Thế giới

Điểm lại một vài câu chuyện kể về con người làm thế nào vẫn có thể tồn tại trong những hoàn cảnh khắc nghiệt đến kinh hoàng

Mất điện, thiếu nước hay khó khăn hơn nữa vẫn không thể thể làm ý chí sinh tồn của con người bị suy giảm. Những trường hợp tưởng chừng như đã cận kề với cái chết dưới đây cho thấy lòng kiên trì, sự quyết tâm hay ý chí khát khao sống vẫn có thể giúp con người đối mặt với những tình huống đáng sợ hơn nữa.

Đó là những câu chuyện kể lại về quá trình đấu tranh và sức mạnh ý chí của con người để chống lại với hoàn cảnh khắc nghiệt và đạt được sự thành công.

Hành trình sống sót thần kỳ của đoàn thám hiểm Ernest Shackleton

Điểm lại một vài câu chuyện kể về con người làm thế nào vẫn có thể tồn tại trong những hoàn cảnh khắc nghiệt đến kinh hoàng
Đoàn thám hiểm Nam Cực của Ernest Shackleton. Ảnh: Getty Images

Tàu HMS Endurance rời South Georgia tới Nam Cực ngày 5/12/1914, chở theo 27 người, 69 con chó, một con mèo. Mục đích của trưởng đoàn thám hiểm Shackleton là thiết lập một căn cứ ở bờ biển Weddell ở Nam Cực. Ông đã hai lần không thể tới được Nam Cực. Từ một đoàn thám hiểm nhỏ, họ đi qua biển Ross, phía Nam New Zealand. Tại đây, một nhóm khác đang chờ họ để đưa thực phẩm và nhiên liệu.

Hai ngày sau khi rời South Georgia, tàu HMS Endurance vào vùng băng nổi – lớp chướng ngại vật gồm các tảng băng biển dày vây quanh Nam Cực. Trong vài tuần, con tàu lần đường đi qua các tảng băng nổi, tiến về hướng Nam. Nhưng vào ngày 18/1, một cơn bão phía bắc đã thổi dạt đám băng vào đất liền, khiến chúng lèn chặt vào nhau. Đột nhiên, HSM Endurance không có lối thoát, tiến không được mà lùi cũng không xong. 

Đoàn thám hiểm còn phải đi một ngày nữa là tới điểm dừng, nhưng giờ họ bị đám băng đẩy từ từ ra ra hơn mỗi ngày. Họ không thể làm gì ngoài chờ đợi mùa đông qua. Theo một bác sĩ trên tàu tên là Alexander Macklin, Shackleton không giận dữ chút nào, cũng không tỏ dấu hiệu thất vọng dù nhỏ nhất. Ông bảo cả đoàn bình tĩnh, chờ mùa đông qua, giải thích cho họ nghe về nguy hiểm và các khả năng có thể xảy ra. Ông không mất tinh thần lạc quan và bắt tay chuẩn bị cho mùa đông.

Tuy nhiên, khi ở riêng với thuyền trưởng Frank Worsley vào một tối mùa đông, Shackleton đã dự báo điềm gở, nói rằng con tàu không thể ở trong điều kiện này. Có thể mất vài tháng, vài tuần hoặc vài ngày, nhưng một khi đã bị kẹt vào băng thì không thể thoát ra được.

Điểm lại một vài câu chuyện kể về con người làm thế nào vẫn có thể tồn tại trong những hoàn cảnh khắc nghiệt đến kinh hoàng - 1
Nỗ lực giải thoát tàu HMS Endurance khỏi băng vào tháng 2/1915. Ảnh: Getty Images

Trong khoảng thời gian từ lúc từ bỏ tàu HMS Endurance cho tới lúc chứng kiến băng nuốt trọn con tàu, thủy thủ đoàn đã tìm cách giữ lại càng nhiều lương thực dự trữ càng tốt và hy sinh bất kỳ cái gì có thể khiến con tàu nặng thêm hoặc tiêu tốn nguồn lực quý giá như kinh thánh, sách, quần áo, dụng cụ, đồ lưu niệm. Một số con chó nhỏ không thể kéo đồ cũng bị bắn. Con mèo cũng chịu chung số phận.

Kế hoạch ban đầu của nhóm là di chuyển qua vùng băng tiến về đất liền, nhưng kế hoạch bị hủy bỏ sau khi thủy thủ đoàn chỉ gắng sức đi được 12km trong 7 ngày. Shackleton viết: “Không có lựa chọn nào khác ngoài việc việc cắm trại trên một tảng băng trôi một lần nữa và phải kiên nhẫn hết sức có thể để chờ điều kiện thuận lợn hơn nhằm thoát khỏi khu vực”.

