Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo về bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới 49 ngày nhưng hầu như không có triệu chứng

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc nêu khả năng về một mầm bệnh Covid-19 mới không gây triệu chứng nặng nhưng có thể kéo dài khả năng lây nhiễm sau khi phát hiện một bệnh nhân bị bệnh tới 49 ngày.

Có thể có nhiều "bệnh nhân nhiễm bệnh mạn tính" như vậy ở cộng đồng, và họ đều tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, theo các nhà nghiên cứu.

Trong nghiên cứu đăng tải trên trang web Medrxiv.org, các nhà khoa học Trung Quốc thuộc Đại học Quân y Trùng Khánh, Bệnh viện 967 của Quân đội Trung Quốc ở Đại Liên, và Bệnh viện đa khoa Chiến khu Trung ương của quân đội Trung Quốc ở Vũ Hán nêu trường hợp một người đàn ông trung niên trải qua thời gian nhiễm bệnh 49 ngày.

Bệnh nhân được ghi nhận có lượng virus rất cao trong cơ thể, tuy vậy hệ thống miễn dịch của người này vẫn hoạt động ổn định.

Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo về bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới 49 ngày nhưng hầu như không có triệu chứng

"Virus và cơ thể bệnh nhân có thể đã tạo thành mối quan hệ cộng sinh," các tác giả cho biết.

Sau khi cơ thể bệnh nhân không thể tiêu diệt virus bằng các phương pháp điều trị thông thường và cho thấy dấu hiệu bệnh nhân có thể lây bệnh cho người khác, các bác sĩ đã điều trị cho bệnh nhân bằng huyết tương. Hai ngày sau, bệnh nhân được xét nghiệm đã cho kết quả dương tính.

Đây được coi là trường hợp nhiễm bệnh lâu nhất ở bệnh nhân Covid-19. Dữ liệu trước đây cho biết các bệnh nhân mắc Covid-19 thường phục hồi sau 20 ngày, trường hợp lâu nhất là 37 ngày. Thông thường, thời gian nhiễm bệnh càng lâu thì triệu chứng càng nặng.

Tuy vậy, bệnh nhân kể trên chỉ bị sốt nhẹ, không bị ho, ớn lạnh, khó thở và trải qua những triệu chứng thông thường khác của Covid-19. Hình ảnh chụp chiếu cho thấy bệnh nhân nhiễm trùng phổi nhưng biến mất chỉ vài ngày sau khi nhập viện. Thân nhiệt của bệnh nhân sau đó cũng trở lại bình thường.

Xét nghiệm acid nucleic cho thấy bệnh nhân vẫn dương tính với Covid-19, lượng virus cao thường thấy ở những ca bệnh nặng, đồng nghĩa với việc vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.

Trường hợp này "có thể là ca nhiễm mạn tính nếu không có điều trị bằng huyết tương," các nhà nghiên cứu lưu ý.

Một phụ nữ cao tuổi có quan hệ với bệnh nhân cũng dương tính với Covid-19 và cho thấy triệu chứng rõ rệt hơn. Tuy vậy, dù đã cao tuổi và có bệnh nền, bà phục hồi nhanh và tiên lượng tốt hơn so với các bệnh nhân cùng độ tuổi.

Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy không ai khác trong gia đình này dương tính với Covid-19.

Các nhà khoa học cho rằng những thông tin này có thể cho thấy một biến thể nhẹ của virus, có khả năng lây lan yếu hơn nhưng khó diệt tận gốc.

Có thể sẽ có nhiều trường hợp "nhiễm bệnh mạn tính" khác, thường không được cơ quan y tế chú ý nhưng có khả năng làm bùng phát dịch bệnh.

Tố Linh (Nguoiduatin.vn)