Thế giới

Cuộc đua thiết bị nổi không người lái và thiết bị lặn không người lái

Lịch sử chế tạo hệ thống robot tự động trên biển được bắt đầu vào năm 1898 tại Madison Square Garden (Mỹ), khi nhà phát minh nổi tiếng người Serbia Nikola Tesla giới thiệu về chiếc tàu ngầm được điều khiển bằng sóng radio tại một cuộc triển lãm.

Sau những năm 1945, các phòng thí nghiệm quân đội đã nỗ lực nghiên cứu chế tạo những thiết bị nổi và lặn để thực hiện một loạt nhiệm vụ chiến đấu. Do đó, tại hai cường quốc quân sự Nga và Mỹ, nhiều thiết bị nổi không người lái (USV) và thiết bị lặn không người lái (UUV) được tạo ra...

"Gia tài" của Mỹ

Trong lực lượng Hải quân Mỹ, các thiết bị hải quân không người lái bắt đầu được sử dụng ngay sau Thế chiến II. Năm 1946, trong quá trình thử nghiệm bom nguyên tử trên đảo san hô vòng Bikini, Hải quân Mỹ đã tiến hành thu thập mẫu nước bằng cách sử dụng USV được điều khiển từ xa bằng sóng radio. Vào cuối những năm 1960, thiết bị quét mìn đã được lắp đặt trên USV của Mỹ.

Cuộc đua thiết bị nổi không người lái và thiết bị lặn không người lái
Hình ảnh USV CUSV của Mỹ. Nguồn: navsea.navy.mil

Theo Tờ báo Nga Zvezdaweekly, năm 1994, Hải quân Mỹ công bố tài liệu UUV Master Plan-một bản kế hoạch tổng thể về UUV, trong đó quy định việc sử dụng các thiết bị này làm nhiệm vụ chống mìn, thu thập thông tin và thực hiện các nhiệm vụ hải dương học cho Hải quân.

Năm 2004, một kế hoạch mới về thiết bị lặn không người lái đã được Quân đội Mỹ công bố. Được biết, trong bản kế hoạch này, UUV được giao làm các nhiệm vụ thăm dò, chống mìn và chống ngầm, liên lạc, dẫn đường, tuần tra và bảo vệ các căn cứ trên biển.

Ngày nay, Hải quân Mỹ phân loại USV và UUV theo kích thước và nhiệm vụ sử dụng. Điều này cho phép phân chia tất cả các loại thiết bị hải quân tự động thành 4 lớp: Lớp X, lớp Harbor, lớp Snorkeler và lớp Fleet.

Dưới đây là một số mẫu USV và UUV đang nằm trong trang bị hoặc đang được phát triển của Quân đội Mỹ.

Nói về USV của Quân đội Mỹ, đầu tiên phải kể đến CUSV - chiếc tàu không người lái thuộc lớp Fleet với chiều dài 11m, rộng 3,08m, tốc độ tối đa 28 hải lý/ giờ do Công ty Textron của Mỹ phát triển. CUSV làm nhiệm vụ tuần tra, trinh sát và tấn công. Kế đến là ACTUV- một thiết bị nổi không người lái nặng 140 tấn thuộc lớp Fleet.

ACTUV được phát triển để làm nhiệm vụ săn tàu ngầm. Mẫu USV này có tốc độ 27 hải lý/ giờ, phạm vi di chuyển lên đến 6.000km và tự vận hành được trong 80 ngày.Trên tàu được lắp đặt hệ thống sonar phát hiện tàu ngầm và các phương tiện liên lạc để cung cấp thông tin về tọa độ của tàu ngầm đã tìm thấy.

Cuộc đua thiết bị nổi không người lái và thiết bị lặn không người lái - 1
UUV REMUS của Mỹ. Nguồn: navsea.navy.mil

Nhắc đến UUV của Quân đội Mỹ, có thể kể đến thiết bị lặn không người lái Ranger thuộc lớp X do Công ty Nekton Research phát triển. Ranger được chế tạo để sử dụng trong các cuộc viễn chinh, trong các nhiệm vụ phát hiện thuỷ lôi, trinh sát và tuần tra.

Ranger được thiết kế cho các nhiệm vụ ngắn hạn với tổng chiều dài 0,86m, nặng dưới 20kg và di chuyển với tốc độ khoảng 15 hải lý/ giờ.

Tiếp theo là REMUS -mẫu robot dưới nước thuộc lớp X. REMUS có trọng lượng 30,8kg, dài 1,3m, có thể lặn 150m, tự động vận hành trong khoảng thời gian lên đến 22 giờ, tốc độ di chuyển dưới nước là 4 hải lý/giờ.

Loại robot này được phát triển trên nền tảng thiết bị nghiên cứu dân sự Remus-100 của Hãng Hydroid của Mỹ-chi nhánh con của Công ty Kongsberg Maritime. REMUS giải quyết các nhiệm vụ trinh sát chống mìn và kiểm tra dưới nước khi biển cạn.

