Thế giới

Đàm phán Mỹ - Triều ra sao sau khi Trump từ bỏ thỏa thuận Iran?

Trong khi cố gắng thương lượng với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân, ông Trump lại rút khỏi một thỏa thuận tương tự với Iran. Đây là điều có thể khiến ông Kim Jong Un nghi ngại.

Việc Tổng thống Donald Trump rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), được xây dựng cách đây 3 năm giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức), đối lập hoàn toàn với thái độ sẵn sàng đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, theo CNN.

Trong khi cuộc thượng đỉnh với Triều Tiên chỉ còn 1 tháng nữa, động thái quay lưng của Tổng thống Trump với Iran có thể gây "tác dụng phụ" không mong muốn là tước mất sự tin tưởng từ phía Bình Nhưỡng, yếu tố then chốt trước khi hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán.

Một nước Mỹ thể hiện sự thiếu kiên định và có quan điểm đối lập giữa các đời tổng thống liệu có thể đảm bảo cho sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh được trông đợi là sẽ giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên?

Đàm phán Mỹ - Triều ra sao sau khi Trump từ bỏ thỏa thuận Iran?
Ngày 8/5, Tổng thống Trump công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran tại Phòng Ngoại giao của Nhà Trắng. Ảnh: AP.

Quay lưng với Iran, Mỹ không có cơ sở để thuyết phục Triều Tiên

"Thông điệp dành cho Triều Tiên là: tổng thống muốn một thỏa thuận tương xứng", New York Times dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John R. Bolton. 

Thông qua động thái tái trừng phạt Iran, ông Trump muốn "nhắn nhủ" Bình Nhưỡng rằng mọi cố gắng "ăn gian" sẽ phải nhận hình phạt thích đáng. Tuy nhiên chính quyền của ông Kim Jong Un có thể thấy điều ngược lại: đừng mong đợi đạt được thỏa thuận với Mỹ vì đây là một đối tác không đáng tin cậy.

Năm 2015, khi chính quyền cựu tổng thống Barack Obama quyết định đặt bút ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran, Quốc hội Mỹ lại kiên quyết không đồng tình với động thái này. Do vậy, ông Kim Jong Un hoàn toàn có thể nghi ngờ thỏa thuận đặt ra với Tổng thống Trump sẽ không được Điện Capitol phê duyệt.

Một sự thật khác đó là Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận JCPOA, điều được xác nhận nhiều lần bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Theo ông Simon Palamar, chuyên gia thuộc Trung tâm Sáng kiến Quản trị Quốc tế, Iran từng nhiều lần tích lũy nước nặng, cần thiết trong các lò phản ứng hạt nhân, hơn mức cho phép. Tuy nhiên, điều này là không đáng ngại và đã được phía Iran sửa sai.

Đàm phán Mỹ - Triều ra sao sau khi Trump từ bỏ thỏa thuận Iran? - 1
Các nước P5+1 cùng Iran công bố khung thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Về bản chất, chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani vẫn giữ đúng cam kết khi ngưng hầu hết chương trình làm giàu uranium và lấp bê tông phần lõi của lò phản ứng hạt nhân Arak, khiến việc sản xuất plutonium cấp vũ khí gần như là điều không thể.

Lý lẽ được Trump đưa ra cho quyết định quay lưng với Iran đó là vì nước này đã vi phạm "tinh thần" của thỏa thuận JCPOA khi tiếp tục thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa, đi ngược lại nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, nghị quyết này không nằm trong thỏa thuận JCPOA được ký nhằm hạn chế năng lực hạt nhân của Iran.

"Nếu tôi là Triều Tiên, nhìn vào thực tế Trump vừa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vì những lý do như thế, sao tôi phải tiếp tục đàm phán với Mỹ?", ông Frank Rose, cựu chuyên viên kiểm soát vũ khí cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.

Về bản chất, chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani vẫn giữ đúng cam kết khi ngưng hầu hết chương trình làm giàu uranium và lấp bê tông phần lõi của lò phản ứng hạt nhân Arak, khiến việc sản xuất plutonium cấp vũ khí gần như là điều không thể.

Lý lẽ được Trump đưa ra cho quyết định quay lưng với Iran đó là vì nước này đã vi phạm "tinh thần" của thỏa thuận JCPOA khi tiếp tục thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa, đi ngược lại nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, nghị quyết này không nằm trong thỏa thuận JCPOA được ký nhằm hạn chế năng lực hạt nhân của Iran.

