo loại dao quắm kukri có lưỡi cong. Muốn trở thành chiến binh Gurkha cần phải có sức khỏe tốt, thể hình và mạnh khỏe. Quy trình tuyển chọn hết sức khắc nghiệt. Trong vài chục ngàn người đăng ký chỉ có vài trăm người được chọn. Các ứng viên được ưu tiên là dân sơn cước miền tây Nepal thuộc bốn dòng họ Gurung, Thapa, Pun, Magar hoặc dân sơn cước miền đông Nepal thuộc hai dòng họ Rai và Limbu.

Brunei vốn là thuộc địa của Anh vào thế kỷ 19. Đến năm 1984, Brunei tuyên bố độc lập nhưng vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Anh. Năm 1962, Anh triển khai một tiểu đoàn người Gurkha đến Brunei. Tiểu đoàn này tiếp tục ở lại sau khi Brunei độc lập theo yêu cầu của Brunei và do Brunei trả lương. Tháng 2-2015, thủ tướng Anh và quốc vương Brunei đã ký hiệp ước tiếp tục gia hạn thời gian thuê tiểu đoàn người Gurkha ở Brunei thêm năm năm nữa. Đối với Anh, tiểu đoàn người Gurkha giữ vai trò bảo đảm sự hiện diện của quân đội Anh ở Đông Nam Á, đồng thời bảo vệ các giếng dầu quan trọng của Công ty dầu mỏ Anh Royal Dutch Shell tại Brunei. Sau thời gian tại ngũ, các cựu binh người Gurkha sẽ gia nhập đơn vị bảo vệ quốc vương và hoàng gia vì được trả lương hậu hĩnh.

Đội cận vệ người dân tộc của vị Quốc vương giàu có - 1
Một chiếc xe "độc" Lamborghini Diablo SE30 của quốc vương Brunei - Ảnh: Twitter

Dàn ôtô khủng 5.000 chiếc

Quốc vương Brunei sở hữu hơn 5.000 ôtô hạng sang, trong đó có 531 xe Mercedes-Benz, 367 xe Ferrari, 362 xe Bentley, 185 xe BMW, 177 xe Jaguar, 160 xe Porsche, 135 xe Toyota, 130 xe Rolls-Royce. Ngoài ra còn có các loại xe Aston Martin, Lexus, Land Rover, Jeep, Lamborghini, McLaren F1, Bugatti EB110, Renault 5 Turbo 2, hàng trăm xe môtô, khoảng 50 xe golf. Nếu mỗi ngày ông thay một xe để lái thì phải mất 13 năm mới có thể sử dụng qua một lượt số xe đã tậu. Bộ sưu tập xe của quốc vương theo xu hướng sơn màu vàng. Trong bộ sưu tập có nhiều xe thuộc loại độc quyền thế giới do các hãng Bentley, Mercedes hay Ferrari sản xuất riêng cho ông.

Theo Hoàng Duy Long (Tuổi Trẻ)