Thế giới

Dân mạng Trung - Hàn lại tranh chấp văn hóa

Theo Thông tấn xã Yonhap ngày 19/2, đoàn thể ngoại giao trên mạng trực tuyến có tên “Những người bạn của Hàn Quốc” (VANK) đã đăng tải một bài viết có tựa đề "Hãy ngăn chặn hành vi bạo lực mạng của người dùng Internet Trung Quốc đối với văn hóa Hàn Quốc” trên trang web thỉnh cầu lớn nhất thế giới change.org.

Dân mạng Trung - Hàn lại tranh chấp văn hóa
Bức ảnh Kim So-hyun mặc Hanbok đăng lên tường trang Insagram cá nhân bị các cư dân mạng Trung Quốc vào tấn công

Theo bài viết, bức ảnh diễn viên Hàn Quốc Kim So-hyun mặc Hanbok (áo dài kiểu Hàn Quốc) đăng lên tường trang Insagram cá nhân để chúc mừng năm mới đã bị nhiều cư dân mạng Trung Quốc vào tấn công ác ý với hơn 10 ngàn lời bình luận như “Diễn viên Hàn Quốc mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc để chụp ảnh” và “Cảm ơn bạn vì tình yêu văn hóa Trung Quốc”... Một số cư dân mạng Trung Quốc cũng vào bình luận trên tweet của VANK quảng bá nguồn gốc của Hanbok, chế nhạo rằng bài đăng này đã được tweet lại 50.000 lần và đưa ra nhiều lời lẽ xúc phạm đến Hàn Quốc.

Về vấn đề này, VANK cho rằng một bộ phận cư dân mạng Trung Quốc đã tuyên bố một cách vô lý rằng Hanbok và Kimchi có nguồn gốc từ Trung Quốc, đồng thời có hành vi bạo lực mạng đối với các cư dân mạng và các đoàn thể Hàn Quốc; những hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng quyền của các quốc gia khác được hưởng nền văn hóa vốn có và thuộc loại hành vi phân biệt chủng tộc.

Căn cứ vào Điều 27 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người “Mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của xã hội, thưởng thức nghệ thuật, chia sẻ tiến bộ khoa học và những lợi ích mà nó tạo ra”; VANK đã sản xuất các áp phích bằng tiếng Hàn và tiếng Anh để phơi bày trên mạng xã hội các hành vi bạo lực mạng chống lại văn hóa Hàn Quốc của người Trung Quốc.

Đây là hành động mới của VANK để bảo vệ văn hóa Hàn Quốc sau nhiều sự kiện căng thẳng liên tiếp giữa cư dân mạng Trung – Hàn, như “Sự kiện Hanbok “Tỏa sáng ấm áp””, "Lý Tử Thất làm Kimchi và bánh quả hồng bị cư dân mạng Hàn Quốc bủa vây” và “Sự kiện Gat (mũ rộng vành)”... Trên áp phích bản thỉnh nguyện đăng kèm trên change.org, VANK còn đặc biệt đính kèm hình ảnh của Hanbok, Gat và Kimchi.

Dân mạng Trung - Hàn lại tranh chấp văn hóa - 1
Lý Tử Thất làm Kimchi gây nên khẩu chiến giữa cư dân mạng hai nước Trung - Hàn

Năm ngoái, video ngôi sao Vlog Trung Quốc Lý Tử Thất làm món Paocai Trung Quốc y hệt Kimchi và dùng hashtag gọi đây là “món ăn Trung Quốc”, “Ẩm thực Trung Hoa” đã gây phản ứng dữ dội ở Hàn Quốc. Hàng nghìn cư dân mạng Hàn đã đổ xô vào bình luận để chỉ trích, bủa vây, thậm chí công kích cá nhân Lý Tử Thất, cho rằng cô đang “mưu đồ cướp đoạt văn hóa của quốc gia khác”...

