Thế giới

'Đầu bếp' của ông Putin: Doanh nhân bí ẩn giúp Nga 'thâu tóm' cả thế giới là ai?

Với biệt danh: "Đầu bếp" của ông Putin - Yevgeny Prigozhin đang tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của Nga tại “lục địa đen” sau những thành công ở Syria, Ukraine...

'Đầu bếp' của ông Putin: Doanh nhân bí ẩn giúp Nga 'thâu tóm' cả thế giới là ai?
Nga đang tìm kiếm lợi ích ở "Lục địa đen".

Trong một bài viết gần đây, tờ Bloomberg đã tiết lộ về một doanh nhân bí mật với biệt danh "đầu bếp" của Tổng thống Vladimir Putin.

Tờ báo này cho rằng, đây là nhân vật có vai trò giúp sức rất quan trọng cho Điện Kremlin trong các vấn đề lớn thời gian qua như cuộc xung đột Ukraine, cuộc chiến Syria và thậm chí là cả trong cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Và giờ đây, “đầu bếp” đang thâm nhập sâu vào châu Phi để tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của Nga tại “lục địa đen”.

“Đầu bếp”

Yevgeny Prigozhin, một chủ nhà hàng ở St. Petersburg - quê hương của Tổng thống Putin - đã nổi lên như người đàn ông quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy lợi ích địa chính trị của Nga ở khu vực được coi là nơi kém phát triển nhất trên thế giới nhưng còn nhiều nguồn tài nguyên chưa được khai thác.

Không có lợi thế về tài chính mạnh mẽ như các đối thủ Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc, Moscow đang đi theo cách tiếp cận khác biệt bằng cách mang đến sự ủng hộ của mình cho các quốc gia giàu có nhưng đang những bất ổn. Đặc biệt hơn, họ là những đất nước rất đam mê vũ khí Nga.

Theo nguồn tin của Bloomberg, “đầu bếp” Prigozhin cùng đội tùy tùng của mình - bao gồm cả các nhóm lính đánh thuê - đang có những hợp tác chính trị quan trọng ở những quốc gia này, bao gồm việc cung cấp các dịch vụ an ninh, huấn luyện sử dụng vũ khí và nhiều trợ giúp khác để đổi lấy quyền khai thác những lợi ích tại đây.

Prigozhin đã có chuyến đi sang 10 quốc gia đang có mối quan hệ với quân đội Nga, bao gồm: Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan, Libya, Madagascar, Angola, Guinea, Guinea-Bissau, Mozambique, Zimbabwe và Cộng hòa Trung Phi.

Hoạt động này diễn ra trước khi Tổng thống Putin chuẩn bị tổ chức tiếp đón hơn 50 nhà lãnh đạo đến dự Hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi đầu tiên vào năm 2019. Đây là một sự kiện sẽ củng cố “sự hiện diện tích cực của Nga trong khu vực”, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói hồi đầu năm nay.

"Người Nga muốn ảnh hưởng đến Chính phủ, họ muốn tiếp cận kinh tế và họ tỏ ra rất linh hoạt - đó là lợi thế của họ", Peter Pham, người đứng đầu Trung tâm châu Phi thuộc Hội đồng Đại Tây Dương tại Washington cho biết.

Prigozhin, 57 tuổi, đã không trả lời những bình luận nói trên về mình. Trong khi đó,  các quan chức ở các quốc gia châu Phi mà ông vừa đến cũng từ chối đưa ra những tuyên bố về vấn đề.

Prigozhin và công ty Concord Catering mà ông sở hữu, là một trong ba doanh nghiệp Nga cùng bị Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đưa vào danh sách điều tra hồi tháng 2 vừa qua với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Với những cáo buộc liên quan đến can thiệp nội bộ chính trị nước Mỹ, Tổng thống Putin đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ điều này trong các cuộc gặp với phía đối tác Washington.

Tìm lại “Lục địa đen”

'Đầu bếp' của ông Putin: Doanh nhân bí ẩn giúp Nga 'thâu tóm' cả thế giới là ai? - 1
Ảnh hưởng của Nga ở châu Phi.

Châu Phi hiện tại được coi là mối quan tâm lớn của ông Putin, nhà lãnh đạo đã nắm quyền lực gần hai thập kỷ trước với mục đích tìm lại vị thế siêu cường của Nga.

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, sự hiện diện của Nga ở châu Phi giảm đáng kể. Hiện nay khu vực này là một trong những trọng tâm của Điện Kremlin nhằm khẳng định lại quyền lực địa chính trị và mở ra các thị trường mới cho các công ty trong nước bị cản trở bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Khi quan hệ với phương Tây tiếp tục hạ xuống mức độ thấp hơn, Tổng thống Putin cuối cùng đã theo đuổi một chiến lược toàn diện để phát triển quan hệ thương mại và an ninh với toàn bộ châu lục - Polina Slyusarchuk, người điều hành Intexpertise, một nhóm nghiên cứu về các vấn đề châu Phi tại St. Petersburg, nhận định.

