Thế giới

Cuộc sống của ‘cư dân’ tại Thung lũng Silicon Trung Quốc (P1): Trả giá cho tham vọng đổi đời bằng sức khỏe và hạnh phúc

Từng là nghĩa địa của các hoạn quan Trung Quốc thời phong kiến, Khu công nghệ cao Zhongguancun, Hải Điền nằm ở phía Tây Bắc Bắc Kinh, được bao quanh bởi Đường vành đai 40, 1 trong những đường cao tốc chính của thủ đô Trung Quốc.

Suốt ba thập kỷ qua, Zhongguancun – “Thung lũng Silicon” đầu tiên của Trung Quốc, đã chứng kiến ​​sự gia tăng chóng mặt của nhiều thế hệ khởi nghiệp công nghệ, phần mềm, phần cứng và internet... Từ nhà sản xuất máy tính Lenovo, cổng thông tin Sina đến ứng dụng gọi xe Didi Chuxing.

Cuộc sống của ‘cư dân’ tại Thung lũng Silicon Trung Quốc (P1): Trả giá cho tham vọng đổi đời bằng sức khỏe và hạnh phúc
Thung lũng Silicon đầu tiên của Trung Quốc - Zhongguancun

Theo các báo cáo của chính quyền Bắc Kinh, từng có thời điểm mỗi ngày tại Zhongguancun chứng kiến tới… 80 công ty khởi nghiệp công nghệ được “khai sinh” từ khu vực này.

Yu Haoran, một chuyên gia khoa học máy tính 26 tuổi, là nhà sáng lập Jisuanke - một công ty khởi nghiệp ở quận Zhongguancun. Công ty của Yu tập trung vào mảng tạo ra những ứng dụng dạy trẻ em học lập trình.

Văn phòng làm việc của Jisuanke được đặt trong một không gian làm việc chung (của 3 công ty khác nhau) thuộc… tầng hầm 1 trong những tòa nhà ở Zhongguancun. Jisuanke chỉ cách căn hộ hai phòng ngủ (thuê) của Yu vài chục bước chân. Căn hộ của Yu thực ra cũng được anh tận dụng nốt cho công việc. Nó trở thành chỗ ngủ miễn phí của các thực tập viên cho Jisuanke.

Từ một nhóm 10 lập trình viên chung tay ban đầu, nhờ Quỹ đầu tư mạo hiểm của Zhongguancun, Jisuanke đã phát triển thành một công ty công nghệ được định giá 200 triệu Nhân dân tệ (29,8 triệu USD).

Nhưng cái giá cá nhân Yu phải trả cho thành công ban đầu của mình là nhiều đêm dài làm việc, những ngày cuối tuần không được nghỉ ngơi cùng chứng mất ngủ kinh niên. Và thậm chí, có thể là cả hạnh phúc của chính mình.

Cuộc sống của ‘cư dân’ tại Thung lũng Silicon Trung Quốc (P1): Trả giá cho tham vọng đổi đời bằng sức khỏe và hạnh phúc - 1
Yu - nhà sáng lập Jisuanke, một công ty khởi nghiệp tại Zhongguancun

“Anh ấy rất tập trung vào công việc, nỗ lực không ngừng nghỉ từng ngày từng giờ để giữ cho start-up của mình tồn tại và phát triển trong sự cạnh tranh gay gắt của thị trường công nghệ. Anh ấy, thậm chí, chỉ ngủ khoảng 2 tiếng mỗi đêm” – Li, bạn gái của Yu giãi bày trong cuộc phỏng vấn với tờ Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Khi được hỏi liệu cô có sẵn sàng đánh đổi hạnh phúc và tuổi xuân của bản thân vì sự nghiệp của bạn trai hay không, Li ngập ngừng và từ chối đưa ra câu trả lời. “Chúng tôi đã lên kế hoạch cho một đám cưới từ 2 năm trước, nhưng giờ thậm chí ngay cả thời gian dành cho việc… yêu, anh ấy cũng không có” – Li sầu thảm cho biết.

Câu chuyện của Yu và bạn gái của anh không phải ngoại lệ tại Zhongguancun, nơi hiện có hơn 6000 chuyên gia, kĩ thuật viên, nhân viên công nghệ đang làm việc như những “nô lệ” cho khát vọng đổi đời. Những người sẵn sàng đánh đổi sức khỏe, tuổi thanh xuân, thậm chí cả nhu cầu sinh lý cơ bản của bản thân vì giấc mộng khởi nghiệp.

Theo Tân Hõa Xã, bình quân năm 2018, Trung Quốc “trình làng” 4 tân tỉ phú mỗi tuần. Mà “start-up” công nghệ cao, khởi đi từ “thung lũng Silicon” Zhongguancun chính là động lực số 1 để hướng tới sự giàu có. Yu và hàng ngàn người khác trong hoàn cảnh đang ở bước đầu tiên của sự thành công, hẳn nhiên đều hi vọng mình trở thành một Jack Ma thứ hai.

Cuộc sống của ‘cư dân’ tại Thung lũng Silicon Trung Quốc (P1): Trả giá cho tham vọng đổi đời bằng sức khỏe và hạnh phúc - 2
Mất ngủ kinh niên, thậm chí không có cả thời gian cho "chuyện ấy", là chuyện của không chỉ riêng Yu

Không ít người khởi nghiệp tại Zhongguancun trước Yu cuối cùng cũng nhận ra rằng: sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống mới là điều quan trọng hơn cả, thay vì bất chấp theo đuổi tham vọng đổi đời bằng mọi giá. Nhiều người khác đang cố gắng mỗi ngày để tìm cách thoát khỏi Thế giới danh vọng nhưng cũng đầy khắc nghiệt của Zhongguancun.

Còn Yu thì sao?

Anh đang bắt đầu thực hiện những thay đổi nhỏ trong lối sống của mình. Chăm sóc bản thân nhiều hơn. Như chạy trên máy chạy bộ và làm bữa sáng tại nhà mỗi ngày. Vào một buổi chiều gần đây, anh đã mua một chiếc áo mới đầu tiên sau nhiều năm, chiếc áo sơ-mi màu xanh dương thương hiệu Uniqlo.

Món tiếp theo trong danh sách cần mùa của Yu? Xe trượt điện Hoverboard. Một mặt hàng quen thuộc đối với các cư dân của “Thung lũng Silicon” Zhongguancun, để tiết kiệm thời gian trên đường đi làm.

Rốt cuộc Yu vẫn chưa thể thực sự thoát ra khỏi “thế kẹt” của bản thân anh!

THANH XUÂN (SHTT)