Thế giới

Điều phương Tây sợ nhất: IS sáp nhập al-Qaeda

Mặc dù có thời gian cắn xé lẫn nhau, nhưng 2 tổ chức khủng bố IS và al-Qaeda có nhiều lý do để sáp nhập, và đó sẽ là một thảm họa chưa từng có với Mỹ và các đồng minh.

Mặc dù có thời gian cắn xé lẫn nhau, nhưng 2 tổ chức khủng bố IS và al-Qaeda có nhiều lý do để sáp nhập, và đó sẽ là một thảm họa chưa từng có với Mỹ và các đồng minh.

Thủ lĩnh IS, al-Baghdadi

IS đang bị cô lập, yếu thế, liên tục mất lãnh thổ và cắt nguồn thu từ dầu mỏ. Nhiều người cho rằng rồi tổ chức khủng bố này sẽ biến mất, nhưng nhiều khả năng sẽ có diễn biến trái ngược.

Năm năm trước, al-Qaeda đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập xuất hiện càng khiến cho tổ chức này yếu đi. Vào tháng 4/2012, Phó cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ John O.Brennan tuyên bố al-Qaeda không còn là mối đe dọa. Ngay sau đó, Tổng thống Obama khẳng định mục tiêu đánh bại tổ chức khủng bố khét tiếng đã hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Tuy nhiên mọi thứ đã đổi khác. Vào tháng 2, Giám đốc Tình báo quốc gia James R.Clapper đã vẽ ra bối cảnh không mấy sáng sủa: al-Qaeda hồi sinh song hành với tham vọng phát triển rộng khắp của IS. Theo Clapper, các chi nhánh của al-Qaeda đã ngóc đầu trở lại trong thời gian qua và "sẽ lớn mạnh trong năm 2016, trở thành mối đe dọa lớn ở tầm mức địa phương, khu vực, thậm chí toàn cầu".

Đáng báo động hơn là sự nổi lên của IS, một chi nhánh cũ của al-Qaeda, khi chúng thậm chí còn cực đoan hơn. Mới cách đây chưa lâu, IS chỉ được coi là một nhóm nổi dậy thiểu số, và tham vọng bành trướng của thủ lĩnh Abu al-Baghdadi được nhận xét là 'hoang tưởng'. Và giờ đây, toàn thế giới gần như trong tình trạng báo động.

Với sự phát triển đáng kinh ngạc chỉ trong khoảng thời gian ngắn, có thể trong tương lai sẽ còn nhiều ngạc nhiên. Thực tế, có nhiều dự đoán IS và al-Qaeda sẽ sáp nhập vào năm 2021, hoặc ít nhất sẽ hợp tác theo một dạng nào đó. Dù khó xảy ra ngay trong thời gian tới, các nhà phân tích tình báo đã lo ngại rằng đây chắc chắn là một thảm họa chưa từng có cho Mỹ và các đồng minh.

Dự đoán sai lầm

Osama Bin Laden bị tiêu diệt hồi năm 2011

Mỹ thường khá tự tin trong chính sách chống khủng bố. Chính phủ mặc định rằng khi al-Qaeda và IS chia rẽ thì chắc chắn sẽ tiêu diệt lẫn nhau. Tuy nhiên từ trước tới nay những đánh giá về al-Qaeda hiếm khi chính xác. Kể cả những đánh giá đó đúng, vẫn có nhiều lý do chứng minh mối đe dọa hai nhóm khủng bố sátp nhập hoàn toàn không phải là suy diễn bị cường điệu hóa.

Abu al-Baghdadi rời al-Qaeda trở thành lãnh đạo IS từ ngày 5.7.2014. Đầu tiên là sự tương đồng về ý thức hệ giữa IS và al-Qaeda quan trọng hơn những khác biệt còn lại. Cả hai về cơ bản đều tuân thủ những nguyên tắc mà nhà sáng lập al-Qaeda đã đề ra: bảo vệ các "anh em" Hồi giáo ở những nơi bị đe dọa và có nguy cơ tiêu diệt.

Hiện tại, cả hai nhóm đều tham gia cuộc "thánh chiến" toàn cầu chống lại những kẻ thù, được định nghĩa là những người ngoại đạo, bỏ đạo và nhà nước phương Tây, cùng các nhánh Hồi giáo thiểu số. Cả hai đều chia sẻ quan điểm rằng hệ thống chính phủ phương Tây gây hại tới luật Hồi giáo Sharia, đàn áp tôn giáo và kiểm soát, tước đoạt tài nguyên thiên nhiên, và khiêu khích can thiệp quân sự trong thế giới Hồi giáo.