Cuối cùng là LDUUV - thiết bị lặn không người lái thuộc lớp Snorkeler có độ dài gần 6m, tốc độ đi chuyển dưới nước đến 6 hải lý/ giờ, có thể hoạt động ở độ sâu 250m. LDUUV thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu và đặc biệt ở vùng biển xa.

Nga không chịu lép vế

Bộ Quốc phòng Nga đang mở rộng phạm vi áp dụng UUV và USV để tiến hành nhiệm vụ trinh sát trên biển, chống tàu nổi và tàu ngầm , chống mìn , phát hiện và phá hủy cơ sở hạ tầng của đối phương. Hải quân Nga, cũng giống như Hải quân Mỹ, coi việc tích hợp UUV vào các tàu ngầm hạt nhân và phi hạt nhân thế hệ thứ năm là hướng ưu tiên.

Sau đây là các mẫu USV và UUV của Quân đội Nga được Tờ Zvezdaweekly giới thiệu. Đầu tiên là USV Iskatel thuộc lớp Fleet do Xí nghiệp sản xuất và khoa học "Điện tử hàng không và hàng hải" ở St.Petersburg chế tạo hiện đang được thử nghiệm. Iskatel làm nhiệm vụ phát hiện và theo dõi các mục tiêu dưới nước bằng thiết bị sonar.

Ngoài ra, Iskatel còn có thể theo dõi mục tiêu nổi ở khoảng cách 5km nhờ sự trợ giúp của hệ thống giám sát quang điện tử. Được biết, USV Iskatel có phạm vi hoạt động lên đến 30km.

Cuộc đua thiết bị nổi không người lái và thiết bị lặn không người lái - 2
USV Iskatel của Nga. Nguồn: forums.airbase.ru

Hải quân Nga đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng UUV trong việc giải quyết các nhiệm vụ của hạm đội. Bài báo đăng trên Zvezdaweekly đã liệt kê một số UUV tiêu biểu của Nga. Mẫu UUV đầu tiên được nói tới là Maevaka - thiết bị lặn thuộc lớp Snorkeler làm nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu hủy thủy lôi.

Kế đến là UUV Klavesin do Cục Thiết kế hàng hải Trung ương Rubin chế tạo. Klavesin với các phiên bản nâng cấp khác nhau từ lâu đã nằm trong trang bị của Hải quân Nga. Có vẻ ngoài trông như một quả ngư lôi, dài khoảng 6m và nặng 2,5 tấn, Klavesin được sử dụng cho mục đích nghiên cứu và trinh sát, khảo sát và lập bản đồ đáy biển, tìm kiếm các vật thể bị chìm.

Phiên bản cải tiến Klavesin-2R-PM được tạo ra đặc biệt để kiểm soát vùng nước của Bắc Băng Dương.

Không chỉ có Klavesin, Cục Thiết kế Rubin cũng phát triển một số mẫu UUV khác cho Hải quân Nga như Yunona và Amulet. Với chiều dài dài 2,9m và tầm hoạt động 60km, Yunona thuộc lớp X được thiết kế để trinh sát chiến thuật trong vùng biển gần tàu thả mẫu UUV này xuống nước nhất.

Còn UUV Amulet (lớp X) được phát triển để tìm kiếm và nghiên cứu môi trường dưới nước (nhiệt độ, áp suất và vận tốc âm thanh). Độ lặn sâu tối đa của Amulet là 50m, tốc độ di chuyển dưới nước tối đa là 5,4 km/h, phạm vi hoạt động lên đến 15km.

Cuộc đua thiết bị nổi không người lái và thiết bị lặn không người lái - 3
Cấu tạo mẫu UUV Klavesin-2R-PM của Nga. Nguồn: Militaryrussia.ru

Năm 2011, Lực lượng cứu hộ thuộc Hạm đội Biển đen của Nga đã tiếp nhận mẫu UUV Obzor-600 thuộc lớp X do Công ty Tetis-Pro sản xuất. Nhiệm vụ chính của Obzor-600 là trinh sát đáy biển và các vật thể dưới nước. Obzor-600 có thể hoạt động ở độ sâu 600m với vận tốc 3,5 hải lý.

Chiếc UUV của Nga nhận được sự chú ý nhiều nhất là Poseidon-một thiết bị lặn không người lái không có phiên bản khác trên thế giới. Trước đó, dự án này được gọi là Status-6. Về bản chất, Poseidon là một tàu ngầm nguyên tử có kích thước nhỏ và có thể lặn sâu dưới đại dương. Tốc độ di chuyển dưới nước của Poseidon nằm trong khoảng từ 55-100 hải lý/ giờ.

Theo Thùy Linh (Quân Đội Nhân Dân Online)