Thế giới

Cội nguồn ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và một năm kỷ niệm khác thường

Suốt hơn một thế kỷ qua, người dân trên khắp thế giới đã tưng bừng kỷ niệm 8/3 như ngày đặc biệt dành riêng cho phụ nữ. 

 

Song, không phải ai cũng biết rõ lịch sử ra đời của ngày lễ này cũng như những điểm đặc biệt của lễ kỷ niệm năm nay. 

Cội nguồn ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và một năm kỷ niệm khác thường
Hàng nghìn phụ nữ ở Petrograd, Nga tuần hành đòi "bánh mỳ và hòa bình" vào ngày 8/3/1917. Ảnh: CNN

Nguồn gốc

Ngày Quốc tế phụ nữ (IWD) phát triển từ phong trào lao động và trở thành sự kiện thường niên được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận.

Những hạt mầm giúp nảy sinh IWD xuất hiện vào năm 1908, khi 15.000 phụ nữ tuần hành khắp thành phố New York, Mỹ để đòi giảm thời gian làm việc, lương cao hơn và quyền bầu cử cho phái yếu. Một năm sau đó, đảng Xã hội Mỹ đã công bố Ngày Phụ nữ quốc gia đầu tiên.

Ý tưởng tạo lập ngày quốc tế cho phái yếu đến từ một người phụ nữ có tên Clara Zetkin. Bà đề xuất ý tưởng này vào năm 1910, tại Hội nghị quốc tế của các lao động nữ ở Copenhagen (Đan Mạch). Có 100 phụ nữ đến từ 17 quốc gia ở đó và họ nhất trí đề xuất của bà Zetkin.

Lí do ngày 8/3 được chọn

Lúc đề xuất ý tưởng, bà Zetkin không đề cập đến thời điểm cố định được chọn là Ngày Quốc tế phụ nữ. Mọi thứ chưa chính thức hóa cho đến khi một cuộc đình công thời chiến nổ ra năm 1917, khi phụ nữ Nga yêu cầu "bánh mỳ và hòa bình". Bốn ngày sau cuộc tuần hành của phụ nữ, Sa hoàng buộc phải thoái vị và chính phủ lâm thời cấp quyền bầu cử cho phái yếu. Ngày mà cuộc đình công của phụ nữ bắt đầu theo lịch Julian đang được sử dụng ở Nga khi đó là Chủ nhật, 23/2. Ngày này trong lịch Gregory (Dương lịch) là ngày 8/3 và đó là thời điểm được chọn làm ngày Quốc tế phụ nữ như hiện nay.

Cội nguồn ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và một năm kỷ niệm khác thường - 1
Một tấm áp phích kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 ở Sydney năm 1984, có sử dụng các màu sắc đặc trưng cho IWD. Ảnh: History.com 

Các màu sắc biểu tượng cho Ngày Quốc tế phụ nữ

Theo trang web Ngày Quốc tế phụ nữ, tím, xanh lá cây và trắng là các màu đại diện cho IWD.

"Màu tím tượng trưng cho công lý và phẩm giá. Màu xanh lá cây tượng trưng cho hy vọng. Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, mặc dù đây là một khái niệm gây tranh cãi. Các màu sắc bắt nguồn từ Liên minh Chính trị và xã hội của phụ nữ (WSPU) ở Anh vào năm 1908", trích giải thích trên trang web.

Thế giới có ngày Quốc tế nam giới?

Câu trả lời là có và đó là ngày 19/11. Tuy nhiên, ngày này mới chỉ được biết đến từ những năm 1990 và không được LHQ công nhận. Người dân ở hơn 80 quốc gia kỷ niệm Ngày Quốc tế nam giới, kể cả Anh.

Đây là ngày tôn vinh "giá trị tích cực mà nam giới mang lại cho thế giới, gia đình và cộng đồng của họ", nêu bật những hình mẫu tích cực và nâng cao nhận thức về hạnh phúc của phái mạnh. Chủ đề của ngày Quốc tế nam giới năm 2020 là "Sức khỏe tốt hơn cho nam giới và các bé trai". 

Các hoạt động kỷ niệm 8/3

Ngày Quốc tế phụ nữ là một ngày lễ quốc gia ở nhiều nước, bao gồm cả Nga, nơi số lượng hoa bán ra tăng gấp đôi trong 3 - 4 ngày xung quanh thời điểm 8/3. Ở Trung Quốc, nhiều phụ nữ được phép nghỉ làm nửa ngày vào 8/3 theo khuyến cáo của Quốc vụ viện, mặc dù nhiều người sử dụng lao động không phải lúc nào cũng thực hiện ưu đãi này cho các nhân viên nữ. Ở Italia, Ngày Quốc tế phụ nữ hay còn gọi là Festa della Donna được kỷ niệm bằng cách tặng hoa mimosa. Nguồn gốc của truyền thống chưa được xác nhận rõ ràng, nhưng nó được tin bắt đầu ở Rome sau Thế chiến hai. Ở Mỹ, tháng 3 là tháng Lịch sử của phụ nữ. Tổng thống sẽ ra tuyên bố hàng năm nhằm tôn vinh những thành tựu của phụ nữ Mỹ. Năm nay sẽ có một chút khác biệt vì sự hoành hành của đại dịch Covid-19. Dự kiến sẽ có nhiều sự kiện trực tuyến hơn kỷ niệm ngày 8/3 trên khắp thế giới, bao gồm cả một sự kiện do LHQ chủ trì.