Thứ hai, khác biệt giữa hai nhóm chủ yếu là lý do cá nhân. Trở ngại lớn nhất là mâu thuẫn và cạnh tranh giữa Baghdadi và Zawahiri, thủ lĩnh hiện tại của al-Qaeda. Cả hai không ưa gì nhau, nhưng vẫn thực hiện các cuộc đánh chiếm nhằm "gột rửa đất Hồi giáo khỏi phương Tây" và mở rộng lãnh thổ. Một trong hai thủ lĩnh chết có thể mở đường cho việc sáp nhập, hay bị chi phối, nhưng dù theo cách nào thì kết quả cũng như nhau.

Cậu bé và tờ 100 USD giả với hình thủ lĩnh tối cao IS

Thứ ba, thực tế Baghdadi sử dụng "cẩm nang" của al-Qaeda, viết bởi chiến lược gia của nhóm này, Saif al Adl, trong mọi hoạt động của IS, và từng loan báo về "Sự phục sinh của Nhà nước Hồi giáo" hồi năm 2014.

"Cẩm nang" vốn để chỉ dẫn hoạt động của al-Qaeda theo những giai đoạn 3 năm, bắt đầu từ năm 2000. Theo đó, "giai đoạn phục hồi" 2010-2013 là để al-Qaeda ổn định dần, nhưng đã bị ảnh hưởng bởi Mùa xuân Ả Rập. Các cuộc nổi dậy khắp nơi khiến mục tiêu thành lập "nhà nước" cho giai đoạn 2013-2016 bị ảnh hưởng và khó có thể tiến hành Cuộc chiến toàn cầu (2016-2020) cuối cùng là Đại thắng (2020-2022). Và IS chính là nhóm đang theo lộ trình này.

Lý do cuối cùng để hai nhóm khủng bố hợp nhất là hành vi và lời nói của mỗi bên. Dù coi Zawahiri và al-Qaeda đã đi quá xa sứ mệnh ban đầu, IS tự mô tả như kẻ kế thừa tư tưởng và tỏ ra hết sức tôn sùng Bin Laden, và việc đề cập tới những "con nhang" bao gồm lính tráng, các tiểu vương từng theo chân Bin Laden một cách tích cực cũng có thể khiến căng thẳng được xoa dịu.

Về phần mình, Zawahiri khá cẩn trọng, dường như vẫn còn hy vọng hòa giải. Trong tuyên bố hồi tháng 9.2015, Zawahiri không nói cụ thể mà chỉ khẳng định "đứng bên những chiến binh thánh chiến dù họ không công bằng, vu khống, phá vỡ giao ước để chiếm lấy quyền cai trị cho riêng mình".

Vấn đề nhức nhối

Osama bin Laden và cố vấn Ayman al-Zawahiri hồi năm 2001.

Trong suốt một thập kỷ rưỡi, al-Qaeda đã dựng lên mạng lưới thánh chiến ngày càng trở nên lớn mạnh, bất chấp những nỗ lực của phương Tây vì đã có những đánh giá sai lầm khả năng thay đổi, thích ứng và tái sinh của kẻ thù. Hiện phương Tây đang phải đối mặt với tổ chức khủng bố phức tạp và phát triển theo cấp số nhân rất khó để kiểm soát.

Những tuyên bố của Mỹ cho rằng al-Qaeda sắp trên bờ vực diệt vong đã tồn tại quá lâu, hơn cả thời gian cường quốc này cần để đánh bại phát xít Đức và đế quốc Nhật vào thế kỷ trước, cho thấy thất bại trong chiến lược.

Khó có thể tưởng tượng rằng tương lai sẽ ra sao nếu như IS và al-Qaeda cùng mạng lưới khủng bố liên kết lại. Các sự kiện có tổ chức bởi chúng sau đó sẽ đem lại hậu quả khôn lường cho an ninh toàn cầu. Như đã biết, IS vẫn tồn tại qua bao đợt tấn công sử dụng vũ khí hạng nặng và công nghệ cao, thậm chí còn thực hiện những đợt tấn công kinh hoàng như Paris hồi tháng 11.2015 hay Brussels tháng 3 vừa rồi. Khả năng nhóm này sát nhập, hoặc thâu tóm al-Qaeda rất đáng cân nhắc.

Theo Mẫn Di (Dân Việt)