Thế giới

Đại sứ Pháp lủi thủi kéo vali rời Úc: Hé lộ chi tiết 'giọt nước tràn ly' đẩy Paris đến tột cùng phẫn nộ

Sự tức giận của Pháp trước quyết định hủy bỏ chương trình tàu ngầm trị giá 90 tỷ USD của Australia tiếp tục sôi sục, khi đại sứ Pháp Jean-Pierre Thebault nói Paris hoàn toàn bị lừa.

Vụ khủng hoảng hợp đồng tàu ngầm "thế kỷ" giữa Pháp và Australia cùng với 2 nước trong nhóm liên minh an ninh mới AUKUS là Mỹ và Anh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp nỗ lực xoa dịu Paris từ các bên liên quan.

Mỹ-Australia-Anh giấu Pháp, giữ bí mật đến phút chót

Pháp vẫn còn tức giận sau khi Australia hủy hợp đồng tàu ngầm trị giá 90 tỷ USD đã ký kết với công ty Naval Group của nước này và chuyển sang mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, sau khi liên minh AUKUS được ba nước được thông báo thành lập hôm 15/9.

Chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nổi giận đến mức đã có những phản ứng trả đũa chưa từng thấy, trong đó đỉnh điểm là việc triệu hồi các đại sứ Pháp từ Mỹ và Australia.

Giới chức Pháp không ngần ngại dùng lời lẽ cay đắng và mạnh mẽ nhất như cáo buộc Australia, Mỹ và Anh đã hành xử một cách phiến diện, phản bội và làm bẽ mặt nước Pháp. Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian mô tả hiệp ước an ninh ba bên AUKUS, bao gồm cả thỏa thuận tàu ngầm, là một "cú đâm sau lưng".

Đại sứ Pháp lủi thủi kéo vali rời Úc: Hé lộ chi tiết 'giọt nước tràn ly' đẩy Paris đến tột cùng phẫn nộ
Đại sứ Pháp tại Australia Jean-Pierre Thebault tại sân bay Sydney hồi cuối tuần trước. Ảnh: AP

Sự bất bình của Pháp trước quyết định hủy bỏ chương trình tàu ngầm trị giá 90 tỷ USD của chính phủ Thủ tướng Australia Scott Morrison tiếp tục sôi sục, khi đại sứ Pháp tại Australia Jean-Pierre Thebault bị triệu hồi bày tỏ thật sự thất vọng và cảm thán rằng, "Paris hoàn toàn bị lừa trong vụ việc này".

"Có thể chúng tôi không phải là bạn bè", đại sứ Thebault ngẫm nghĩ một chút và nói như vậy trước khi kéo vali về nước theo lệnh triệu hồi của Tổng thống Macron. Ông cũng chỉ trích chính quyền Morrison đã "cố tình giữ bí mật [về việc hủy thỏa thuận tàu ngầm] đến phút chót".

Đại sứ Thebault được lệnh quay trở lại Paris sau thông báo về sự hiện diện của liên minh AUKUS, động thái đang đẩy mối quan hệ giữa các quốc gia vốn là đồng minh thân cận này đến "bờ vực thẳm".

Điều làm bùng nổ khủng hoảng là một phần của AUKUS bao gồm việc chia sẻ công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Australia, khiến nước này phải hủy bỏ hợp đồng hiện có với Pháp.

Pháp phát hiện chỉ 1 giờ trước khi AUKUS công khai

Việc Paris tức giận đến mức vậy là cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Theo The Guardian, Pháp đã phát hiện hai đồng minh thân cận nhất của mình đàm phán bí mật với nhau trong nhiều tháng mà họ không hay biết.

Trong tuyên bố xoa dịu ngày 19/9, Thủ tướng Scott Morrison cho biết, chính phủ của ông đã thông báo cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng, thỏa thuận tàu ngầm giữa hai nước đã chấm dứt vào "khoảng 8 giờ 30" vào đêm trước khi thỏa thuận AUKUS được công bố. Nhưng thông tin chi tiết đã bị rò rỉ với giới truyền thông và người Pháp cho biết họ cảm thấy như bị "dắt mũi" trước quyết định này.

"Chúng tôi phát hiện [thông tin về AUKUS] qua truyền thông báo chí còn bên mà chúng tôi xem là bạn - chính phủ Australia - này đã cố tình giữ bí mật cho đến phút cuối cùng", ông Thebault nói với đài ABC hôm 20/9. 

"Đây không phải là thái độ nên có của Australia đối với Pháp. Và có thể chúng ta không phải là bạn bè".

