Thế giới

Cô gái Anh dọa biến thành ma ám băng nhóm bắt cóc Trung Quốc 87 năm trước

Với khả năng tiếng Trung trôi chảy, Tinko khiến những tên cướp đau đầu khi dọa dẫm chúng trong 41 ngày bị bắt cóc.

Cô gái Anh dọa biến thành ma ám băng nhóm bắt cóc Trung Quốc 87 năm trước
Tinko, cô gái bị bắt cóc năm 1932. Ảnh: Public Opinion.

Mùa đông năm 1932, thế giới xôn xao về một tin tức: cô gái Anh Muriel Pawley, tên thường gọi là Tinko, bị bắt cóc. Khi những tên cướp Trung Quốc dọa cắt tai Tinko nếu không nhận được tiền chuộc, độc giả rất lo lắng cho cô. Tinko trở thành cái tên được mọi người nhắc đến, theo SCMP.

Tinko khi đó vừa tròn 19 tuổi, có mái tóc vàng và đôi mắt xanh. Reuters mô tả Tinko là "cô gái yêu kiều rực rỡ như nắng hè". Cô vừa kết hôn với Kenneth Pawley được ba tháng và hai vợ chồng sống tại Thiên Tân, Trung Quốc.

Kenneth đến từ Gerrards Cross ở Buckinghamshire còn Tinko đã sống phần lớn thời gian ở Ngưu Trang (nay là Dinh Khẩu) tại vùng Mãn Châu vì cha mẹ cô là những nhà truyền giáo kiêm nhân viên y tế ở Trung Quốc.

Tháng 9/1932, cô về Ngưu Trang thăm bố mẹ, mang theo hai con chó becgie Whiskey và Rolf và một con chó giống pointer tên là Squiffy. Đó là quãng thời gian không an toàn để đi lại. Chưa đầy một năm trước, Đế quốc Nhật đã xâm chiếm Mãn Châu, lập nên quốc gia gọi Mãn Châu Quốc với chính phủ bù nhìn (chính quyền này bị hủy vào năm 1945 sau khi Nhật thất bại trong Thế chiến II).

Những người lính và nông dân Trung Quốc lâm vào cảnh túng quẫn nên trở thành kẻ cướp. Bắt cóc người nước ngoài là cơ hội kiếm tiền dễ dàng đối với họ.

Sau khi đến Ngưu Trang, sáng 7/9/1932, Tinko cùng ba con chó và hai người bạn, Charlie Corkran và Duncan "Mack" Macintosh gặp phải một băng cướp. Họ bị bắt cóc và đưa đến Đại Thạch Kiều, cách Ngưu Trang khoảng 23 km.

Băng cướp 100 tên do Pei Pa-tien và em trai cầm đầu. Họ gửi một lá thư yêu cầu tiền chuộc: 32.500 đồng bạc Trung Quốc thời bấy giờ - tương đương với khoảng 1,15 triệu USD ngày nay; một rương thuốc phiện; 240 khẩu súng trường, 4 súng carbin, 6 súng máy và 38.000 viên đạn; 5 kiện lụa đen; 100 nhẫn vàng; 60 đồng hồ vàng và trang phục mùa đông. Nhóm này dọa rằng nếu tiền chuộc không được trao, Tinko sẽ bị cắt tai và những con chó của cô sẽ bị giết.

Quân đội Nhật ở Mãn Châu gửi 500 lính tới Đại Thạch Kiều, tàu HMS Sandwich của hải quân Anh được phái đến Ngưu Trang để chờ nhận lệnh. Chỉ huy quân đội Mãn Châu Quốc tại Ngưu Trang, tướng Wang Tien-chung, được chỉ thị đàm phán với bọn cướp và nếu đàm phán thất bại thì thực hiện nhiệm vụ giải cứu "quét sạch những tên cướp khỏi mặt đất".