Chủ đề IWD 2021

LHQ đã công bố chủ đề cho IWD 2021 là “Phụ nữ trong vai trò lãnh đạo: Đạt được tương lai bình đẳng trong thế giới Covid-19”. Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) bày tỏ mong muốn, tất cả phụ nữ và bé gái trên toàn cầu có cơ hội thể hiện sự đa dạng và khả năng của họ trong tất cả các bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị. Theo quan chức này, đây là cách duy nhất để thế giới có được "một xã hội thực sự thay đổi, gắn kết phụ nữ trong quá trình ra quyết định vì bình đẳng và lợi ích cho tất cả mọi người".

Ngoài thông điệp trên còn có một số chủ đề khác liên quan. Trang web Ngày Quốc tế phụ nữ, vốn được thiết lập để "cung cấp một nền tảng giúp tạo ra sự thay đổi tích cực cho phụ nữ", đã chọn chủ đề #ChooseToChallenge (tạm dịch: Chọn thách thức) và kêu gọi mọi người "giơ cao tay để thể hiện bạn đang ở đây và bạn cam kết lựa chọn thách thức cũng như loại bỏ sự bất bình đẳng".

Cội nguồn ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và một năm kỷ niệm khác thường - 2
Một cuộc tuần hành ở Mỹ đòi quyền bình đẳng cho nữ giới. Ảnh: Boston Globe

Các nỗ lực đấu tranh

"Bình đẳng giới sẽ không đạt được trong gần một thế kỷ", theo chiến dịch IWD, gợi nhắc đến một tuyên bố của Diễn đàn Kinh tế thế giới rằng "không ai trong chúng ta sẽ chứng kiến bình đẳng giới trong cuộc đời của mình và cũng không nhiều con cái chúng ta có thể thấy điều đó". Thời điểm gần đây cũng là một khoảng thời gian rất khó khăn với phái yếu. Dữ liệu từ UN Women cho thấy, đại dịch Covid-19 có thể xóa sạch 25 năm thành tựu cải thiện bình đẳng giới. Phụ nữ đang phải làm việc nhà và chăm sóc gia đình nhiều hơn đáng kể do sự bùng phát của virus. Đại dịch cũng có thể ảnh hưởng nặng nề đến các cơ hội việc làm cũng như giáo dục dành cho phái yếu.

Bất chấp các lo ngại về mầm bệnh nguy hiểm, các cuộc tuần hành đã diễn ra trên khắp thế giới vào dịp IWD 2020. Trong khi đa số các sự kiện diễn ra hòa bình, tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, cảnh sát đã bắt giữ hàng chục nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ngay sau khi những người đàn ông đeo mặt nạ tấn công người tuần hành. Các nhà hoạt động nói, các quyền của phụ nữ đang bị hủy hoại ở nước này. Tại Pakistan, các cuộc tuần hành diễn ra ở một số thành phố bất chấp các mối đe dọa bạo lực và những kiến nghị pháp lý.Tại Mexico, khoảng 80.000 người đã xuống đường để nêu bật vấn nạn gia tăng bạo lực nhằm vào phụ nữ ở nước này. Mặc dù cuộc biểu tình bắt đầu trong hòa bình, cảnh sát cho biết một số nhóm đã ném bom xăng và lực lượng an ninh đáp trả bằng hơi cay. Hơn 60 người đã bị thương.

Dẫu vậy, trong vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự tiến bộ và phong trào phụ nữ đạt quy mô chưa từng có. Năm 2021 ghi dấu việc bà Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức, trở thành người phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên và cũng là người gốc Á đầu tiên đắc cử vị trí Phó tổng thống Mỹ.

Năm 2019, Phần Lan đã bầu ra một chính phủ liên minh mới do 5 phụ nữ đứng đầu, việc nạo phá thai không còn bị cấm đoán ở Bắc Ireland và luật kiểm soát cách phụ nữ cư xử, ăn mặc nơi công cộng ở Sudan cũng bị bãi bỏ. Thế giới cũng khó có thể quên tác động của phong trào #MeToo, vốn bắt đầu từ năm 2017 và phổ biến trên mạng xã hội nhằm đòi lại công lý cho những nạn nhân từng bị quấy rối hoặc tấn công tình dục. Phong trào đã trở thành một hiện tượng phát triển toàn cầu, tiếp tục phanh phui những hành vi không phù hợp, không thể chấp nhận được và dẫn tới nhiều vụ kết tội các nhân vật nổi tiếng.

Theo Tuấn Anh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/coi-nguon-ngay-quoc-te-phu-nu-8-3-va-mot-nam-ky-niem-khac-thuong-717902.html