Thế giới

Cướp biển Somalia tái xuất sau 5 năm, cướp tàu dầu của UAE

Cướp biển Somalia đã tấn công một tàu chở dầu và buộc thủy thủ đoàn người Sri Lanka thay đổi lộ trình để hướng về bờ biển đông bắc Somalia.

Cướp biển Somalia đã tấn công một tàu chở dầu và buộc thủy thủ đoàn người Sri Lanka thay đổi lộ trình để hướng về bờ biển đông bắc Somalia.

Cướp biển Somalia từng là mối đe dọa thường trực đối với tàu thuyền đi lại trong khu vực

Tàu Aris 13, do một công ty có trụ sở tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) điều hành, đã bị bắt cóc cùng 8 thuyền viên khi đang vận chuyển nhiên liệu từ Djibouti đến thủ đô Mogadishu (Somalia) vào chiều 13.3.

Các bản tin trước đó nói rằng chiếc tàu trên treo cờ Sri Lanka, nhưng Bộ Ngoại giao nước này đã bác bỏ.

“Chúng tôi đang nỗ lực thẩm định vụ việc, và các cuộc điều tra ban đầu cho thấy dù tàu không được đăng ký treo cờ Sri Lanka thì cũng đúng là thủy thủ đoàn của tàu này gồm 8 người”, theo thông báo trên Facebook của Bộ Ngoại giao Sri Lanka.

Ông John Steed, cựu sĩ quan quân đội Anh hiện là trưởng bộ phận Sừng châu Phi của tổ chức chống cướp biển Oceans Beyond Piracy, ngày 14.3 cho biết các thủy thủ trên tàu Aris 13 đã phát tín hiệu cầu cứu sau khi phát hiện tàu lạ bám đuổi.

“Trưa qua (13.3), chiếc tàu trên báo họ bị 2 xuồng cao tốc áp sát. Sau đó, tàu này im tiếng và chủ tàu cũng không thể liên lạc được”, ông Steed nói.

Một cuộc tìm kiếm tàu Aris 13 đã được tiến hành khẩn trương ngoài khơi bờ biển Somalia trong ngày 14.3. Chiếc tàu bị ép cập bến gần thị trấn Alula thuộc khu bán tự trị Puntland của Somalia.

“Cướp biển Somalia đã không thực hiện bất kỳ vụ tấn công tàu thương mại nào kể từ năm 2012”, ông Steed nói.

Hoạt động tấn công tàu của cướp biển Somalia bắt đầu vào năm 2005, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải biển trong khu vực. Vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng cướp biển vào tháng 1.2011, đã có 736 con tin và 32 tàu bị bắt cóc.

Những vụ cướp biển xảy ra liên tiếp nhau khiến kinh tế toàn cầu chịu thiệt hại từ 5,7 tỉ đến 6,1 tỉ USD hồi năm 2012. Tình trạng này buộc Liên Hiệp Quốc, EU và NATO phải hành động như cử tàu chiến đến khu vực. Nhiều tàu thương mại bắt đầu thuê vệ sĩ có vũ trang để bảo vệ tàu.

Theo Trùng Quang (Thanh Niên Online)