Điểm lại một vài câu chuyện kể về con người làm thế nào vẫn có thể tồn tại trong những hoàn cảnh khắc nghiệt đến kinh hoàng - 2
Khuôn mặt của Cecil Thomas Madigan, một nhà khí tượng học, gần như bị bao phủ bởi sương giá ở Nam Cực. 

Dần dần, tảng băng dạt xa hơn về phía bắc và ngày 7/4/1916, thủy thủ đoàn nhìn thấy đỉnh phủ tuyết của đảo Clarence và Elephant, dấy lên hy vọng. Ngày 9/4, tảng băng đã vỡ, tách đôi sau tiếng nứt mạnh bên dưới. Shackleton ra lệnh phá trại, hạ thuyền. Họ đã không còn ở trên tảng băng vừa là bạn vừa là thù nữa. Giờ họ có kẻ thù mới phải đối mặt: đại dương bao la. Trong suốt thời gian đó, thuyền trưởng Worsley đã chèo lái thuyền qua sóng gió. Sau 6 ngày lênh đênh trên sóng dữ, đảo Clarence và Elephant hiện ra đằng xa, cách chừng 48km. Toàn đội kiệt sức. Tới lúc đó, thuyền trưởng Worsley đã không ngủ 80 tiếng liền. Một số kiệt quệ vì say sóng, một số lại bị kiết lỵ hành hạ. Ít nhất một nửa đoàn thám hiểm đã không còn tỉnh táo. Dù vậy, họ vẫn quyết tâm chèo thuyền tới mục tiêu và vào ngày 15/4, họ đã tới bờ đảo Elephant.

Đây là lần đầu tiên họ ở trên mảnh đất khô ráo từ khi rời South Georgia 497 ngày trước. Tuy nhiên, thử thách còn lâu mới kết thúc. Khả năng có ai đó đi tàu ngang qua đảo Elephant mờ nhạt dần. Sau 9 ngày hồi phục và chuẩn bị, Shackleton, Worsley và 4 người nữa khởi hành trên tàu cứu sinh James Caird để tìm kiếm giúp đỡ từ trạm săn cá voi ngoài khơi South Georgia, cách đó gần 1.300km.

Điểm lại một vài câu chuyện kể về con người làm thế nào vẫn có thể tồn tại trong những hoàn cảnh khắc nghiệt đến kinh hoàng - 3
Kéo tàu cứu sinh James Caird trên băng tháng 11/1915. Ảnh: Getty Images

Trong 16 ngày liền, họ vượt sóng to gió lớn, liên tục phải múc nước ra khỏi tàu và đập băng đóng vào cánh buồm. Con tàu bị quăng lên vật xuống trên sóng lớn, dưới bầu trời xám xịt. Vào một ngày, gió biển dường như thổi nhẹ hơn và họ đã cập bờ. Họ gần như sắp tìm được người hỗ trợ nhưng bão lại đẩy tàu James Caird ra xa và họ đã dạt vào phía bờ đối diện với trạm săn cá voi. Shackleton, Worsley và một người tên là Tom Crean đành đi bộ, vượt núi, vượt sông băng, đi qua những nơi con người chưa từng đặt chân tới. Sau 36 tiếng đi bộ mệt mỏi, họ đã lê bước tới trạm săn cá voi ở Stromness.

Sau khi đón ba thành viên trên tàu James Caird, mọi người dồn chú ý vào cuộc giải cứu 22 thành viên còn lại trên đảo Elephant. Trong khi đó, cứ mỗi sáng trên đảo Elephant, Frank Wild, người mà Shackleton giao nhiệm vụ quản lý nhóm, đều kêu gọi mọi người chuẩn bị sẵn sàng vì Shackleton có thể tới hôm nay. Ngày qua ngày, các thành viên trên đảo ngày càng mất tinh thần và hoài nghi. Nhiều người đã từ bỏ hy vọng có tàu tới cứu.

Ngày 30/8/1916, chuỗi ngày gian khổ của nhóm thám hiểm đã chấm dứt. Nhóm người trên đảo Elephant đang ngồi gặm xương sống hải cẩu luộc trong bữa trưa thì họ nhìn thấy tàu Yelcho ngoài khơi. Đã 128 ngày kể từ khi tàu James Caird rời đi. Trong vòng một tiếng, tàu Yelcho xuất hiện. Toàn bộ những người trên đảo đã nhổ trại và rời đảo Elephant. 20 tháng sau khi khởi hành tới Nam Cực, mọi thành viên thủy thủ đoàn của tàu HMS Endurance còn sống sót và an toàn.