Và khi Vu Chính “công bố bằng chứng cho thấy mũ Gat truyền thống của Hàn Quốc có nguồn gốc từ “mũ rộng vành nhà Minh” của Trung Quốc, một số cư dân mạng Hàn Quốc quá tức tối, giận dữ thậm chí còn chửi bới thậm tệ hơn ...

Theo Wikipedia, tên tiếng Anh đầy đủ của đoàn thể ngoại giao trên mạng Hàn Quốc VANK là “Voluntary Agency Network of Korea” và một số trang web truyền thông Hàn Quốc bằng tiếng Trung gọi bằng bốn chữ “Hàn Quốc chi hữu” (Bạn của Hàn Quốc). Hội đoàn này hiện có khoảng 130 ngàn thành viên, trong đó có 5 ngàn là người Hàn sống ở nước ngoài.

Hình thức hoạt động VANK được sử dụng phổ biến nhất là tổ chức các “kiến nghị toàn cầu”. Theo thống kê, từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2020, VANK đã tổ chức tổng cộng 30 vụ “kiến nghị toàn cầu”, nhận được 116.000 chữ ký ủng hộ của cư dân mạng là những người Hàn Quốc và Hàn kiều.

Trong mấy lần tranh chấp văn hóa dân sự gần đây giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, VANK đều đã đứng ra tố cáo và nhiều lần khởi xướng các kiến nghị. Trong vụ “Tranh chấp Kimchi” vào đầu tháng 12 năm ngoái do VANK và Giáo sư Seo Kyoung-Duk của Đại học phụ nữ Sungshin gây ra. Họ đã yêu cầu trang Baidu Encyclopedia của Trung Quốc phải xóa cụm từ “Kimchi origin in China” (Kimchi bắt nguồn từ Trung Quốc” khỏi mục từ “Kimchi” với lời kiến nghị viết: “Kimchi là một món ăn truyền thống của Hàn Quốc, có nguồn gốc từ Hàn Quốc”.

Trong sự kiện “mũ Gat”, VANK đã bác bỏ những luận điểm do đạo diễn Trung Quốc Vu Chính nêu ra, công kích Trung Quốc chơi trò “chủ nghĩa đế quốc văn hóa”. Bản kiến nghị của VANK viết: “Mũ Gat có nguồn gốc từ thời nhà Minh ư? Chúng tôi phản đối chủ nghĩa đế quốc văn hóa của Trung Quốc”. Rất nhiều cư dân mạng Hàn Quốc đã để lại lời bình phản đối quan điểm của người Trung Quốc, như: “Hãy đưa hết các chứng cứ về trang phục thời Minh ra xem các người có đội mũ Gat không?”, “Lũ lợn ngu xuẩn lấy đâu ra chứng cứ!”, “Thật là vô tri. Đến lúc này rồi mà còn nhận đó là văn hóa của mình”, “Mũ của những kẻ một nửa đầu không có não”... ...

Vào ngày 20/1/2021, VANK lại đưa ra một bản kiến nghị, cho rằng “Trung Quốc đã đánh cắp văn hóa Hàn Quốc” kèm theo những hình ảnh về Kim chi.

Theo trang mạng Huanqiu của Trung Quốc ngày 18/2, VANK trước đó đã công kích “Dự án Đông Bắc” của Trung Quốc (một loạt các công trình nghiên cứu về lịch sử và tình hình hiện tại của biên giới Đông Bắc), năm 2008 và 2009 thậm chí còn phát động phong trào “Khôi phục Jiandao” (một vùng đất thuộc Mãn Châu quốc khi xưa, nay thuộc tỉnh Cát Lâm và Triều Tiên). Nhưng do vấp phải sự phản đối từ mọi phía nên tạm thời phải ngừng lại.

Theo Thu Thủy (Tiền Phong)




https://www.tienphong.vn/the-gioi/dan-mang-trung-han-lai-tranh-chap-van-hoa-1795872.tpo