Thế giới

Cô gái từng bị Taliban bắn vào đầu vừa tốt nghiệp đại học Oxford

Nhà hoạt động nhân quyền người Pakistan, cô Malala Yousafzai, chia sẻ "niềm vui và sự biết ơn" sau khi hoàn thành các bài thi cuối cùng tại đại học Oxford (Anh).

"Thật khó để thể hiện niềm vui và sự cảm kích của tôi sau khi hoàn thành ngành Triết học, Chính trị và Kinh tế của Đại học Oxford. Tôi không biết sẽ làm gì tiếp. Vào lúc này, kế hoạch là Netflix, đọc sách và ngủ", Malala Yousafzai chia sẻ niềm vui trên tài khoản Twitter.

Cô gái từng bị Taliban bắn vào đầu vừa tốt nghiệp đại học Oxford

Malala Yousafzai cũng chia sẻ 2 tấm hình thông báo việc cô đã hoàn thành chương trình đại học để tốt nghiệp.

Trong một bức cô đang cùng gia đình chúc mừng sự kiện trước cái bánh kem mừng tốt nghiệp. Bức còn lại là hình ảnh cô gái với đồ ăn và hoa giấy phủ khắp người trong một "nghi lễ" của các sinh viên sau khi hoàn tất các kỳ thi cuối cùng để tốt nghiệp đại học.

Cô gái từng bị Taliban bắn vào đầu vừa tốt nghiệp đại học Oxford - 1

Sinh năm 1997, Yousafzai đến từ thị xã Mingora ở huyện Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan. Cô bé được biết đến với hoạt động nữ quyền của mình, đặc biệt tại thung lũng Swat, nơi Taliban đã từng cấm nữ giới đi học.

Đầu năm 2009, khi mới 11-12 tuổi, Yousafzai đã thu hút sự chú ý của mọi người khi cô viết blog cho BBC kể chi tiết cuộc sống của cô dưới sự áp bức của Taliban, nỗ lực của Taliban kiểm soát thung lũng và quan điểm của cô bé về xúc tiến giáo dục cho nữ giới.

Yousafzai bắt đầu trở nên nổi tiếng, em được phỏng vấn trên các bài báo in và trên truyền hình. Cô bé đã được đề cử giải thưởng hòa bình trẻ em quốc tế bởi Desmond Tutu, một nhà hoạt động đấu tranh cho nhân quyền gốc Nam Phi.

Ngày 9/10/2012, hai tay súng đã chặn xe buýt chở Malala từ trường về nhà gần một trạm kiểm soát quân sự và xả súng bắn vào đầu và cổ của cô gái.

Trong những ngày sau cuộc tấn công, cô bé bất tỉnh và lâm vào tình trạng nguy kịch nhưng sau đó được chuyển tới Anh để điều trị.

Vụ ám sát đã biến cô bé trở thành biểu tượng toàn cầu. Cả đất nước Pakistan phẫn nộ, ngày 12/10/2012, người dân cả nước Pakistan đã cầu nguyện cho Malala. Làn sóng cầu nguyện cũng lan sang Afghanistan và các nước Hồi giáo khác.

Chính phủ Mỹ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lúc đó - ông Ban Ki Moon, UNICEF, Quỹ Phụ nữ toàn cầu... đều lên án hành vi tàn bạo của Taliban.

Năm 2014, Malala Yousafzai trở thành người trẻ nhất được trao giải Nobel Hòa bình ở tuổi 17. Ba năm sau đó, cô được nhận vào học tại trường Lady Margaret Hall thuộc ĐH Oxford.

Câu nói nổi tiếng nhất của Malala là: "Họ có thể bắn vào một cơ thể, nhưng họ không thể bắn vào giấc mơ của tôi".

Thiên Bình (Nguoiduatin.vn)