Thế giới

Dấu hiệu có thể chứng tỏ Triều Tiên không thử bom nhiệt hạch

Dựa vào các bằng chứng khoa học và lý thuyết, có thể xác định Triều Tiên có thử bom nhiệt hạch (bom H) vào hôm qua hay không.

Dựa vào các bằng chứng khoa học và lý thuyết, có thể xác định Triều Tiên có thử bom nhiệt hạch (bom H) vào hôm qua hay không.

Ảnh chụp vệ tinh khu thử hạt nhân của Triều Tiên, Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong. Ảnh: Digital Globe

 
Vào khoảng 1h30 (GMT)  ngày 5/1, hơn hai chục trạm giám sát ở Bắc Mỹ, châu Á, và châu Âu ghi nhận một cơn địa chấn 5,1 richter. Sau khi sử dụng phương pháp tam giác đạc, các chuyên gia đã xác định được nơi phát ra chấn động, là một vùng cao nguyên phía đông bắc của Triều Tiên. Thời điểm phát ra cơn địa chấn gần với thời điểm mà nước này tuyên bố đã thử nghiệm thành công quả bom nhiệt hạch đầu tiên.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chấn động có thể không phải do nổ bom H gây ra. Trong lịch sử không hiếm lần Triều Tiên phóng đại những tuyên bố quân sự của mình để đạt được các mục đích chính trị.

Triều Tiên đã kích nổ thiết bị hạt nhân ít nhất ba lần trong quá khứ. Dựa trên phân tích, hầu hết các chuyên gia tin rằng những thử nghiệm trước đây là bom nguyên tử (bom A), không phải bom H.

Do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không cho thanh tra quốc tế tới gần các địa điểm thử nghiệm, chỉ có thể kiểm tra thực hư trong tuyên bố thử bom H của họ bằng cách phân tích dữ liệu thu thập từ một hệ thống cảm biến đặt trên toàn cầu, về chấn động và các chất khí sinh ra sau vụ nổ.

Bom A phát nổ dựa trên phản ứng chia tách hạt nhân các nguyên tử nặng (thường là plutonium hay uranium đã được làm giàu), với sức công phá lớn đủ để san bằng thành phố như Hiroshima hay Nagasaki trong quá khứ, làm khoảng 200.000 người thiệt mạng.

Bom H dựa trên phản ứng tổng hợp hạt nhân, như phản ứng đang diễn ra trên Mặt Trời, cho năng lượng hủy diệt lớn hơn bom A nhiều lần. Một quả bom H là một quả bom "kép", vì nó cần một quả bom A để kích hoạt phản ứng tổng hợp hạt nhân xảy ra. Mỹ thử nghiệm quả bom H đầu tiên vào năm 1952, trên một đảo san hô ở Thái Bình Dương. Nó có sức công phá mạnh hơn quả bom thả xuống Nagasaki 500 lần. Bom H ngày nay mạnh hơn thế ít nhất hai lần. Đây là lý do vì sao tất cả đều hoảng hốt trước thông tin thử nghiệm bom H của Triều Tiên.

Sóng địa chấn

Để kiểm nghiệm tính xác thực của tuyên bố này, trước tiên các nhà khoa học kiểm tra dữ liệu về địa chấn, với giả thiết Triều Tiên cho nổ dưới lòng đất. Phân tích các đặc điểm cụ thể của năng lượng địa chấn là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc tìm ra chính xác nguyên nhân đã làm dịch chuyển vỏ Trái Đất.

"Khi một tảng đá bị nén hay kéo giãn, nó sinh ra sóng cơ học giống như âm thanh", Terry Wallace, Phó Giám đốc của tổ chức Global Security nói. Wallace đồng thời là một nhà địa chấn học, chuyên giải quyết những bí ẩn về địa chính trị bằng cách nghiên cứu các dấu hiệu trên mặt đất.

Những vụ nổ, phun trào núi lửa và sụp đổ ngầm trong lòng đất thường ép vào đá, tạo ra sóng dọc (sóng P). Động đất lại thường tạo ra sóng ngang (sóng S) khi hai lớp đá trượt qua nhau. Địa chấn kế ghi lại các chấn động theo ba chiều, cho biết thông tin về loại sóng được phát ra.

Một vụ nổ dưới lòng đất sẽ đẩy các lớp đá đi cùng một lúc, chủ yếu tạo ra sóng S. Tuy nhiên, để tránh nhiễu tín hiệu thu được do phản xạ, khúc xạ hay thay đổi nhiệt độ trong lòng Trái Đất, các nhà địa chấn học phải lấy dữ liệu từ nhiều cảm biến. Cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các vụ nổ nguyên tử, Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) hiện có 42 trạm ghi địa chấn được chứng nhận trên toàn cầu (cộng với hơn 100 trạm phụ). Ngoài Nga, Nhật, cả Mỹ cũng theo dõi các sự kiện diễn ra ở Triều Tiên.

Tuy nhiên, sau khi ghi lại được mức cường độ 5,1 magnitude, các nhà khoa học cũng chưa thể xác định được nguyên nhân gây ra là vũ khí hạt nhân hay không. "Năng lượng hạt nhân phát ra trong một thời gian ngắn hơn", Wallace nói, với dữ liệu thể hiện trên địa chấn kế. Nhưng nếu có đủ thuốc nổ TNT hoặc thuốc nổ thông thường khác, một quốc gia có thể tạo ra một vụ nổ giống hạt nhân.

