Thế giới

Doanh nhân Trung Quốc nghi giúp Triều Tiên lách trừng phạt

Với sự trợ giúp từ chủ một công ty Trung Quốc, Triều Tiên có thể dễ dàng né các lệnh trừng phạt mà nước này hứng chịu.

Với sự trợ giúp từ chủ một công ty Trung Quốc, Triều Tiên có thể dễ dàng né các lệnh trừng phạt mà nước này hứng chịu.

Căn nhà ở khu dân cư Great Neck do Sun Sidong mua. Ảnh: Google Maps.

Một ngôi nhà 5 phòng ngủ ở khu dân cư Great Neck thuộc vùng ngoại ô Long Island, New York, Mỹ, mang phong cách miền nam có giá hiện tại gần 1,3 triệu USD. Nhưng chủ nhân căn nhà, ông Sun Sidong, quốc tịch Trung Quốc, lại có mối liên hệ với hàng loạt công ty Trung Quốc bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt với cáo buộc giúp Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa, theo CNBC.

Theo hồ sơ doanh nghiệp Trung Quốc, Sun Sidong là chủ công ty Dandong Dongyuan Industrial. Công ty này dùng chung một địa chỉ email với một công ty Trung Quốc khác có tên Dandong Zhicheng Metallic Material. Đây là công ty chuyên về xuất khẩu than, bị nghi giúp Triều Tiên né các lệnh trừng phạt.

Công ty than nói trên và "4 công ty liên quan khác" bị các công tố viên Mỹ bí mật theo dõi hoạt động tài chính tại 8 ngân hàng nước này và phong tỏa mọi khoản tiền từ những hoạt động bất hợp pháp được quy định trong các lệnh trừng phạt, theo phán quyết từ tòa án liên bang Mỹ hồi tháng 5.

Phán quyết do thẩm phán quận Washington DC Beryl Howell đưa ra nêu rõ 8 tổ chức tài chính Mỹ gồm: Bank of America, Wells Fargo, BNY Mellon, Citibank, Deutsche Bank, HSBC, JP Morgan Chase và Standard Chartered Bank đã thực hiện các giao dịch bị cấm liên quan tới Triều Tiên có giá trị tổng cộng 700 triệu USD kể từ năm 2009. Tuy nhiên, phán quyết không cáo buộc bất kỳ hành vi vi phạm nào từ các ngân hàng kể trên.

Hôm 22/8, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ thông báo trừng phạt công ty Dandong Zhicheng Metallic Material cùng cổ đông chính của nó vì "cố tình trốn tránh trừng phạt từ Mỹ".

Tên của cổ đông này, ông Chi Yupeng, một doanh nhân Trung Quốc, cũng xuất hiện trong đơn khiếu nại từ Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu trừng phạt công ty Dandong Zhicheng Metallic Material vì hành vi rửa tiền, trong đó có khoản tiền 4 triệu USD bị nghi là rửa cho chính quyền Triều Tiên. Đơn khiếu nại còn cáo buộc các công ty bình phong do Chi Yupeng đứng sau là một trong những thế lực hỗ trợ tài chính lớn nhất cho Bình Nhưỡng. Chi Yupeng từ chối yêu cầu bình luận từ CNBC.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng tịch thu gần 7 triệu USD từ một công ty Singapore với những cáo buộc tương tự. Bộ Tài chính Mỹ trong khi đó đã áp đặt lệnh trừng phạt chống lại 16 cá nhân, tổ chức Trung Quốc và Nga với cáo buộc giúp Triều Tiên né tránh trừng phạt.

doanh-nhan-trung-quoc-nghi-giup-trieu-tien-lach-trung-phat-1

Chi Yupeng. Ảnh: Bohai University.

Mạng lưới tinh vi

Cuộc điều tra của chính phủ Mỹ được Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Nâng cao (C4ADS) hỗ trợ.

Giới chuyên gia nhận định Triều Tiên nhiều năm qua phải hứng chịu áp lực trừng phạt từ quốc tế vì tham vọng hạt nhân và tên lửa, song các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng, chẳng hạn như ít hạn chế hơn so với những biện pháp trừng phạt đã góp phần khiến Iran ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân.

Ngôi nhà của Sun Sidong ở Mỹ là một ví dụ cho thấy hệ thống lách lệnh trừng phạt có thể trải rộng trên toàn cầu, thậm chí tới cả khu ngoại ô sang trọng tại Long Island, theo CNBC. Đó cũng là dấu hiệu thể hiện "hệ thống trừng phạt có đầy lỗ hổng", nhà phân tích an ninh quốc gia từ NBC News Juan Zarate nhận xét.

Các lệnh trừng phạt áp đặt lên Bình Nhưỡng trước đây chủ yếu nhắm vào lĩnh vực công nghệ quân sự, nhưng điều Mỹ cần làm hiện tại là áp dụng những biện pháp trừng phạt rộng hơn, đánh thẳng vào nền kinh tế Triều Tiên, Peter Harrell, cựu phó thư ký phụ trách về chống hiểm họa tài chính và trừng phạt tại Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện cũng đi theo con đường này, phong tỏa Triều Tiên từ nhiều phía, bắt đầu bằng việc nhắm tới những cá nhân, tổ chức Trung Quốc suốt nhiều năm liền được cho là giúp đỡ Triều Tiên tiến hành các hoạt động quân sự.