Đại sứ Pháp lủi thủi kéo vali rời Úc: Hé lộ chi tiết 'giọt nước tràn ly' đẩy Paris đến tột cùng phẫn nộ - 1
Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken giữ bí mật về thỏa thuận Aukus khi gặp gỡ người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian trong chuyến thăm hồi tháng 6. Ảnh: New York Times

Ông Thebault cho biết, Pháp đã chia sẻ mọi thứ với Australia một cách thiện chí nhưng đã bị Australia với hai quốc gia đồng minh khác lừa.

"Đây là một âm mưu được thực hiện trong 18 tháng", ông nói và khẳng định thêm "Trong khi chúng tôi đang triển khai chương trình sản xuất tàu ngầm với cam kết là bí mật quân sự được giữ kín nhất cho Austrailia, chúng tôi phát hiện còn có một dự án khác (tức AUKUS) thông qua báo chí, chỉ một giờ trước khi họ công khai".

"Vì vậy, các bạn có thể tưởng tượng vì sao chúng tôi tức giận như vậy, chúng tôi thật sự cảm thấy đã bị lừa", đại sứ Pháp nhấn mạnh thêm.

Vị đại sứ này cũng nói rằng, Pháp là bên biết cuối cùng. "Đó là một câu hỏi về nguyên tắc, đó là một vấn đề về phẩm giá và sự tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ giữa các quốc gia."

Ông Peter Ricketts, cựu đại sứ Anh tại Pháp cho rằng, thỏa thuận này khiến Paris có cảm giác về một sự phản bội sâu sắc, bởi đây không chỉ là một hợp đồng vũ khí, nó còn liên quan đến việc Pháp thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Australia.

Quan hệ đồng minh lao dốc

Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Australia cho biết ông đã đặt ra "nhiều vấn đề tồn tại" trong hợp đồng với người Pháp từ nhiều tháng trước. Ông Morrison bày tỏ hoàn toàn thấu hiểu sự thất vọng của Pháp, nhưng khẳng định còn một điều còn quan trọng hơn cả mà ông không được phép đánh đổi, đó là lợi ích an ninh quốc gia.

Ngoài ra, ông Morrison cũng nêu rõ, Australia từng lo ngại về việc các tàu ngầm thông thường được đặt mua của Pháp sẽ không đáp ứng được nhu cầu chiến lược của nước này trong bối cảnh thế giới luôn diễn biến theo chiều hướng khó lường.

"Suy cho cùng, đây là một quyết định về việc liệu những chiếc tàu ngầm đặt mua từ Pháp, với kinh phi khủng có thể thực hiện công việc mà chúng tôi cần khi chúng đi vào hoạt động hay không", ông Morrison nói và nhấn mạnh, "Theo phán đoán chiến lược của chúng tôi, dựa trên thông tin tình báo và tham vấn quốc phòng tốt nhất có thể, thì câu trả lời là không. Và, do đó, chúng tôi quyết định thay đổi sản phẩm tối tân hơn".

Đại sứ Pháp lủi thủi kéo vali rời Úc: Hé lộ chi tiết 'giọt nước tràn ly' đẩy Paris đến tột cùng phẫn nộ - 2
Australia "biện minh" rằng có nhiều vấn đề tồn tại trong thỏa thuận đóng tàu ngầm với Pháp. Ảnh: Le Monde

Bộ trưởng Thương mại của Australia, Dan Tehan, sẽ gặp gỡ người đồng cấp Pháp vào đầu tháng 10 tới tại Paris để thảo luận việc Australia sẽ tham gia một hiệp định thương mại tự do với EU. Đại sứ Thebault cho biết "ở giai đoạn này", ông hy vọng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, mặc dù sau thông báo về liên minh AUKUS, Pháp đã yêu cầu các quốc gia thành viên EU "xem xét lại" vấn đề này.

Theo ông, cho đến nay, hai vấn đề này là không liên quan. Bộ trưởng Tehan cho biết không có lý do gì mà vòng đàm phán thứ 12 không tiếp tục như kế hoạch. "Hy vọng là chúng tôi sẽ có thể hoàn tất thỏa thuận này trong vòng 12 đến 18 tháng tới", ông nói với ABC.

Nhưng vẫn có nhiều lo ngại khi thực tế là Pháp đã hủy bỏ hội nghị cấp cao quốc phòng Anh-Pháp để phản đối việc Anh tham gia thỏa thuận AUKUS.

Theo Nam An (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/dai-su-phap-lui-thui-keo-vali-roi-uc-he-lo-chi-tiet-giot-nuoc-tran-ly-day-paris-den-tot-cung-phan-no-16121210911251201.htm