Thế giới

Đem quốc bảo F-35 đánh Syria, Mỹ mong 'được cả tiếng lẫn miếng': Coi chừng mất sạch

Nếu thành công trong chiến dịch không kích, F-35 không những khôi phục danh tiếng mà còn được mua thêm. Tuy nhiên, chưa chắc phòng không Nga-Syria sẽ cho Mỹ thảnh thơi như đi chợ.

Diễn biến Syria những ngày qua tiếp tục căng thẳng khi Mỹ tăng cường binh lực tới Trung Đông. Hôm 12/9, tàu khu trục USS Bulkeley (DDG-84) của Hải quân Mỹ đã đi vào Địa Trung Hải qua Eo biển Gibraltar.

Với sự xuất hiện của con tàu này, lực lượng Mỹ tại Địa Trung Hải bố trí tại đây 200 quả tên lửa hành trình Tomahawk sẵn sàng khai hỏa vào các mục tiêu ở Syria nếu được lệnh.

Đáng chú ý, trước đó, Hải quân Mỹ đã triển khai tới khu vực Trung Đông tàu tấn công đổ bộ USS Essex chở đầy tiêm kích tàng hình F-35.

Theo Business Insider, mặc dù USS Essex vẫn hoạt động phía bên kia Kênh đào Suez, đối diện với hạm đội tàu chiến Nga triển khai ở biển Địa Trung Hải nhưng đây là loại tàu có tốc độ di chuyển rất nhanh.

Hơn nữa, các máy bay F-35 biên chế cho Essex có thể bay cách xa tàu sân bay tác chiến đổ bộ này khoảng 550 dặm (885 km) ở chế độ tàng hình khiến các hệ thống phòng không của đối phương rất khó phát hiện.

Như vậy, không loại trừ khả năng ngoài việc sử dụng Tomahawk, Mỹ có thể sẽ đem cả F-35 tiến hành các phi vụ không kích nằm sâu trong lãnh thổ Syria. Dĩ nhiên, Washington không phải là đã hết máy bay mà phải chọn F-35, họ làm vậy chắc hẳn là mong "được cả tiếng lẫn miếng".

Đánh tốt là thành "sao"

F-35 là một máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 do Lockheed Martin phát triển cho Không quân, Hải quân Mỹ. Nó được xem là một phương án nhằm hỗ trợ các nước đồng minh của Mỹ một loại máy bay tàng hình khi mà F-22 không được phép xuất khẩu.

Có giá đắt "khủng" 120-140 triệu USD tùy phiên bản, tưởng như F-35 sẽ đem lại tính năng cao cấp đáng mơ ước cho bất kỳ lực lượng không quân nào. Thế nhưng, những trục trặc kỹ thuật phát sinh trong quá trình phát triển, thử nghiệm, thậm chí tới lúc trang bị đã khiến dòng máy bay này bị chính Quân đội Mỹ kêu ca.

Đem quốc bảo F-35 đánh Syria, Mỹ mong 'được cả tiếng lẫn miếng': Coi chừng mất sạch
F-35B chuẩn bị cất cánh trên tàu tấn công đổ bộ.

Đồng thời, chiếc máy bay "lắm tiền lắm tật" cũng để lại "vết nhơ" lớn trên thị trường xuất khẩu. Có thời điểm, các đồng minh Mỹ đã bày tỏ ý định từ bỏ chương trình F-35. Mặc dù, sau đó mọi khúc mắc được giải quyết nhưng rõ ràng các vấn đề của loại máy bay này đã ảnh hưởng lớn tới niềm tin của các "thượng đế".

Cho nên, việc phô diễn F-35 trong một cuộc chiến thực sự là cơ hội tốt để quảng cáo tính năng của dòng tiêm kích tàng hình này. Bên cạnh đó, nó cũng mở ra cơ hội xuất khẩu lớn hơn cho mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này.

Đừng đùa với Nga-Syria, coi chừng mất sạch đấy!

Tuy nhiên, người Mỹ nếu muốn sử dụng F-35 để không kích các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Syria cũng phải cân nhắc cẩn thận nếu không muốn "mất cả chì lẫn chài".

Bởi lẽ, lực lượng quân sự Nga bố trí trên Địa Trung Hải và đất liền Syria có đủ trang bị để phát hiện các máy bay tàng hình. Dẫu rằng Nga không thể tùy tiện tấn công các máy bay chiến đấu Mỹ, thế nhưng họ có thể cung cấp dữ liệu mục tiêu cho Quân đội Syria.

Đem quốc bảo F-35 đánh Syria, Mỹ mong 'được cả tiếng lẫn miếng': Coi chừng mất sạch - 1
Tên lửa S-125 (SA-3) của Syria đã được nâng cấp hiện đại.

Và chắc không cần phải nhắc cho Washington rằng, Nga nhiều lần tiết lộ họ đã thực hiện việc nâng cấp hệ thống phòng không cũ cho Quân đội Syria. Bên cạnh đó, Damascus cũng sở hữu một số vũ khí mới như các tổ hợp Buk-M2E, Pantsir-S1.

Tuy tầm bắn hạn chế hơn so với tên lửa S-300, S-400 nhưng Buk-M2E hoàn toàn có thể trở thành "thần chết đi rước F-35" nếu được sử dụng một cách hợp lý.

Lưu ý rằng, trong cuộc chiến tranh Kosovo 1999, lực lượng phòng không Nam Tư đã dùng tên lửa S-125 Pechora lỗi thời bắn hạ máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên trên thế giới F-117 của Mỹ.

Trong chiến tranh mọi thứ đều có thể xảy ra, đôi khi các loại vũ khí cũ nếu được khai thác một cách hợp lý hoàn toàn có thể "vít cổ" các mẫu máy bay mới nhất.

Mỹ từng nhận nhiều bài học trong các cuộc chiến tranh mà nước này gây ra trên khắp thế giới nên chắc chắn hiểu và nhớ điều này.

F-35 biên chế cho tàu Essex là phiên bản cất cánh đường băng ngắn - hạ cánh thẳng đứng được phát triển để trang bị cho các tàu tấn công đổ bộ với đường băng chật hẹp.

Ngoài thay đổi ở động cơ phù hợp với khả năng đặc biệt này, phiên bản F-35B hầu như sở hữu tính năng tương tự F-35A và F-35C.

Nó đạt tốc độ tối đa Mach 1,6 tức là 1.930km/h, tầm bay tối đa 2.200km. Tải trọng vũ khí lên tới 8,1 tấn nhưng thực tế nếu muốn đảm bảo khả năng tàng hình thì máy bay chỉ mang được 2,59 tấn trong khoang vũ khí thân.

Theo Chỉ Nhàn (Soha/Thời Đại)