Thế giới

Chuyện về những người 'siêu lây nhiễm': Mang mầm dịch bệnh nhưng không có triệu chứng, giết người chỉ vì sự thiếu hiểu biết của bản thân mình

Ở thời đại không có cách điều trị bệnh truyền nhiễm hiệu quả thì việc cách ly bệnh nhân ở các hòn đảo là biện pháp tốt nhất.

Những "người siêu lây nhiễm" ám chỉ đến những người mang mầm bệnh không triệu chứng (asymptomatic carrier) có khả năng lây truyền bệnh cao, dễ dàng gây ra dịch bệnh trên diện rộng.

Chúng ta đã thấy được "sức mạnh" của họ gần đây nhất là thời điểm đại dịch SARS bùng phát: Một bệnh nhân đã đến 2 bệnh viện và lây nhiễm cho hơn 50 nhân viên y tế. Một trường hợp khác, một nhân viên khách sạn đã lây bệnh cho 16 vị khách, sau đó những vị khách này đã mang virus SARS đến nhiều quốc gia khác, gây ra dịch bệnh toàn cầu.

"Người siêu lây nhiễm" đầu tiên được ghi nhận là Mary Mallon (còn được biết đến với cái tên Typhoid Mary). Bà đã truyền bệnh thương hàn cho ít nhất 53 người, trong số này có 3 người chết vì căn bệnh. Mary Mallon là 1 trong những người nổi tiếng nhất trong lịch sử các dịch bệnh.

Tháng 8/1906, một trường hợp sốt thương hàn bất thường xuất hiện ở Long Island, New York. Gia đình Warren có 11 người, có đến 6 người đã mắc bệnh thương hàn. Đầu tiên, người con gái của gia đình Warren mắc bệnh thương hàn và được đưa vào bệnh viện. Ngay sau đó, bà Warren và 2 người giúp việc cũng đổ bệnh. Tiếp đến là một người làm vườn và 1 cô con gái khác trong gia đình Warren.

Thương hàn là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do trực khuẩn Salmonella gây ra, thường lây truyền qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Tỉ lệ tử vong khoảng 10%.

Năm 1906 là năm xảy ra đại dịch thương hàn ở Hoa Kỳ. Tổng cộng có 9712 người bị nhiễm bệnh ở Philadelphia. Tại New York, có 3467 người nhiễm bệnh và trong số đó có 639 người đã tử vong. Có thể nói, sốt thương hàn là một trong những căn bệnh khủng khiếp và phổ biến nhất vào thời điểm này. Tuy nhiên, trước đó, sốt thương hàn chưa bao giờ xảy ra tại đất nước này. 

Trực khuẩn Salmonella thường tồn tại ở những nơi có điều kiện kém, rác thải tích tụ… Nhưng Long Island, New York lại được biết đến là "vườn sau" của những người giàu có, nổi tiếng. Đặc biệt, biệt thự nơi gia đình Warren sống rất sạch sẽ và ngăn nắp, được dọn dẹp thường xuyên, vì thế "căn bệnh của người nghèo" kia vốn không thể xuất hiện tại đây.

Chuyện về những người 'siêu lây nhiễm': Mang mầm dịch bệnh nhưng không có triệu chứng, giết người chỉ vì sự thiếu hiểu biết của bản thân mình
Khu ổ chuột ở 1 góc New York, được chụp năm 1890.

Chủ tòa biệt thự này đã quyết định thuê người điều tra nguyên nhân. Sau khi kiểm tra từng chút một, thực phẩm và nguồn nước đều không tìm thấy trực khuẩn. Người ta nghi ngờ đã có người mang mầm bệnh đến đây.

Đó chính là đầu bếp Mary Mallon. Cô là người nhập cư từ Bắc Ireland và thường làm việc cho các gia đình giàu có. Nhà Warren đã trả cô mức lương hàng tháng là 45 USD, khá cao ở thời điểm đó.

Chuyện về những người 'siêu lây nhiễm': Mang mầm dịch bệnh nhưng không có triệu chứng, giết người chỉ vì sự thiếu hiểu biết của bản thân mình - 1
Mary Mallon (mặc áo đen).

7 gia đình mà cô đã đến làm trước đó đều xảy ra tình trạng tương tự nhà Warren. Tệ nhất là gia đình 11 người của luật sư Drayton có 9 người mắc bệnh thương hàn, 2 người không ngã bệnh là ông Drayton và chính Mary Mallon.

Do mức độ truyền nhiễm cao nên khó tìm được y tá điều dưỡng, ông Drayton và Mary Mallon đã phải túc trực chăm sóc có người thân cả ngày lẫn đêm. Sau khi dịch bệnh qua đi, ông đã thưởng cho Mary Mallon thêm 50 USD.

Sau khi rời đi, Mary Mallon đến làm việc ở 2 gia đình khác nữa. Dường như bà đi đến đâu đều có bệnh thương hàn theo sau. Nhưng nếu Mary Mallon thật sự mang theo mầm bệnh thì làm thế nào bà có thể truyền nhiễm cho người khác?