Thượng nghị sĩ bang Colorado Cory Gardner mới đây đề xuất một dự luật không cho phép các thực thể làm ăn với Triều Tiên sử dụng hệ thống tài chính Mỹ, trong đó bao gồm 10 công ty hàng đầu Trung Quốc chuyên nhập khẩu hàng hóa từ Triều Tiên.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới đánh vào nguồn thu từ xuất khẩu của Bình Nhưỡng. Họ nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu chính từ Triều Tiên như sắt, quặng sắt, than đá, chì, quặng chì hay hải sản, đồng thời gây áp lực lên những ngân hàng hay công ty Triều Tiên liên doanh với nước ngoài.

Viện nghiên cứu C4ADS, chuyên về lĩnh vực an ninh quốc tế, đã sử dụng những phần mềm tinh vi cùng các bản ghi hoạt động kinh doanh để vẽ nên bức tranh mối liên hệ giữa các công ty có liên quan đến Triều Tiên.

Hồi tháng 6, C4ADS đăng một báo cáo với tựa đề "Kinh doanh Rủi ro", cho biết Sun Sidong liên quan đến một mạng lưới có thể đang xuất khẩu những công nghệ mà Triều Tiên sử dụng cho chương trình tên lửa.

Qua phân tích các tài liệu thu thập từ Trung Quốc, C4ADS chỉ ra rằng Sun sở hữu 97% cổ phần tại công ty Dandong Dongyuan Industrial, doanh nghiệp đăng ký buôn bán ôtô, máy móc, tài nguyên thiên nhiên và các dụng cụ gia đình nói chung.

Hồ sơ hải quan cho thấy công ty trên xuất khẩu tới ba quốc gia: Triều Tiên, Congo và Mỹ. Từ năm 2013 đến 2016, Dandong Dongyuan Industrial đã chuyển lượng nguyên liệu trị giá tới 28 triệu USD sang Triều Tiên.

Theo báo cáo từ C4ADS, vào tháng 6/2016, Dandong Dongyuan Industrial gửi sang Triều Tiên một lô hàng thiết bị trợ giúp điều hướng vô tuyến trị giá $800.000. Chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu James Martin về Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân kết luận "hạng mục trên có thể chứa những thiết bị dẫn đường cho tên lửa đạn đạo".

Dữ liệu do công ty chuyên theo dõi các giao dịch thương mại toàn cầu Panjiva tổng hợp cho thấy hơn 60 lô hàng mà công ty của Sun chuyển tới Triều Tiên đều thuộc hạng mục "lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy móc và thiết bị cơ khí".

Việc xây dựng hạng mục như trên do Trung Quốc thực hiện. Chuyên gia nhận định danh sách mặt hàng rộng kiểu như vậy sẽ giúp Triều Tiên né được các lệnh trừng phạt nhằm ngăn nước này nhập khẩu những thiết bị phục vụ mục tiêu phát triển năng lực hạt nhân.

C4ADS cũng liên hệ Sun với vụ vận chuyển một lô hàng vũ khí từ Triều Tiên tới một địa điểm không xác định. Hồi tháng 8/2016, một tàu hàng mang cờ Campuchia bị chính quyền Ai Cập chặn lại khi đang tiến vào kênh Suez. Con tàu chở theo 30.000 khẩu súng phóng lựu, giấu dưới 2.300 tấn quặng sắt.

doanh-nhan-trung-quoc-nghi-giup-trieu-tien-lach-trung-phat-2

Một trong 30.000 khẩu súng phóng lựu chính quyền Ai Cập thu được trong lô hàng vũ khí từ Triều Tiên. Ảnh: UN Security Council Panel of Experts.

Theo tài liệu do NBC News thu thập, một trong các công ty của Sun Sidong sở hữu con tàu từ tháng 4/2012 đến tháng 8/2014. Sau đó, quyền sở hữu được chuyển cho một công ty do Sun Sihong, chị gái Sun Sidong, điều hành.

Năm 2015, Sun đăng ký thành lập công ty Dongyuan Enterprise USA đặt trụ sở tại New York, Mỹ. Ngày 2/3, công ty này nhận một lô hàng "đồ nội thất đã qua sử dụng" từ công ty Dandong Dongyuan Industrial của Sun ở Trung Quốc.

Từ các hoạt động bất thường của Sun, David Johnson, giám đốc điều hành C4ADS, rút ra bài học rằng để ngăn Triều Tiên lách lệnh trừng phạt, nhắm tới các đối tượng đơn lẻ nhưng đóng vai trò mấu chốt có thể là chìa khóa giải quyết vấn đề

"Mạng lưới né tránh trừng phạt của Triều Tiên cũng tồn tại những giới hạn, mang tính tập trung và dễ bị ảnh hưởng", ông Johnson nói. "Chúng ta có thể đánh vào các đầu mối mấu chốt để tạo nên tác động lớn".

Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)