"Nếu tôi là Triều Tiên, nhìn vào thực tế Trump vừa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vì những lý do như thế, sao tôi phải tiếp tục đàm phán với Mỹ?", ông Frank Rose, cựu chuyên viên kiểm soát vũ khí cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.

Đạt thỏa thuận với Triều Tiên khó hơn với Iran

"Nếu Triều Tiên chấp nhận ngừng chương trình phát triển hạt nhân đổi lấy cơ hội giao thương với quốc tế, liệu nước này có nghiêm túc thực hiện các điều khoản được quy định hay sẽ 'phòng thủ' bằng cách sẵn sàng lách luật trong bối cảnh Mỹ có thể thay đổi thỏa thuận bất cứ lúc nào?", chuyên gia Palamar đặt câu hỏi. 

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên khó khăn hơn rất nhiều so với việc thuyết phục Iran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân. Cả hai quốc gia đều che giấu tham vọng hạt nhân trong nhiều năm, tuy nhiên kho vũ khí của Triều Tiên được dự đoán là nhiều và phát triển hơn so với Iran.

Ngoài ra, Triều Tiên còn công khai sử dụng công nghệ hạt nhân trong các hoạt động quân sự, trong khi Iran khẳng định chỉ sử dụng chúng cho những mục đích dân sinh.

Đàm phán Mỹ - Triều ra sao sau khi Trump từ bỏ thỏa thuận Iran? - 2
Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak của Iran đã bị lấp phần lõi, khiến việc sản xuất plutonium cấp vũ khí gần như là điều không thể. Ảnh: AP.

Mặt khác, một số nhà phân tích nhận định Tổng thống Trump đang quá nóng vội khi thúc đẩy quá trình đàm phán với Triều Tiên, dẫn đến việc thỏa thuận hạt nhân nếu được ký kết thì cũng khó có đủ sức nặng để khiến Bình Nhưỡng phải nhượng bộ.

Trong quá khứ, ông Trump từng lên tiếng chỉ trích chính quyền Obama phạm sai lầm tương tự trong thỏa thuận hạt nhân với Iran, dẫn đến việc JCPOA trở thành "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất lịch sử" vì nó không thể ngăn cản Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.

Cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tony Blinken, người từng hỗ trợ việc ký kết thỏa thuận JCPOA năm 2015, cho rằng khi khẳng định JCPOA là "tồi tệ", ông Trump sẽ phải cố gắng đạt được một thỏa thuận tốt hơn với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên khả năng ông làm được điều này, buộc Triều Tiên từ bỏ phần lớn chương trình phát triển hạt nhân và cho phép một cơ quan quốc tế giám sát tiến trình trên như Iran đã nhượng bộ, là khó có thể xảy ra.

Trong khi đó, Tổng thống Trump nổi tiếng vì tính cách thiếu kiên nhẫn. Theo New York Times, ông có thể mong muốn một chiến thắng nhanh gọn hơn là dành nhiều thời gian để suy xét một thỏa thuận đủ toàn diện và chặt chẽ.

"Tổng thống Trump không ngại quay lưng với một thỏa thuận mà Iran sẵn sàng tuân thủ dù trước đây nước này rất quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân. Làm sao Kim Jong Un còn có thể tin tưởng bất cứ điều gì ông Trump nói?", CNN dẫn lời ông Blinken.

Thỏa thuận JCPOA được đặt ra tháng 7/2015 nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran đã kéo dài 12 năm. Theo đó, các nước P5+1 sẽ hủy bỏ trừng phạt với Iran, cho phép quốc gia này tiếp cận với thị trường quốc tế. Đổi lại, Iran đồng ý hạn chế chương trình làm giàu uranium, công đoạn quan trọng trong quá trình chế tạo vũ khí hạt nhân, đồng thời cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giám sát quá trình thực hiện.

Tổng thống Trump từng nhiều lần cho rằng JCPOA là "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất lịch sử". Thời hạn của thỏa thuận chỉ trong vòng 10 năm, tức là đến năm 2025, Iran chỉ cần tạm ngưng chương trình hạt nhân mà mình đang phát triển.


 

TT Trump đe dọ Triều Tiên và Iran tại Liên Hợp Quốc. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9, Tổng thống Trump chỉ trích Triều Tiên và Iran hết sức nặng nề và kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Theo Chi Mai (Tri Thức Trực Tuyến)