Manh mối phóng xạ

Ngoài các thiết bị đo địa chấn, CTBTO còn có các trạm phát hiện hạt nhân phóng xạ rải rác khắp nơi trên thế giới. Các trạm này sẽ phát hiện phóng xạ bằng cách hút không khí tại nơi đặt qua một màng lọc rồi qua một máy đếm bức xạ. Loại bụi thu được cùng tính phóng xạ của chúng sẽ cung cấp nhiều đầu mối về loại bom được thử nghiệm. Tuy nhiên, do nhiệt độ của một vụ nổ bom H là rất lớn, phần lớn vật chất dạng hạt, bụi sinh ra đều bị đốt cháy. Do đó, các máy dò tìm dấu hiệu bom H thường truy tìm dấu hiệu của các chất khí, như Xenon.

Đây là một chất khí trơ, không có phản ứng hóa học với các chất khác, chúng chỉ phân rã kiểu phóng xạ. Và tốc độ phân rã sẽ cho thông tin chính xác về tuổi của các nguyên tử Xenon. Ví dụ, vào năm 2013, sau một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, một bộ cảm biến của Nhật đã đo được tuổi của Xenon sinh ra là 55 ngày, đúng ngày thử hạt nhân. Tất nhiên, bom H có các dấu hiệu về các chất khí này khác với bom A, và những sự khác biệt này đều là bí mật quốc gia.
 

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho hay tâm chấn nằm ở thị trấn Sungjibaegam, tỉnh Ryanggang. Đồ họa: CBS NEWS

 
Ngoài ra, các nhà phân tích còn có thể dựa vào thời tiết. Ở vụ thử hạt nhân 2013 nêu trên, khi cảm biến ở Nhật đo được lượng Xenon tăng vọt, một mô hình lưu thông không khí đã truy ngược lại được nguồn phát ra là Punggye-ri, cũng là nơi phát ra cơn địa chấn mới đây. Theo Wired, có thể máy bay từ Mỹ cùng các cường quốc khác đã bay tới Punggye-ri để tìm hiểu. Tuy nhiên, nếu các vụ nổ thực sự diễn ra trong lòng đất, sẽ rất khó để các máy dò đặt trên mặt đất thu được các phân tử khí phát ra.

Các quan chức Mỹ dự đoán có thể họ sẽ tìm thấy dấu hiệu của một loại vũ khí không hẳn là bom A kiểu cũ hay bom H. Nó là một loại vũ khí lai giữa hai loại trên. Thay vì sử dụng hydro, loại bom này sử dụng tritium và deuterium, các đồng vị nặng của hydro để làm tăng nhiệt độ và năng lượng hủy diệt. Sức công phá của nó mạnh hơn bom A nhưng không bằng bom H.

Nguy cơ

Theo các hiệp ước quốc tế mà Triều Tiên không ký kết, không quốc gia nào được kích nổ một trong hai bom trên. 

"Tuyên bố thử hạt nhân của Triều Tiên là một hành động khiêu khích nghiêm trọng, đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế, và phải được đáp trả bằng hành động cứng rắn cùng các nỗ lực cụ thể để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng", Bob Menendez  nói trong bài kêu gọi trừng phạt Triều Tiên.

Ông là thượng nghị sĩ của Đảng Dân chủ và thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cũng là tác giả của Đạo luật năm 2015 trừng phạt Triều Tiên.

Các mối bận tâm thực sự là liệu Triều Tiên có thể thả một quả bom nguyên tử vào nước khác hay không. Họ sẽ cần một phương tiện mang bom, có thể là một quả tên lửa, những thiết bị có thể đất nước này chưa có.

Ngay cả khi chế tạo thành công bom H, các kỹ sư của Triều Tiên vẫn chưa thiết kế thử nghiệm được một "thiết bị quay trở lại" để có thể bảo vệ các đầu đạn hạt nhân từ nhiệt sinh ra do ma sát với khí quyển khi tên lửa từ trên không đáp xuống mục tiêu, theo Hans M. Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng đề cập đến nguy cơ Triều Tiên có thể vận chuyển bom bằng đường biển.
 

Quân nhân Triều Tiên ăn mừng vụ thử bom nhiệt hạch. Ảnh: Reuters

 
Kingston Reif, giám đốc chương trình Chính sách Giải trừ quân bị và giảm mối đe dọa của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí ở Washington, nói rằng Triều Tiên có thể đang chế tạo một tên lửa đạn đạo liên lục địa, KN-08, có khả năng bay qua Thái Bình Dương. Nhưng cho đến nay nó chỉ xuất hiện trong các cuộc diễu hành quân sự. Reif cho rằng sớm nhất phải đến những năm 2020 kế hoạch về KN-08 của Triều Tiên mới thành công. Hiện nước này chỉ có các tên lửa tầm ngắn hơn.
 
>> Liên Hợp Quốc sẽ đáp trả vụ thử hạt nhân của Triều Tiên
>> Putin ra lệnh điều tra vụ Triều Tiên thử bom nhiệt hạch
>> Bom nhiệt hạch nguy hiểm cỡ nào?
>> "Triều Tiên thử hạt nhân khi có cảm giác bị bỏ rơi"

Theo Nguyễn Thành Minh (VnExpress.net)