127 giờ sinh tử: Câu chuyện của nhà leo núi trẻ phải uống nước tiểu và cắt lìa cánh tay để tự giải thoát mình khỏi cái chết trong đau đớn và cô độc

Điểm lại một vài câu chuyện kể về con người làm thế nào vẫn có thể tồn tại trong những hoàn cảnh khắc nghiệt đến kinh hoàng - 4
Aron Ralston vào năm 2003, trước khi chinh phục Bluejohn Canyon.

Aron Ralston sinh năm 1975, lớn lên ở vùng ngoại ô Indianapolis, bang Indiana, Mỹ. Anh là một sinh viên sáng dạ, sau tốt nghiệp đã chuyển đến Arizona sống để làm việc cho tập đoàn Intel. Mặc dù làm việc trong môi trường chuyên nghiệp như thế nhưng sự hấp dẫn từ những hoạt động ngoài trời quá mạnh mẽ nên cuối cùng chàng trai trẻ quyết định nghỉ việc, sống với đam mê sở thích của mình. Anh chuyển đến Aspen, ở Colorado Rockies để tiện cho các hoạt động đi bộ, trượt tuyết và đạp xe. Mục tiêu của Aron là trở thành người đầu tiên một mình chinh phục 55 ngọn núi ở bang Colorado trong mùa đông, trong đó ngọn núi cao nhất là 4270m. 

Đến mùa xuân 2003, mục tiêu của anh vẫn chưa hoàn thành vì tuyết đã tan hết, anh phải chờ tới mùa đông tiếp theo mới tiếp tục chinh phục thử thách khó nhằn này. Trong lúc đó, hẻm núi BlueJohn Canyon lại lọt vào mắt xanh của kẻ luôn có sẵn “máu leo núi” như Aron. Nói là làm, ngày 25/4/2003, Aron Lee Ralston lái xe bán tải về phía đông nam Utah, khám phá Công viên quốc gia Canyonlands, ngủ qua đêm trên ô tô. Đến sáng ngày 26/4/2003, anh dừng xe trước lối vào công viên. Sau vài phút chuẩn bị, Aron một mình một xe đạp với chiếc ba lô nhỏ sau lưng, mon theo đường mòn đạp một mạch 15 km đến hẻm núi Bluejohn Canyon. Tại đó, Ralston dựng xe đạp cạnh cây bách và rảo bước bắt đầu hành trình khám phá. 

Điểm lại một vài câu chuyện kể về con người làm thế nào vẫn có thể tồn tại trong những hoàn cảnh khắc nghiệt đến kinh hoàng - 5
Một phần hẻm núi Bluejohn Canyon, nơi Aron Ralston gặp nạn.

Chính vì dự định không đi quá xa và quá lâu nên trong ba lô của Aron chỉ có bánh burritos, một bình nước 4 lít, vài thanh kẹo, 1 bộ bông băng sơ cứu, 1 máy quay video, 1 máy chụp hình, 1 con dao đa năng, cuộn dây thừng và móc leo núi chuyên dụng. Anh nói sẽ mất khoảng 4 tiếng để vượt qua hem núi Bluejohn Canyon. Theo một cộng đồng leo núi, hẻm núi ở đây cần có những kỹ năng đặc biệt thì mới chinh phục được, về phần mình Ralston nói “đã quen với những địa hình nguy hiểm hơn như thế rất nhiều, nên việc này chỉ giống như là đi bộ bình thường qua hẻm núi mà thôi”.

11 giờ trưa, anh chàng lên tới đỉnh hẻm núi Bluejohn Canyon, trước mặt Aron Ralston là một cái khe dài hơn 60m, sâu 23m và bề ngang khoảng 1m. Khi anh vừa nhảy sang bên kia, đứng lên một hòn đá nhìn khá vững chắc thì bỗng nhiên trượt chân rơi xuống vực sâu, tảng đá “chắc chắn” nặng khoảng 360 kg đó cũng bị đánh bật theo rơi xuống đè trúng tay phải Ralston, khiến anh bị kẹp cứng không thể nào rút ra được. Đau đớn nhưng anh vẫn cố gắng tìm cách thoát ra, anh dùng chiếc dao đa năng bé của mình tuyệt vọng đâm cho sứt tảng đá với hi vọng nó sẽ vỡ, chưa hết, Aron còn dùng mấy chiếc móc và sợi dây thừng buộc vòng qua rồi lấy hết sức để dịch chuyển nhưng cũng chẳng có gì nhúc nhích. 