Một trong hai người bị bắt cóc cùng Tinko là Macintosh trốn thoát và tìm đường trở về Ngưu Trang. Anh kể lại rằng trong quãng thời gian bị giải từ Ngưu Trang đến hang ổ của bọn cướp, chân Tinko bị phồng rộp, tất dính đầy máu khô từ vết loét. Cô phải đi đôi hài quá nhỏ không thể bảo vệ đôi chân trước giá lạnh hay ẩm ướt. Trại của những tên cướp bẩn thỉu, rất lạnh và thức ăn rất tệ.

Con tin bị trói với nhau bằng dây thừng quấn quanh cổ và cánh tay. Họ ngủ trên một chiếc giường đầy rận và phải dùng lá cây bo bo làm giấy vệ sinh. Họ không thể ngủ vào ban đêm do tiếng động từ những cuộc chơi bài và hút thuốc phiện của băng cướp.

Macintosh cho rằng nếu không trao tiền chuộc, Tinko có thể bị "tra tấn bằng hàng nghìn vết cắt với con dao tẩm hạt tiêu để nhấm nháp sự đau đớn chậm chạp của cái chết". 

Độc giả toàn thế giới rất phẫn nộ khi đọc những mô tả này. Báo Pháp Lillillustré đăng trên trang bìa bức tranh vẽ Tinko và Corkran bị trói với nhau trông rất khổ sở trong khi con chó Whiskey nằm ở một góc. Những tên cướp mặt mày dữ tợn mang một thau đồ ăn đến cho họ.

Cô gái Anh dọa biến thành ma ám băng nhóm bắt cóc Trung Quốc 87 năm trước - 1
Bức tranh vẽ các con tin trên báo Pháp. Ảnh: Lillillustré.

Những người bạn lo lắng cho Tinko đã gửi một bưu kiện đến trại cướp, trong đó chứa một cái tẩu và thuốc lá cho Corkran, áo của Tinko, một cuốn sách, kẹo, đồ len và sôcôla. Tinko phản hổi bằng một lá thư cảm ơn: "Ở đây khá ổn nhưng chúng tớ cực kỳ buồn chán. Chúng tớ đã nhận được bưu kiện, tất cả mọi thứ đều ổn, tớ rất cần xà phòng".

Tinko tìm mọi cách để giảm bớt sự buồn chán. Cô hát và dùng tiếng Trung nói chuyện với Pei rằng nếu ông giết cô, cô sẽ ám ông khi hóa thành ma và biến tổ tiên của gã thành rùa. Những lời này khiến tên trùm khó chịu.

Lãnh sự quán Anh tại Thẩm Dương không muốn trả tiền chuộc. Họ cho rằng yêu sách của lũ cướp là quá đáng và không thực tế. Chồng và cha mẹ của Tinko yêu cầu bằng chứng rằng cô và Corkran vẫn còn sống. Bọn cướp viết một lá thư dọa rằng Tinko và Corkran sẽ bị bắn chết trong vòng một tuần. Họ cũng yêu cầu Tinko viết lời nhắn riêng cho cha: "Gửi cho con ít son nhé. Hãy chuyển đến 30.000 USD và 200 ounce (hơn 5kg) thuốc phiện nếu không thì con phải nói lời tạm biệt với đôi tai".

Sau khi đọc thư, mẹ Tinko thốt lên: "Cảm ơn chúa, Tinko muốn được gửi son! Chắc con bé ổn thôi".

Nhiều người Anh gửi thư yêu cầu lãnh sự quán hành động. Truyền thông Anh nhắc nhở độc giả rằng Nhật Bản kiểm soát Mãn Châu và chỉ trích chính phủ bù nhìn của Nhật "hoàn toàn bất lực trong giữ gìn trật tự".

Khi Wang và lực lượng 2.000 người của mình chuẩn bị xông vào trại cướp thì có một sự cố xảy ra: con trai 16 tuổi của Wang chết vì súng cướp cò khi đang kiểm tra vũ khí. Quá đau buồn, Wang hủy chiến dịch đột kích.

Thời tiết cũng là yếu tố cản trở các cuộc thương lượng. Mưa lớn biến khu vực xung quanh trại cướp thành vũng lầy, khiến những người truyền tin gặp khó khăn khi đi lại. Nhật đề nghị giúp đỡ nhưng Anh không công nhận chính quyền bù nhìn Mãn Châu Quốc và Tokyo không hài lòng về điều này.