Thực phẩm là con đường truyền bệnh dễ dàng nhất và như hầu hết con người thời đại đó, Mary Mallon hiếm khi rửa tay sau khi đi vệ sinh. Tất cả các manh mối đều đưa đến kết luận, Mary Mallon là người truyền mầm bệnh. Nhưng vấn đề khó hiểu là bản thân bà rất khỏe mạnh và không bị sốt thương hàn.

Đúng như dự đoán, mầm bệnh sốt thương hàn được phát hiện trong hầu hết các mẫu máu và phân của bà. Sau đó, bà được đưa đến đảo South Brother và bị cô lập trong ngôi nhà gỗ với một con chó săn bên cạnh. Trong thời gian đó, Mary Mallon luôn phản ứng dữ dội: "Cả đời tôi chưa từng mắc bệnh thương hàn, luôn rất khỏe mạnh", "Tại sao tôi bị trục xuất và bị biệt giam?".

Chuyện về những người 'siêu lây nhiễm': Mang mầm dịch bệnh nhưng không có triệu chứng, giết người chỉ vì sự thiếu hiểu biết của bản thân mình - 2
Mary Mallon ở bệnh viện trong thời gian bị "cưỡng chế" xét nghiệm.

Nhưng những hành động này không phải là không có lý do. Đa số người nhập cư vào New York thời điểm đó đều rất nghèo, bẩn thiểu và được xem là những kẻ mang mầm bệnh. Sốt thương hàn, dịch tả, bệnh lao đều truyền từ những người nhập cư.

Với trường hợp của Mary Mallon, bà được giới truyền thông đặt nhiều cái tên như: "Phù thủy New York", "Người phụ nữ nguy hiểm nhất thế giới",… Năm 1910, bà được thả ra với điều kiện không theo nghề đầu bếp và phải đến báo cáo với Sở Y tế 3 tháng 1 lần. Nhưng bà đã không giữ lời.

Bệnh thương hàn đã bùng phát trở lại vào năm 1915 tại 1 bệnh viện phụ khoa ở Manhattan, 25 người mắc bệnh và làm 2 người tử vong. Mary Mallon một lần nữa được thấy tại bếp của bệnh viện này. Sự cảm thông của dư luận đã biến mất, thay vào đó sự giận dữ. Mary Mallon bị buộc trở lại "nhà giam" cũ và sống hết đời tại đó.

Chuyện về những người 'siêu lây nhiễm': Mang mầm dịch bệnh nhưng không có triệu chứng, giết người chỉ vì sự thiếu hiểu biết của bản thân mình - 3
Ngôi nhà giam giữ Mary Mallon.

Năm 1938, Mary Mallon qua đời vì đột quỵ. Khám nghiệm tử thi cho thấy vẫn còn 1 số lượng lớn trực khuẩn gây bệnh thương hàn trong túi mật của bà.

Tạp chí Forbes đã bình luận về trường hợp của Mary Mallon: "Mary trở thành kẻ giết người không phải vì cố ý mà chính là vì sự thiếu hiểu biết của mình".

Năm 1922, New York Times đưa tin một người đàn ông tên Tony Labella làm việc trong bếp của một trang trại đã truyền bệnh thương hàn cho 122 người khác. Mặc dù truyền bệnh cho nhiều người hơn nhưng ông không được biết đến nhiều như Mary Mallon.

Ở thời đại không có cách điều trị bệnh truyền nhiễm hiệu quả thì việc "ném" bệnh nhân ra đảo cách ly là cách phổ biến nhất. Họ bị tước quyền được sống và cơ hội chữa bệnh mong manh, họ bị kết án tù chung thân dù không có tội.

Mãi đến năm 2013, một nghiên cứu y học đã tiết lộ những bí mật của những "người mang mầm bệnh". Khoảng 1 – 6% số người bị nhiễm bệnh thương hàn là người siêu lây nhiễm (mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng).  

Với sự phát triển của y học và công nghệ, chúng ta dường như sống trong một thế giới an toàn hơn, lành mạnh hơn và nhân văn hơn. Phát minh ra vắc xin cũng như nâng cao nhận thức vệ sinh công cộng và cá nhân đã hạn chế nhiều bệnh truyền nhiễm.

Mãi đến khi dịch virus xảy ra một lần nữa thì con người mới nhận ra, nỗi sợ dịch bệnh chưa bao giờ ngừng lại.

Theo Hy Li (Trí Thức Trẻ)




http://ttvn.toquoc.vn/gia-dinh/chuyen-ve-nhung-nguoi-sieu-lay-nhiem-mang-mam-dich-benh-nhung-khong-co-trieu-chung-giet-nguoi-chi-vi-su-thieu-hieu-biet-cua-ban-than-minh-22202016221640548.htm