Thế giới

CNBC: Trung Quốc đưa tên lửa chống hạm và đất đối không ra Trường Sa

Báo Mỹ dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc âm thầm lắp đặt tên lửa hành trình YJ-12B và tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

CNBC dẫn các nguồn tin giấu tên và rành thông tin tình báo Mỹ cho biết tên lửa đã được triển khai đến Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn trong 30 ngày qua. Đây là 3 trong số 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp.

Theo CNBC, tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 có thể nhắm vào tàu thuyền trong bán kính 295 hải lý còn tên lửa đất đối không HQ-9B có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 257 km.

CNBC: Trung Quốc đưa tên lửa chống hạm và đất đối không ra Trường Sa
Đá Chữ Thập, nơi được cho đã được triển khai trái phép tên lửa Trung Quốc. 

Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về thông tin này.

Bộ Quốc phòng Mỹ, vốn luôn phản đối các hành động thay đổi hiện trạng và quân sự hóa của Trung Quốc ở các tiền đồn trên Biển Đông, cũng từ chối bình luận. "Chúng tôi không bình luận về các vấn đề tình báo", người phát ngôn Bộ Quốc phòng nói.

Reuters cho biết động thái này, nếu được xác nhận, sẽ đánh dấu lần đầu tiên tên lửa Trung Quốc được triển khai đến quần đảo Trường Sa, dù trước đó Bắc Kinh đã tiến hành các hoạt động xây dựng đường băng và cơ sở phi pháp tại đây.

"Đây sẽ là những tên lửa đầu tiên tại Trường Sa, dù là tên lửa đất đối không hay chống hạm", Reuters dẫn lời Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washinton D.C..

CNBC: Trung Quốc đưa tên lửa chống hạm và đất đối không ra Trường Sa - 1
Đá Vành Khăn, nơi Trung Quốc cũng đã đưa thiết bị phá sóng đến. 

"Trước đây, nếu bạn là một bên có tranh chấp, bạn biết rằng Trung Quốc đang nhìn theo mọi bước đi của bạn. Giờ thì bạn biết mình đang di chuyển trong tầm tên lửa của Trung Quốc. Đây là mối đe dọa lớn, nếu tiềm tàng", ông nói.

Trung Quốc chưa đề cập gì về việc triển khai tên lửa. Bắc Kinh nói rằng các cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa là hoàn toàn mang tính phòng vệ.

Cuối tháng 4, đáp lại thông tin về việc Trung Quốc lắp thiết bị gây nhiễu sóng ở Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng hành động này đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam; trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); gây phức tạp tình hình và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)