Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Covid-19 chưa dứt, giới khoa học lại phát hiện thêm 6 chủng virus corona ở dơi

Nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình Y tế Toàn cầu của Viện Smithsonian (Mỹ) thông báo phát hiện sáu chủng virus corona mới ở dơi tại Myanmar. Đây là lần đầu tiên các chủng virus mới này được phát hiện trên thế giới.

Theo các nhà khoa học, sáu chủng virus corona này cùng thuộc một gia đình với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19, hiện đã khiến hơn 1,7 triệu người nhiễm bệnh và hơn 100.000 người tử vong.

Các nhà khoa học phát hiện sáu chủng virus mới khi nghiêm cứu các loài dơi ở Myanmar, trong chương trình PREDICT do Mỹ tài trợ. Mục tiêu của chương trình là xác định các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan sang động vật hoặc con người.

Covid-19 chưa dứt, giới khoa học lại phát hiện thêm 6 chủng virus corona ở dơi

Dơi là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học, bởi chúng được cho là đang mang trong mình rất nhiều chủng virus corona chưa được biết đến. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 được cho là đã xuất hiện ở dơi trước khi lây lan sang con người, các nhà khoa học viết trong nghiên cứu được đăng tải trên tuần san PLOS ONE hôm 09/04.

Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu nước dãi và phân từ 464 cá thể dơi thuộc 11 loài, và phát hiện ra sáu chủng virus mới ở ba loài dơi. Các chủng virus mới được đặt tên là PREDICT-CoV-90, PREDICT-CoV-47, PREDICT-CoV-82, PREDICT-CoV-92, PREDICT-CoV-93 và PREDICT-CoV-96.

Nhóm nghiên cứu tin rằng các chủng virus corona cùng họ với virus SARS-CoV-2, tuy vậy về mặt gene chúng không có nhiều điểm tương đồng với chủng này, hay hai chủng virus corona khác đã gây dịch bệnh cho con người là SARS-CoV (gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS-CoV (gây Hội chứng hô hấp Trung Đông).

Tuy vậy, họ cho rằng mức độ nguy cơ của các chủng virus corona mới hiện vẫn chưa được xác định, và sắp tới sẽ cần nghiên cứu kỹ lưỡng tìm hiểu khả năng các chủng virus này lây lan sang những loài động vật khác, cũng như nguy cơ đối với sức khỏe con người để phòng trách bùng phát dịch bệnh trong tương lai.

"Nhiều chủng virus corona không gây hại cho sức khỏe con người, nhưng khi chúng ta phát hiện sớm những căn bệnh như vậy trên động vật, chúng ta có cơ hội tìm hiểu về những nguy cơ tiềm ẩn," Suzan Murray, đồng tác giả của nghiên cứu và là giám đốc Chương trình Y tế Toàn cầu của viện Smithsonian nói.

"Kiểm soát, nghiên cứu và giáo dục là những công cụ hữu hiệu nhất để chặn đứng dịch bệnh trước khi chúng bùng phát," bà Murray nói thêm.

Nhóm nghiên cứu cho biết thêm điều quan trọng lúc này là tìm hiểu điều gì tạo điều kiện cho các virus trên động vật đột biến, và liệu chúng sẽ lây lan sang các loài vật khác như thế nào, để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện những đại dịch toàn cầu như Covid-19.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)