Nga đã gặp phải những trở ngại, đặc biệt là ở Nam Phi. Tổng thống Cyril Ramaphosa đã đóng băng dự án điện hạt nhân trị giá hàng triệu đô la của người tiền nhiệm với Nga sau khi ông nhậm chức vào tháng 2.

Tuy nhiên, Moscow đang ngày càng gây dựng được nhiều ảnh hưởng tại đây, đơn cử như khoản nợ trị giá 20 tỷ USD mà Nga đang rải rác ở các nước châu Phi năm ngoái.

Gần đây hơn, Ai Cập đã giành được khoản vay trị giá 25 tỷ USD của Nga để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình. Và Nga đang đàm phán với Eritrea để thành lập trung tâm logistics đầu tiên trên Biển Đỏ, không xa căn cứ duy nhất của Lầu Năm Góc ở châu Phi và cơ sở quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài - Djibouti.

Trong tháng 3, Ngoại trưởng Lavrov đã thực hiện chuyến đi xuyên châu Phi, tới 5 quốc gia, bao gồm một điểm dừng ở Zimbabwe, nơi các công ty Nga tham gia vào một dự án đầu tư khai thác bạch kim trị giá 3 tỷ USD.

Theo Bloomberg, các chuyên gia tư vấn chính trị của “đầu bếp” Prigozhin đã đứng đằng sau cố vấn cho Tổng thống Emmerson Mnangagwa khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 7 vừa qua trước Robert Mugabe - người đã nắm quyền Zimbabwe suốt bốn thập kỷ.

Đối thủ chính của Tổng thống Mnangagwa cáo buộc “người Nga” giúp đối thủ của mình thao túng các cuộc thăm dò. Tuy nhiên, đảng cầm quyền Zanu-PF đã phủ nhận bất kỳ sự tham gia của Nga trong cuộc bầu cử.

Nguồn sinh lợi của Prigozhin

'Đầu bếp' của ông Putin: Doanh nhân bí ẩn giúp Nga 'thâu tóm' cả thế giới là ai? - 2
Yevgeny Prigozhin.

Prigozhin hiện đang mở rộng phạm vi hoạt động vào Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), quốc gia lớn nhất ở châu Phi sau Algeria và là một trong những đất nước giàu khoáng sản nhất thế giới. Thuộc địa cũ của Bỉ sắp chọn một nhà lãnh đạo mới lần đầu tiên kể từ năm 2001.

Tổng thống Joseph Kabila gần đây đã giao cho một vị tướng nghỉ hưu đáng tin cậy làm đại sứ tại Nga, giao nhiệm vụ cho ông thương thảo nguồn cung cấp vũ khí và trợ giúp từ phía Moscow, Bloomberg dẫn lời một quan chức phương Tây giấu tên cho biết.

Trong tuyên bố của mình, DRC cho biết rằng, Nga vẫn chưa cung cấp bất kỳ vũ khí nào. Quốc gia này cũng bác bỏ thông tin người Nga đang gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới.

Nếu nhân vật được Tổng thống Kabila ủy quyền giành chiến thắng như mong đợi, thì quan hệ quân sự của DRC với Nga sẽ tăng cường, điều này sẽ dẫn đến nhiều cơ hội hơn cho các công ty Nga, theo Jean-Jacques Wondo, một nhà phân tích an ninh Congo ở Brussels đánh giá.

Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào DRC, nhưng Bắc Kinh được cho là ngày càng trở nên thất vọng với lập trường của chính quyền Kabila.

Madagascar, đất nước sản xuất vani lớn nhất thế giới và là chủ sở hữu của các nguồn khoáng sản quý như niken, coban và uranium, là một quốc gia bất ổn khác mà Prigozhin đang nhắm đến.

Tại Guinea, Nga đang có quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Alpha Conde. Nhà nước châu Phi là nhà cung cấp bauxite lớn nhất cho công ty United Co. Rusal của Nga.

Chuyển sang Bắc Phi, Prigozhin đã tham dự các cuộc đàm phán trong tháng này giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và chỉ huy Libya Khalifa Haftar, người kiểm soát phần phía Đông của quốc gia giàu dầu mỏ.

Đội lính đánh thuê của Prigozhin từng được Mỹ công nhận là có vai trò trong cuộc khủng hoảng năm 2014 ở Ukraine và một lần nữa gây chú ý hồi tháng 2 ở Syria.

“Giống như mọi doanh nhân bình thường khác, Prigozhin đang tìm kiếm những nơi sinh lợi nhất để đầu tư tiền của mình”, Irina Abramova, người đứng đầu viện Nghiên cứu châu Phi tại Moscow bình luận.

Theo Quốc Vinh (Nguoiduatin.vn)