Thế giới

Cuộc sống dưới lệnh thiết quân luật ở quê tổng thống Philippines

Một số người dân ở Davao cảm thấy an toàn nhờ lệnh thiết quân luật trong khi cảnh sát cho rằng đây là đôi cánh chắp thêm cho họ trong cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm.

Một số người dân ở Davao cảm thấy an toàn nhờ lệnh thiết quân luật trong khi cảnh sát cho rằng đây là đôi cánh chắp thêm cho họ trong cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm.

Ngay lập tức, khu vực tòa thị chính trở thành một địa điểm thu hút với người dân địa phương. Họ coi chiếc xe tăng đậu phía trước là biểu tượng của cách tiếp cận mới, cứng rắn hơn đối với các vấn đề của đất nước.

Sự an toàn của thiết quân luật

Hàng ngày, người dân tới chụp ảnh selfie ở chỗ chiếc xe tăng. Một số người xin chụp ảnh cùng các binh sĩ đang làm nhiệm vụ và được họ vui vẻ nhận lời. Số khác giơ nắm đấm ra phía trước, một cử chỉ thể hiện sự ủng hộ dành cho tổng thống. Thay vì nói "Cheese" lúc chụp ảnh, họ hô "Một, hai, ba - Duterte!".

"Chúng tôi nghĩ rằng điều này thật tuyệt. Tôi thích sự an toàn mà thiết quân luật đem lại. Các công dân tốt sẽ được bảo vệ miễn là tuân thủ luật pháp", Charyien Intong, nhân viên một phòng khám y tế địa phương nói với Washington Post.

"Thiết quân luật là điều cần thiết. Nếu không làm như vậy, chúng tôi sẽ gặp nguy hiểm", Reynold Genoves, một sinh viên địa phương, nói. "Ông Duterte là người tốt. Quan trọng hơn, ông ấy là một người mạnh mẽ", Genoves nhận xét.

Cuoc song duoi lenh thiet quan luat o que tong thong Philippines hinh anh 1

Khói đen bốc lên từ các tòa nhà bị đốt cháy do tên lửa từ trực thăng quân sự ở Marawi, đảo Mindanao, miền nam Philippines, ngày 30/5.

Trên khắp Davao, mọi người đều bàn tán về thiết quân luật. Không phải ai cũng hiểu rõ thiết quân luật có ý nghĩa như thế nào và tại sao thành phố này lại cần tới nó.

Davao cách nơi quân đội đang chiến đấu chống lại các phần tử cực đoan có dính líu với Nhà nước Hồi giáo (IS) vài giờ lái xe. Ngay cả đối với những người ủng hộ đường lối mới cứng rắn hơn của Tổng thống Duterte, tuyên bố áp dụng thiết quân luật của ông vẫn khiến họ bị sốc.

"Các tổng thống trước đây chưa bao giờ đảm bảo được an toàn cho chúng tôi hay chống lại khủng bố", Intong nói.

Các quan chức phụ trách thực thi chính sách mới cho biết họ đang tăng cường các hoạt động quân sự và không có nhiều thời gian cho các thủ tục dân sự hay lắng nghe những ý kiến chỉ trích.

Thêm cánh cho quân đội và cảnh sát

"Thiết quân luật như thêm cánh cho quân đội và cảnh sát bằng cách khiến họ bạo dạn hơn", Thiếu tướng đã nghỉ hưu Benito de Leon, lãnh đạo Trung tâm Chỉ huy An ninh và An toàn Công cộng ở Davao, cho biết.

De Leon và các quan chức khác ở đây lưu ý rằng hiến pháp 1987 đã đặt ra những giới hạn về thiết quân luật để thời kỳ Ferdinand Marcos không tái diễn.

Cố tổng thống Marcos áp dụng thiết quân luật vào năm 1972 và điều hành đất nước cho đến khi bị lật đổ vào năm 1986. Chính phủ Philippines đang bồi thường cho hàng nghìn nạn nhân bị tra tấn trong thời kỳ đó, trong khi hàng chục nghìn người khác đang nộp đơn khiếu nại.

Cuoc song duoi lenh thiet quan luat o que tong thong Philippines hinh anh 2

Các binh sĩ tuyên thệ trong lễ thượng cờ ở Lanao Del Sur, thủ phủ của Mindanao, ngày 12/6.

"Chúng tôi tuân theo luật nhân đạo quốc tế. Tôi cũng tin tưởng mọi người luôn tuân theo luật đó", Alexander Camilon Tagum, giám sát viên cấp cao tại Davao, cho biết. "Anh sẽ không nghe thấy bất kỳ vụ lạm dụng nào", Tagum khẳng định.

Chính phủ không nêu rõ thiết quân luật chỉ được sử dụng trong cuộc chiến chống lại quân nổi dậy Hồi giáo hay còn được dùng để chống ma túy, tội phạm đường phố và thực hiện các mục tiêu an ninh khác. 

"Thiết quân luật đem lại quyền lực cho bất cứ tổng thống nào. Nhưng chúng tôi không chắc chương trình nghị sự của ông Duterte chính xác là gì. Chúng tôi tự hỏi tại sao toàn bộ Mindanao đều được bao trùm. Điều này có vẻ quá mức cần thiết", Mags Maglana, thành viên nhóm Konsensya Dabaw, cho biết.

Tổ chức này ban đầu được thành lập để phản đối quyết định chôn cất cựu tổng thống Marcos ở Nghĩa trang Anh hùng của ông Duterte.

Là thị trưởng đầu tiên do dân bầu vào những năm 1980, ông Duterte theo đuổi chính sách cứng rắn chống lại những kẻ buôn ma túy và các phần tử nổi dậy với "Biệt đội Tử thần" khét tiếng phối hợp hoạt động cùng chính quyền.

Sau khi nhậm chức tổng thống, ông Duterte đã mở "cuộc chiến ma túy" trên phạm vi toàn quốc. Ở Davao, người dân ca ngợi vị cựu thị trưởng đã khiến thành phố an toàn hơn sau nhiều năm điều hành.

Thị trưởng hiện tại của Davao là Sara Duterte, con gái của tổng thống. Cô từng khởi động chương trình "Thành phố Sắt" bao gồm việc bổ sung 900 sĩ quan cảnh sát mới.

Cảnh sát trưởng Tagum cho biết thiết quân luật cho phép các sĩ quan khám xét toàn diện tại các trạm kiểm soát và tiến hành bắt giữ theo tin tình báo mà không cần lệnh bắt.

"Điều này chủ yếu là để chống khủng bố", Tướng Gilbert I. Gapay, phó chỉ huy quân đội khu vực, nói. "Tuy nhiên cũng có hiệu quả đi kèm. Việc tăng cường các trạm kiểm soát cũng góp phần vào hoạt động chống tội phạm", ông Gapay nhận định.

Ông thừa nhận một số binh sĩ không thích việc áp dụng thiết quân luật vì điều này đồng nghĩa họ không có thời gian nghỉ ngơi và phải đảm nhận thêm trách nhiệm.

"Chúng tôi được đào tạo vì mục đích khác, không phải để thực thi pháp luật. Chúng tôi đã phối hợp hoạt động với cảnh sát trong thời gian dài nhưng để đóng vai trò dẫn dắt thì lại là một việc khác", ông nói.

Theo Tuyết Mai (Tri Thức Trực Tuyến)