"Những tên cướp muốn chúng con viết rằng chúng con đang rất khổ sở, nếu không thì họ sẽ đánh người truyền tin. Điều này thực sự rất nghiêm trọng. Họ muốn có tiền!! Trời ơi, con rất chán nản. Đây là một vũng bùn khủng khiếp. Yêu mọi người, Tinko", cô gái viết trong lá thư vào đầu tháng 10/1932.

Nhật tuyên bố sẵn sàng miễn truy cứu băng cướp và cho họ ra khỏi Đại Thạch Kiều nếu họ trả tự do cho con tin. Nhưng lũ cướp khăng khăng muốn yêu sách được thực hiện. "Chúng tôi không muốn nói gì thêm", chúng nhắn tin.

Khi thời tiết tốt hơn vào giữa tháng 10/1932, Tinko viết thư thúc giục giới chức làm theo yêu cầu của những tên cướp: "Nếu không có tiền và thuốc phiện thì chúng tôi phải tạm biệt đôi tai! Giờ ở đây như địa ngục. Những tên cướp đã chán ngấy. Mong mọi người nhanh chóng đưa chúng tôi ra".

Tony Stables, trợ lý tùy viên quân sự Anh tại Bắc Kinh, được cử đến gặp người đồng cấp Nhật Bản, Kawahito. Tuy nhiên, Anh vẫn giữ lập trường là không trả tiền chuộc.

Đến cuối tháng 10/1932, thời tiết lại tồi tệ: trời rất lạnh và có mưa đá. Bưu kiện chứa găng tay len, đồ lót, bánh quy, đồ uống ca cao và bạc hà được gửi đến Đại Thạch Kiều. Xà phòng cũng được gửi đến nhưng bị bọn cướp giữ cho riêng mình.

Tinko bắt đầu có vẻ tuyệt vọng. "Bố ơi làm ơn hãy nhanh lên. Chúng con chán quá rồi. Chỗ này quá bẩn thỉu, rận ở khắp nơi. Đồ ăn thì tồi tệ, cả ngày chỉ có hạt bo bo. Con rất muốn về nhà. Đừng để cho người lính nào đến không thì chúng con sẽ bị giết", cô viết trong thư.

Corkran thì để lại lời nhắn trào phúng: "Cháu hy vọng bác có thể nhanhh chóng cải thiện tình hình cho Tinko. Cháu thì dạo này đang thích hạt bo bo và lũ rận. Cháu cũng đã học được vài tiếng Trung".

Bưu kiện chứa bánh pudding và rượu whiskey được gửi đến. Những tên cướp Trung Quốc không động vào những đồ ăn lạ lẫm này. Tinko viết thư nói rằng thức ăn và đồ uống đều rất tốt nhưng cô vẫn rất chán chường. "Xin hãy gửi phấn, kem dưỡng da mặt và son môi. Con đã không có gì dùng trong 6 ngày!".

Gói hàng tiếp theo được gửi đến trại cướp không có mỹ phẩm nhưng có sôcôla, sữa, phô mai, thịt hộp, bơ đậu phộng và giấy vệ sinh.

Và đó là bưu kiện cuối cùng. Kawahito quyết định hành động. Ông cho rằng Anh sẽ không bao giờ gửi tiền hay thuốc phiện, vì vậy, ông đã thuyết phục một nhóm những người yêu nước Nhật Bản ủng hộ tiền với lý do cuộc giải cứu con tin có thể gây tiếng vang và khiến cộng đồng quốc tế công nhận Mãn Châu Quốc.

Ông mang theo 700 người đến trại cướp để đàm phán với tên cầm đầu Pei Pa-tien. Có nhiều lời kể về cuộc đàm phán này, kịch tính nhất là Kawahito và Pei đã chĩa súng vào tim nhau, sẵn sàng nổ súng ngay lập tức nếu bọn cướp hoặc quân đội Nhật tấn công phe đối phương.