Điểm lại một vài câu chuyện kể về con người làm thế nào vẫn có thể tồn tại trong những hoàn cảnh khắc nghiệt đến kinh hoàng - 6
Ralston đang nói lời trăn trối với gia đình và bạn bè (ảnh cắt từ video)

Ngày đầu tiên trôi qua, Aron Ralston ăn nửa chiếc bánh, uống 1 lít nước. Anh vẫn giữ niềm tin là sẽ có người đi ngang qua và anh sẽ được cứu nhưng chẳng có ai đến cả, đêm đó anh đã biết như nào là cô độc. Sang ngày thứ 2, thứ 3 rồi thứ 4, tình trạng ngày càng một xấu đi, tay phải anh đã bắt đầu hoại tử, sau khi thử đủ mọi cách để cứu mình thì giờ đây Ralston đã kiệt sức, thức ăn cũng hết. Đôi lúc anh mê sảng, trong đầu bỗng xuất hiện những đoạn tự thoại, một người khuyên anh từ bỏ rằng hãy tự sát đi, đây sẽ là nấm mồ của anh, còn một người thì luôn nhắc nhở anh phải tìm cách tỉnh táo, không được hoảng sợ hay từ bỏ.

Bước sang ngày thứ 5, khi nước không còn, Aron buộc phải uống nước tiểu, cánh tay chả còn cảm giác gì nữa khi bị tảng đá chèn lên. Hôm ấy, anh gần như đã tìm được “bình yên” khi biết mình chẳng còn cơ hội sống sót, chiếc máy quay để trong ba lô đã tới lúc dùng tới. Anh quay và kể lại việc gặp tai nạn, hồi tưởng lại những khoảnh khắc với gia đình, người yêu bạn bè, sau cùng là lời xin lỗi cha mẹ, vĩnh biệt mọi người. Con dao anh dùng để khắc ngày tháng năm sinh, tên tuổi, số điện thoại người thân lên đá.

Đêm hôm đó, trong cái lạnh 3 độ C, sự cô độc cùng cơn mê man, anh thấy trong đầu cảnh tượng mình bị cụt cánh tay phải, chơi đùa với một đứa trẻ gọi anh là bố. Khi tỉnh dậy vào sáng ngày thứ 6, anh tin chắc chắn đó là tương lai, điều này lại thôi thúc anh cần phải hành động ngay lập tức, thời gian hết rồi.

Quyết định sống còn của Aron là sẽ tự cắt đứt cánh tay phải bị kẹt để giải thoát mình. Anh lấy dây thừng buộc chặt phần trên khuỷu tay để cầm máu, rồi dùng con dao cùn cắt bỏ phần da chết dưới khuỷu tay. Vì tay đã hoại tử từ mấy hôm nên anh chẳng cảm thấy gì. Da, thịt, cơ và gân đều không vấn đề gì nhưng xương vẫn dính với nhau nên chẳng giải quyết được vấn đề. Lúc này, Aron quyết định tự bẻ gãy xương tay để thoát thân dù vô cùng đau đớn nhưng đó là cái giá tất yếu anh phải trả để đổi lại mạng sống!

Sau khi thoát khỏi tảng đá, anh tụt xuống đáy vực rồi theo ngách đi ra ngoài. Đến đây dù chẳng còn sức nhưng hi vọng được cứu và được sống đã giúp đôi chân anh bước tiếp, vượt qua hơn 8km trong tình trạng sức khỏe suy kiệt để tới được xe. Đi được 1 đoạn thì Aron gặp một gia đình người Hà Lan, họ ngay lập tức nhận ra bởi trước đó đã được thông báo về sự mất tích của anh. Ông chồng đã cho Aron bánh và nước để ăn còn người vợ lấy xe đưa anh đi cấp cứu.

Điểm lại một vài câu chuyện kể về con người làm thế nào vẫn có thể tồn tại trong những hoàn cảnh khắc nghiệt đến kinh hoàng - 7
Aron Ralston xuất hiện sau tai nạn. Ảnh: CASKEY/REUTERS

May mắn đã mỉm cười với anh chàng này khi trực thăng tuần tra của cảnh sát bay gần đó, bà Monique Meijer lập tức ra hiệu vẫy gọi. 20 phút sau, Ralston được đưa đến bệnh viện Moab. Các bác sĩ cho biết nếu không được cứu thì nạn nhân sẽ chết sau khoảng 2 giờ đồng hồ nữa vì 38% lượng máu trong cơ thể đã mất.

QT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/nhung-cau-chuyen-ke-ve-con-nguoi-lam-the-nao-van-co-the-ton-tai-trong-nhung-hoan-canh-khac-nghiet-den-kinh-hoang-d166024.html