Thế giới

Chuyên gia: Việt Nam là 1 trong 3 nước ĐNÁ sở hữu năng lực ứng phó khẩn cấp với sự cố tàu ngầm

Theo ông Koh, tại Đông Nam Á, mới chỉ có Malaysia, Singapore và Việt Nam có được năng lực ứng phó khẩn cấp với sự cố tàu ngầm.

Trong bài viết trên tờ Channel News Asia, nhà phân tích Koh Swee Lean Collin đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) cho hay, trong nhiều thập kỷ qua, khi khu vực Đông Nam Á bắt đầu gia tăng số lượng tàu ngầm, đã có những cảnh báo về khả năng xảy ra sự cố.

Trước khi thảm kịch với Indonesia diễn ra thì vụ tai nạn tàu ngầm gần đây nhất được ghi nhận vào hồi tháng Hai năm nay ở Đông Bắc Á, khi tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản đâm vào thân một tàu thương mại ở Thái Bình Dương trong lúc nó đang nổi lên ngoài khơi Shikoku.

Mặc dù tàu ngầm bị hư hại nhưng 3 thành viên thủy thủ đoàn chỉ bị thương nhẹ và con tàu đã trở về căn cứ an toàn.

Đáng tiếc là, phép màu đã không xảy ra với tàu ngầm KRI Nanggala của Indonesia. Con tàu đã mất liên lạc với lực lượng trên bờ sau khi được phép cho lặn sâu xuống trong một cuộc huấn luyện phóng ngư lôi.

Sau 3 ngày tìm kiếm ráo riết, khi lượng oxy trên tàu gần như đã cạn kiệt, chính quyền Indonesia đưa ra tin xấu: Toàn bộ 53 thành viên thủy thủ đoàn được xác nhận đã thiệt mạng. Một số mảnh vỡ của tàu đã được tìm thấy.

Con tàu được xác định là đã chìm ở độ sâu hơn 800m, vượt quá độ sâu lặn tối đa theo thiết kế của tàu.

Chuyên gia: Việt Nam là 1 trong 3 nước ĐNÁ sở hữu năng lực ứng phó khẩn cấp với sự cố tàu ngầm
Lực lượng cứu hộ Indonesia công bố các mảnh vỡ từ tàu ngầm. Ảnh: AP

Ông Koh nhận định, trong vụ việc này, Indonesia đã có phản ứng rất nhanh chóng và dứt khoát. Nhận thức được những hạn chế về nguồn lực của mình, quân đội Indonesia đã nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp từ nước ngoài thông qua kênh Văn phòng liên lạc cứu hộ và thoát hiểm tàu ngầm quốc tế (ISMERLO).

Jarkata cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ Singapore theo thỏa thuận được ký kết giữa hai phía về hợp tác và hỗ trợ cứu hộ tàu ngầm năm 2012.

Chuyên gia: Việt Nam là 1 trong 3 nước ĐNÁ sở hữu năng lực ứng phó khẩn cấp với sự cố tàu ngầm - 1
Singapore triển khai tàu MV Swift Rescue tham gia nỗ lực tìm kiếm tàu ngầm Indonesia mất tích hôm 21/4 Ảnh: REUTERS

Thời gian là điều cốt yếu

Theo ông Koh, hợp tác quốc tế trong việc ứng phó khẩn cấp với sự cố tàu ngầm sẽ luôn là một vấn đề quan trọng. Nhiều quân đội nước ngoài sẽ sở hữu những khả năng cần thiết mà quốc gia sở tại không có, trong khi đó là điều rất quan trọng đối với bất cứ tình huống khẩn cấp nào về tàu ngầm.

Dù vậy, về bản chất, ứng phó khẩn cấp với sự cố tàu ngầm cũng là một cuộc chạy đua với thời gian.

Về mặt này, hợp tác quốc tế dù quan trọng nhưng vẫn có những hạn chế nhất định. Đó có thể là khoảng cách địa lý giữa quốc gia điều động tàu cứu hộ tàu ngầm và hiện trường xảy ra sự cố.

Ngay cả trong trường hợp một quốc gia nước ngoài dùng đường hàng không để đưa phương tiện DSRV tới quốc gia cần trợ giúp thì họ vẫn sẽ cần có một tàu chuyên dụng, được trang bị đầy đủ có mặt tại cảng gần nhất với hiện trường sự cố. Trong khi đó, sẽ cần thời gian để trang bị cho con tàu này trước khi triển khai.

Phải di chuyển quãng đường hơn 1.500km từ căn cứ hải quân Changi tới địa điểm ngoài khơi Bali, dù là trong điều kiện tốt nhất, thì tàu Swift Rescue của Singapore cũng phải tới cuối giờ chiều hoặc tối ngày 23/4 mới tới được nơi.

Trong bối cảnh lượng oxy trên tàu Nanggala dự kiến sẽ cạn kiệt vào 3 giờ sáng ngày 24/4 thì Swift Rescue sẽ chỉ còn cơ hội rất hạn chế để thực hiện các nỗ lực giải cứu.

Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác gây cản trở cho nỗ lực cứu hộ tàu ngầm, đặc biệt là thời tiết và các điều kiện ở biển.

Thảm kịch của tàu ngầm Nanggala đã cho thấy các lực lượng hải quân đang vận hành tàu ngầm cần suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc thiết lập cơ sở hạ tầng hỗ trợ, giúp đảm bảo các hoạt động của tàu ngầm được an toàn và hiệu quả.

Không chỉ cần tàu ngầm là đủ

Dẫu vậy, theo ông Koh, vụ tai nạn đáng tiếc trên dự kiến sẽ không tác động nhiều tới kế hoạch mua tàu ngầm của các lực lượng hải quân trong khu vực.

Ngoài Indonesia, Malaysia đang nghĩ tới việc mở rộng hạm đội của mình. Trong khi đó, Philippines và Thái Lan cũng đang có kế hoạch hoặc đã bắt tay vào xây dựng hạm đội tàu ngầm của riêng mình.

Ông Koh nhận định, rõ ràng, khi nói tới năng lực về tàu ngầm thì việc mới chỉ có tàu ngầm trong trang bị thôi là chưa đủ.

Những lực lượng hải quân đang tìm cách xây dựng năng lực hoạt động dưới nước ở mức độ đáng tin cậy, an toàn và hiệu quả sẽ có nhiều thứ cần lo lắng hơn là chỉ riêng chiếc tàu ngầm.

Vòng đời của tàu ngầm sau khi được chuyển giao, lịch trình bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu cần thiết dành cho chúng là những yếu tố quan trọng cần xem xét trên khía cạnh tài chính, vận hành và an toàn.

Với những khoản chi phí đắt đỏ này, các tàu ngầm hiện đại ngày nay sẽ phục vụ được lâu hơn, ngay cả khi đã qua tuổi thọ trung bình của chúng. Bên cạnh đó, khâu đào tạo thủy thủ đoàn và lực lượng hỗ trợ trên bờ cũng rất quan trọng.

Để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp liên quan tới tàu ngầm, hải quân các nước không thể chỉ dựa vào sự hỗ trợ của nước ngoài.

Cơ sở hạ tầng hỗ trợ tàu ngầm phải bao gồm khả năng ứng phó khẩn cấp – việc này đòi hỏi một khoản chi phí bổ sung đối với những lực lượng hải quân đang thiếu thốn ngân sách.

Tuy nhiên, có một thực tế là, trải qua nhiều thập kỷ đưa tàu ngầm trở thành một phương tiện phổ biến ở khu vực này, nhiều nước chưa thực sự chú trọng nhiều tới khả năng ứng phó khẩn cấp.

Các lực lượng hải quân ở Đông Bắc Á, như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như Australia đều đã có năng lực ứng phó khẩn cấp như một thành phần cơ bản trong lực lượng tàu ngầm của họ.

Tại Đông Nam Á, theo ông Koh, mới chỉ có Malaysia, Singapore và Việt Nam có được năng lực này trong số 5 lực lượng hải quân vận hành tàu ngầm.

"Việt Nam là một trường hợp thú vị. Trong khi Hải quân Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng hạm đội gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo mua từ Nga, thì Việt Nam đã ký kết với Singapore thỏa thuận ứng phó khẩn cấp với tàu ngầm vào năm 2013 – tương tự như thỏa thuận ký giữa Indonesia và Singapore một năm trước đó.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã ký kết thỏa thuận trên, Việt Nam vẫn tự trang bị tàu cứu hộ tàu ngầm của riêng mình. Con tàu mang tên Yết Kiêu, đã hoàn thành chế tạo" – Ông Koh viết.

Chuyên gia: Việt Nam là 1 trong 3 nước ĐNÁ sở hữu năng lực ứng phó khẩn cấp với sự cố tàu ngầm - 2
Tàu 927-Yết Kiêu, tàu cứu hộ tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tiền phong.

Theo vị chuyên gia, năng lực ứng phó khẩn cấp với tàu ngầm sẽ rất hữu ích trong trường hợp xảy ra sự cố.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, khi việc tuyển mộ đủ nhân lực cho thủy thủ đoàn tàu ngầm ngày càng trở nên khó khăn (do đây là công việc nguy hiểm hơn so với thủy thủ đoàn của tàu mặt nước) thì việc xây dựng được niềm tin cho những người phải thực hiện nhiệm vụ bên trong những con tàu này là điều rất cần thiết.

Các thủy thủ tàu ngầm – những người phải đặt tính mạng của họ vào tình thế nguy hiểm – cũng sẽ mong đợi một sự giúp đỡ đáng tin cậy và chắc chắn khi gặp nạn trên biển.

Theo QS (Doanh nghiệp & Tiếp thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/chuyen-gia-viet-nam-la-1-trong-3-nuoc-dna-so-huu-nang-luc-ung-pho-khan-cap-voi-su-co-tau-ngam-161212704154245000.htm