Cuối cùng, những tên cướp nhận được 130.000 đồng yen Mãn Châu Quốc; 75 kg thuốc phiện; 40 nhẫn vàng; quần áo giày dép mùa đông, 5 bộ đồ theo phong cách phương Tây và một tá đồng hồ vàng. Những tên cướp còn được miễn truy cứu và được phép gia nhập lực lượng cảnh sát Mãn Châu Quốc mới thành lập.

Sau 41 ngày bị giam cầm, Tinko và Corkran được trả tự do. Tinko mặc áo len và quần kaki; chân cô đầy bùn và vết muỗi đốt. Corkran thì râu ria xồm xoàm, cầm theo chiếc tẩu đã được gửi đến trong quãng thời gian bị bắt cóc.

Cô gái Anh dọa biến thành ma ám băng nhóm bắt cóc Trung Quốc 87 năm trước - 2
Tinko (giữa) và Corkran (trái) cùng chồng mình, Kenneth. Ảnh: Kingsport Times.

Pei có lẽ đã thở phào nhẹ nhõm khi "thoát" khỏi Tinko - khả năng tiếng Trung tốt và sự sắc sảo của cô đã khiến y đau đầu. Tinko liên tục đe dọa tuyệt thực và bọn cướp thừa nhận rằng chúng sợ cô chết đói, khiến vụ bắt cóc trở nên vô nghĩa nên đã cho cô ăn bánh ngọt. Khi bàn giao con tin cho Kawahito, Pei nháy mắt và nói đùa với Tinko: "Bao giờ xài hết tiền, tôi sẽ gọi cho cô".

Tinko được đưa đến Bệnh viện Truyền giáo Ngưu Trang, nơi cha cô là bác sĩ trưởng. Trên người cô có một số vết bầm tím, vết muỗi đốt và sẹo ở chân do từng bị bọn cướp giải qua cánh đồng có gai sắc nhọn.

Cô có vấn đề về dạ dày và cổ họng nhưng nhanh chóng được chữa khỏi. Tinko nói với phóng viên rằng sau gần 1,5 tháng bị bắt cóc, cô có thể khạc nhổ như một tên cướp. "Nếu mẹ lâm vào tình cảnh giống tôi thì bà ấy sẽ không thể chịu đựng được, có khi phát điên lên mất".

Tinko tỏ ra hài hước khi nói về trải nghiệm của mình nhưng không thể xem nhẹ mối nguy hiểm cô đã phải đối mặt. Cũng vào năm 1932, tại Cáp Nhĩ Tân, một phụ nữ Nga bị những kẻ bắt cóc bắn chết sau khi gia đình không trả tiền chuộc; một phụ nữ Anh cố gắng bảo vệ hai con gái trước những kẻ bắt cóc cũng bị giết.

Tên trùm Pei không gia nhập quân đội mà sống im ắng trong một khoảng thời gian trước khi tham gia một băng cướp lớn hơn. Y được cho là bị người Nhật giết tháng 6/1933.

Tinko sau đó ra một cuốn sách vào năm 1935, kể về trải nghiệm của mình trong trại cướp nhưng cuốn sách không bán chạy, có lẽ vì câu chuyện không còn được quan tâm sau ba năm.

Câu hỏi mà nhiều độc giả quan tâm là chuyện gì đã xảy ra với những con chó trung thành của Tinko? Những tên cướp khá thích con chó Squiffy nhưng chúng ghét hai con chó becgie Rolf và Whiskey. Rolf bị đánh chết vì sủa quá to. Whiskey cũng bị đánh nhưng vẫn sống sót. Nó trốn thoát khỏi trại cướp và tìm được đường quay về Ngưu Trang. Squiffy luôn ở bên Tinko và nó cũng đi theo cô khi được thả.

Cô gái Anh dọa biến thành ma ám băng nhóm bắt cóc Trung Quốc 87 năm trước - 3
Con chó Squiffy tại một khu vườn ở Ngưu Trang sau khi thoát khỏi những tên cướp. Ảnh: Illustrated London News.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)