Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Covid-19 ở Pháp không bắt nguồn từ Trung Quốc

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Pháp không bắt nguồn từ những ca bệnh từ Trung Quốc mà từ một chủng virus không rõ nguồn gốc lây lan tại địa phương, theo nghiên cứu mới của Viện Pasteur Paris.

Phân tích gene cho thấy chủng virus corona phổ biến tại Pháp thuộc một nhánh không phải có nguồn gốc từ Trung Quốc hay Italy, theo SCMP.

"Dịch bệnh tại Pháp được gây ra bởi một hoặc một vài chủng virus thuộc nhánh này... chúng tôi cho rằng virus đã âm thầm lây lan ở Pháp từ tháng Hai," nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi các tiến sĩ Sylvie van der Werf và Etienne Simon-Loriere viết trong báo cáo được đăng tải trên trang web bioRxiv.org vào tuần trước.

Pháp phát hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào tháng 01, trước nhiều nước châu Âu khác. Một số bệnh nhân có lịch trình di chuyển tới tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) được xét nghiệm vào ngày 24/01 đã cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Chính phủ Pháp đã ban hành những biện pháp phòng chống dịch bệnh nhanh chóng và quyết liệt, rà soát tiếp xúc đối với những người mắc bệnh để làm giảm nguy cơ lây lan.

Tuy vậy, chủng virus trên các bệnh nhân ban đầu đã không xuất hiện ở những ca bệnh tiếp theo, có nghĩa là "biện pháp cách ly đối với những trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Pháp dường như đã chặn đứng lây lan cộng đồng," các nhà nghiên cứu cho hay.

Covid-19 ở Pháp không bắt nguồn từ Trung Quốc
Pháp ghi nhận những trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên từ cuối tháng 01 (Ảnh: AP)

Viện Pasteur Paris đã lấy mẫu từ hơn 90 bệnh nhân trên khắp nước Pháp và phát hiện các chủng virus đều bắt nguồn từ một đường dây di chuyền. Các chủng thuộc đường dây di chuyền này hiện mới chỉ được phát hiện tại châu Âu và châu Mỹ.

Mẫu sớm nhất trong số trên được lấy tại Pháp là vào ngày 19/02, từ một bệnh nhân không có lịch trình di chuyển, và cũng không tiếp xúc với những hành khách trở về từ vùng dịch. Một số bệnh nhân khác có lịch trình di chuyển tới các nước châu Âu, UAE, Madagascar và Ấn Độ, nhưng không có bằng chứng rằng họ đã nhiễm bệnh ở những địa điểm này.

Các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên khi phát hiện một số chủng virus thu thập được sau này lại "già" hơn về mặt di truyền, nghĩa là gần với "nguồn gốc tổ tiên" hơn so với mẫu đầu tiên.

Để giải thích điều này, các nhà nghiên cứu nêu giả thuyết virus đã lây lan trong cộng đồng tại Pháp trong một thời gian trước khi được giới chức y tế phát hiện.

Nhà chức trách Pháp có thể đã không phát hiện được những trường hợp lây nhiễm này. Theo các nhà nghiên cứu, nhiều bệnh nhận có thể chỉ có triệu chứng nhẹ, hoặc không có triệu chứng.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ba trình tự bộ gene của virus được tìm thấy ở các mẫu bệnh phẩm từ Algeria có liên quan gần gũi với chủng virus ở Pháp, cho thấy có thể hành khách từ Pháp đã mang Covid-19 tới nước này.

Giáo sư Benjamin Neuman, trưởng khoa sinh học tại Đại học Texas A&M ở Texarkana cho rằng chủng virus ở Pháp có thể bắt nguồn từ Bỉ, nơi ghi nhận những mẫu virus giống với chủng ở Trung Quốc nhất.

"Bởi chủng virus SARS-CoV-2 sớm nhất ở châu Âu dường như có liên quan tới Bỉ, giả thuyết virus lây lan từ Bỉ tới Italy và Pháp cùng lúc có vẻ hợp lý, như các tác giả đã nêu trong nghiên cứu," ông Neuman cho hay.

Không chỉ Pháp, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đã phát hiện ra rằng dịch bệnh tại địa phương không có liên hệ trực tiếp với dịch bệnh tại Trung Quốc. Chủng virus corona phổ biến tại Nga và Australia được cho là tới từ châu Âu và Mỹ, theo các nghiên cứu.

Những phát hiện này khiến nhiều chính trị gia không đồng tình. Tổng thống Mỹ đã bày tỏ sự phản đối sau khi hai nhóm nghiêm cứu khác nhau tại Mỹ phát hiện các chủng virus corona gây dịch bệnh tại New York có nguồn gốc từ châu Âu.

"Bây giờ Tin Giả New York Times đã lần ra nguồn gốc virus corona từ châu Âu, không phải Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên!", tổng thống Mỹ viết trên Twitter hôm 11/04.

Một số nhà khoa học, trong đó có giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ Francis Collins, cho rằng virus có thể đã lây lan trên con người nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ trước khi bùng phát thành dịch bệnh. Virus có thể đã tiến hóa để xâm nhập thể người tốt hơn. Một số gene quyết định khả năng bám vào tế bào vật chủ được cho là tương tự, thậm chí giống hệt, như các virus truyền nhiễm nguy hiểm khác, bao gồm HIV và Ebola.

Một số nhà khoa học ước tính "tổ tiên" của SARS-CoV-2 có thể đã rời loài dơi cách đây 50-70 năm. Nghiên cứu gần đây của một nhóm chuyên gia di truyền tại Đại học Oxford ước tính dịch bệnh Covid-19 có thể đã bùng phát từ tháng 09 năm ngoái. Cũng theo nghiên cứu này, chủng virus phổ biến tại Trung Quốc và châu Á dường như "trẻ hơn" so với các chủng phổ biến ở Mỹ.

Tố Linh (Nguoiduatin.vn)